Quản trị mạng – những điều bạn quan tâm

Hiện trạng ngành quản trị hệ thống (quản trị mạng)

Theo Sở kế hoạch và đầu tư Hà Nội, hiện nay cả nước ta hiện có khoảng 3000 nhân lực Quản trị mạng. Trong đó tại Hà Nội là 1.200 – 1.500 người chiếm tỷ lệ 40 – 50% nhân lực cả nước. Theo thống kê hiện có 7 trường đại học công lập có khoa CNTT với năng lực đào tạo khoảng 2000 kỹ sư CNTT / năm;
Các trường đại học dân lập cũng có khả năng đào tạo khoảng 2.000 kỹ sư CNTT/năm và có khoảng 1.000 sinh viên từ Hà Nội đang học về CNTT ngoài hệ thống đào tạo đại học nhưng chỉ có 10% tham gia vào quản trị hệ thống. Nhu cầu thực tế từ nay đến năm 2015 là 25.000 người cho cả nước, trong đó Hà Nội cần 15.000 người lớn hơn rất nhiều so với năng lực đào tạo hiện nay.

Tìm hiểu chung về nghề quản trị mạng

Quản trị mạng làm những gì? Chuyên viên quản trị mạng (CVQTM) giữ nhiệm vụ vận hành, khai thác, mở rộng và xử lý các sự cố liên quan đến hệ thống thông tin như quản lý các kết nối Intranet, Internet, quản lý hoạt động của các server như mail, DNS, web, database … Ngoài ra, CVQTM còn phụ trách nhiều công việc nho nhỏ khác như bấm cáp mạng, đi dây mạng, sửa nguồn điện …

Nghề quản trị hệ thống cần kỹ năng gì?

–      Sự Đam Mê

–      Phản ứng nhanh

–      Có tinh thần trách nhiệm và chịu được áp lực cao

–      Thành thạo tiếng anh chuyên nghành

–      Có khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm

Lương? Lương người mới vào nghề khoảng 200 – 300 USD. Nếu có 2-3 năm kinh nghiệm thì lương từ 500 USD – 800 USD. Trưởng nhóm có mức lương 900 – 1.200 USD, còn Trưởng phòng IT giỏi thì lương tới trên 1.500 USD. Giám đốc IT tối thiểu là 3.000 USD. Nói chung, nếu bạn có kiến thức chuyên môn và kỹ năng quản lý tốt thì các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng trả mức lương vượt khung

Bằng cấp hay kỹ năng kinh nghiệm? Cả hai đều quan trọng, nhưng kinh nghiệm và kỹ năng là yếu tố quyết định để giúp bạn tiến xa. Kinh nghiệm rất hữu ích khi phỏng vấn cũng như trong công việc. Nếu có bằng cấp mà không có kinh nghiệm thì bạn chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm việc, ít nhất là trong thời gian đầu. Lý tưởng nhất là có cả hai.

Con Đường Tiến Thân? Nếu CVQTM có kiến thức chuyên môn vững, kỹ năng chuyên sâu về công nghệ, bản lĩnh và có kỹ năng quản lý thì chắc chắn con đường tiến thân sẽ rất sáng sủa. Họ sẽ đi từ Chuyên viên quản trị hệ thống hoặc mạng (System/Network Administrator) đến Chuyên viên quản trị cấp cao (Senior System/Network Administrator) hoặc Trưởng nhóm (Leader), Trưởng phòng IT (IT Manager), cuối cùng là Giám đốc IT (IT Director). Thời gian thì tùy thuộc vào nỗ lực và trình độ chuyên môn của mỗi người. Có người còn rất trẻ đã giữ vị trí Trưởng nhóm hoặc thậm chí là cao hơn.

Là một nghề nhàn hạ? Quản trị mạng không phải là một nghề nhàn hạ. Sự cố mạng máy tính có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngoài giờ làm việc, vào ngày nghỉ cuối tuần… Chuyên viên quản trị mạng phải luôn sẵn sàng xử lý cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường. Tuy nhiên, đây lại là một nghề lương cao với nhiều cơ hội thăng tiến. Vì thế, nếu đam mê công nghệ và thích thử thách, bạn cứ mạnh dạn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này.

Các chứng chỉ nên có?

-Aptech

-Microsoft

-Cisco

-Acatel

-Juniper

(Nội dung được ghi tại hội thảo “Nghề Quản trị mạng nhân lực và tiềm năng” do trường Hanoi-Aptech tổ chức)

 (Hanoi-Aptech)