Những điều về Freelancer mà học viên Hanoi-Aptech cần biết

Nếu bạn ưa thích môi trường làm việc tự do, thoải mái, không bị gò ép về thời gian hay các quy định thì Freelancer là một lựa chọn hoàn hảo cho bạn. Freelancer là từ ngữ dùng  để chỉ những người làm việc độc lập trong một hoặc nhiều ngành nghề, họ tự kiểm soát công việc và thời gian của mình.

Lợi thế mà các freelancer có được là họ tự kiểm soát công việc và thời gian của mình, vừa được thỏa sức sáng tạo với nghề nghiệp mà lại còn có hầu bao “ rủng rỉnh” hơn rất nhiều chiến hữu làm văn phòng 8h/ ngày. Đây cũng là hình thức làm việc độc lập thu hút được đông đảo bạn trẻ tham gia, thế nhưng vẫn còn có những điều mà teen Hanoi-Aptech cần phải biết trước khi “ dấn thân” lựa chọn nó.

Sức hấp dẫn của Freelancer

Sự khác biệt lớn nhất giữa freelancer tại Việt Nam so với trên thế giới là ở độ tuổi và số năm kinh nghiệm. Tại nước ta, freelancer thường là những bạn trẻ vừa tốt nghiệp THPT, đang theo học tại các trường ĐH, CĐ và dạy nghề. Freelancer là hình thức làm việc vừa đảm bảo được thời gian học, vừa có thêm thu nhập và được vận dụng kiến thức đã học và thực tế nên nó đã được giới trẻ đón nhận.

Ngọc Minh – sinh viên trường Hanoi-Aptech chia sẻ: “ Mình yêu thích CNTT từ ngày còn học THPT. Để thực hiện được mơ ước này, mình đã lựa chọn theo học tại Hanoi-Aptech, vừa đảm bảo được chất lượng kiến thức có được lại không mất quá nhiều thời gian. Trong quá trình học, nhà trường có giới thiệu cho mình những công việc phù hợp với lịch học, kiến thức của bản thân và nó đã giúp mình có thêm thu nhập cùng cơ hội được làm việc lâu dài tại công ty hiện tại mà mình đang cộng tác”.

Ưu điểm của freelancer so với các hình thức làm việc khác đó chính là bạn được thỏa mãn đam mê của mình, lựa chọn khách hàng và nội dung công việc mình thích, tự quyết định mức lương mà mình cảm thấy xứng đáng được nhận, thêm nữa là sự thoải mái về thời gian cũng như không gian làm việc. Do đó, ở nước ta, freelancer tập trung nhiều ở các lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật hoặc lập trình. Người ta ước tính, cứ 10 phút thì một freelancer nhận được một cuộc gọi mời làm việc. Nếu cộng dồn các khoản được trả lương tháng thì thu nhập của freelancer rất đáng cho những người làm công sở mơ ước.

Freelancer và bản lĩnh người làm nghề

Nếu search google từ “ freelancer” sẽ cho ra hơn 60 triệu kết quả, tuy nhiên nếu từ khóa này đến từ những website tiếng Việt hoặc tìm bằng tiếng Việt thì kết quả lại chưa đến 700.000 kết quả. Điều này cho thấy, freelancer tuy là hình thức công việc mới mẻ, hấp dẫn nhưng lại khá nhiều người do dự khi lựa chọn. Vì sao vậy?

Bởi lẽ, là freelancer bạn sẽ có mức thu nhập không cố định, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không có tiền. Không làm công sở điều đó đồng nghĩa với việc tiền không được chuyển cố định vào tài khoản cho bạn theo thời gian ấn định. Bạn sẽ phải “ khéo léo” để làm chủ được túi tiền để không gặp khó khăn về tài chính.

Làm việc độc lập đồng nghĩa với bạn phải biết cách tạo “ thương hiệu” cho riêng mình qua các kênh xã hội để gây ấn tượng được với khách hàng và nổi bật hơn so với các freelancer khác. Để làm được điều đó, ban đầu bạn phải chấp nhận những công việc vụn vặt, nhỏ lẻ, lấy mối từ những người quen biết và mở rộng mối quan hệ của mình về sau.

“ Mất cả chì lẫn chài” là điều mà bất cứ freelancer nào cũng sợ gặp phải nếu như dự án  bị thất bại, trễ deadline hay khách hàng “ quỵt” tiền. Chưa kể tới việc bạn không có sếp nào quản lí, không tuân theo quy định nghiêm khắc nào nên cũng dễ “ bỏ quên” trách nhiệm, tiến độ công việc còn tùy thuộc vào cảm hứng của bản thân do đó hiệu quả công việc thường không cao nếu bạn không biết điều hòa mọi thứ.

Freelancer – Nghiệp hay giải trí?

Là một freelancer bạn phải luôn chấp nhận những khó khăn bất ngờ, tự lên kế hoạch cho chính mình. Những freelancer thành công là những người có niềm đam mê, nhiệt huyết với ngành mình theo đuổi, có sự đầu tư kĩ càng về kiến thức cũng như kĩ năng trong công việc. Họ không ngừng lên kế hoạch rèn luyện bản thân lâu dài, họ không ngừng tìm tòi và học hỏi qua các kênh thông tin khác nhau từ hiện đại: internet, báo chí,… cho đến truyền thống: sách vở, tài liệu nghiên cứu,…

Hãy thường xuyên cập nhật những xu hướng mới nhất trong ngành nghề của mình để cho phù hợp với sự phát triển của xã hội bạn nhé. Nếu bạn không muốn bị loại, không muốn chìm nghỉm giữa hàng vô số freelancer khác thì hãy biết cách F5 lại bản thân mình.

Có một lựa chọn an toàn cho những bạn trẻ muốn theo đuổi freelancer nhưng vẫn muốn một sự ổn định đó là hãy xem công việc như một nghề tay trái. Freelancer có thể là sự lựa chọn tự do nhưng cũng đi kèm “ liều lĩnh”. Trước khi quyết định, hãy chắc chắn là bạn đã sẵn sàng đón nhận.

Hi vọng với những chia sẻ trên thì các học viên Hanoi-Aptech sẽ có thêm những kiến thức bổ ích về nghề freelancer, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn về nghề nghiệp của bản thân mình trong tương lai. Chúc các bạn luôn thành công!

H.C