Theo kết quả thi của trên 200 trường ĐH, CĐ công bố, lượng bài thi điểm 10 năm nay giảm đáng kể. Điều này chứng minh hướng ra đề thi năm nay có cải tiến đúng như lời chuyên gia nhận xét: đề thi có tính phân loại, có câu dễ, câu trung bình – khó và rất khó. Điều này đồng nghĩa, không còn hiện tượng ‘mưa’ điểm 10 và điểm chuẩn sẽ có nhiều biến động…
Hết mưa điểm 10
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay, năm nay Bộ đã quán triệt Ban ra đề thi ĐH ra đề phù hợp với trình độ của thí sinh. Nghĩa là thí sinh trung bình cũng có thể làm được chứ không thể bỏ giấy trắng. Những câu rất khó dành cho những học sinh giỏi và những em đoạt giải olympic quốc gia, quốc tế mới có thể được 10 điểm.
Do vậy, nhận định chung của nhiều trường điểm 10 các môn Toán – Lý – Hóa năm nay không nhiều. Những trường luôn dồi dào điểm tuyệt đối như: ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Dược Hà Nội, Học viện Tài chính, ĐH Bách khoa TP.HCM.…thì năm nay đã giảm. Không còn hiện tượng ‘mưa’ điểm 10 như mùa thi các năm trước.
Ông Hoàng Minh Sơn – trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, so với năm 2011 số bài thi đạt điểm 10 ít hơn nhưng phổ điểm chung khá hơn.
Theo ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, so với năm trước mặt bằng điểm thi năm nay của trường không cao. Số bài thi đạt điểm 10 ít.
Số bài thi có điểm tuyệt đối của Trường ĐH Ngoại thương cũng không nhiều. Năm nay trường không có thủ khoa đạt điểm tuyệt đối. Tuy nhiên, điểm chuẩn vào trường khối A thí sinh phải đạt 8 điểm/ môn mới đậu, khối A1 và khối D thí sinh phải đạt 7,5 điểm/ môn mới đậu cơ sở Hà Nội. Điểm chuẩn cơ sở phía Nam dự kiến khối A là 24; khối A1 và D là 23 điểm….
Đến cuối ngày 30/7, trong hơn 200 trường ĐH, CĐ công bố điểm thi mới có 1 thí sinh đạt 30 điểm (Trường ĐH Y Dược TP.HCM).
Điểm chuẩn Y dược sẽ cao
Thống kê của Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD-ĐT) cho biết, trong danh sách 100 thí sinh có điểm thi cao nhất cả nước, trường Y, Dược vẫn chiếm ưu thế. Cụ thể, có 46 em thuộc Trường ĐH Y Dược TP.HCM, 11 em thi Trường ĐH Dược Hà Nội, một em ở Học viện Quân y và một em ở khoa Y (ĐHQG TP.HCM).
Xếp vị trí thứ hai là các trường Ngoại thương, Kinh tế, Tài chính. Trong top 100 có sự góp mặt của 13 thí sinh ĐH Ngoại thương, 2 thí sinh Học viện Tài chính và một em thi ĐH Kinh tế Quốc dân.
Theo kết quả thi Trường ĐH Y Dược TP.HCM công bố, điểm thi vào trường năm nay cao hơn năm trước, nếu tính số thí sinh có tổng điểm thi bằng mức điểm chuẩn ngành thấp nhất năm 2011 (17 điểm) thì toàn trường có tới 4.952 TS đạt được. Chỉ riêng mức điểm từ 20 trở lên thì có tới 2.930 thí sinh, từ 29 trở lên có 19 thí sinh. Tổng chỉ tiêu của trường năm nay là 2.760.
Trưởng phòng Đào tạo nhà trường Lý Văn Xuân cho biết: “Dự kiến điểm chuẩn hầu hết các ngành sẽ cao hơn năm 2011 khoảng từ 0,5 đến 2,5 điểm. Trong đó, 3 ngành tăng nhiều nhất là Bác sĩ đa khoa với dự kiến điểm chuẩn là 26,5; Bác sĩ răng-hàm-mặt là 26; Dược sĩ đại học 25,5”.
Trường ĐH Y tế công cộng dự kiến điểm chuẩn nhỉnh hơn năm 2011 (điểm chuẩn là 18).
Trường ĐH Dược dự báo điểm chuẩn năm nay khoảng 23,5 hoặc 24,0 điểm so với 24,0 điểm chuẩn năm trước.
Ông Trương Việt Bình, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền cho biết: “Năm nay trường có trên 5.000 TS dự thi, số TS đạt từ 20 điểm trở lên là 800. Chỉ tiêu vào trường là 500. Theo kinh nghiệm các năm trước với số điểm thi như vậy, điểm chuẩn vào trường sẽ vào khoảng 19,5 – 20 điểm”.
Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, điểm chuẩn ngành cao nhất vẫn là Bác sĩ đa khoa và Răng – hàm – mặt. Điểm chuẩn thấp nhất vẫn là Y tế công cộng.
Trường ĐH Y Thái Bình dự kiến nhiều khả năng điểm chuẩn vào các ngành của trường sẽ tương tự năm ngoái. Năm 2011, điểm chuẩn vào Trường ĐH Y Thái Bình là 20 điểm với ngành bác sĩ y học cổ truyền, 22,5 điểm với ngành dược, 24 điểm đối với ngành bác sĩ đa khoa.,,,
Kinh tế: không nhiều biến động
Theo ông Tô Ngọc Hưng – Giám đốc Học viện Ngân hàng, năm nay trường vẫn lấy điểm sàn vào trường tương đương năm trước, có thể từ 21-22 điểm. Ngành ngân hàng vẫn có mức điểm chuẩn cao nhất, từ 24-25 điểm.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã công bố điểm thi và dự kiến điểm trúng tuyển các khối. Theo đó, điểm chuẩn dự kiến khối A, D (tiếng Anh hệ số 1): 20 điểm; ngành Tài chính – ngân hàng: 23 điểm; ngành Kế toán: 24 điểm. Khối D (nhân hệ số): 27,5 điểm. Riêng ngành Ngôn ngữ Anh là 29 điểm.
Học viện Tài chính đã hoàn tất công việc chấm thi và dự kiến điểm chuẩn tương đương năm trước.
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) dự kiến điểm trúng tuyển tương đương năm ngoái, dao động từ 17 đến 22,5 điểm tùy theo ngành.
Trường ĐH Kinh tế TP HCM cho biết thống kê ban đầu cho thấy mặt bằng điểm cao hơn mọi năm, nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối ở môn Toán. Mức điểm trung bình khá trở lên đạt tới 75% trên tổng số 14.000 thí sinh dự thi. Vì vậy, dự kiến mức điểm chuẩn cũng sẽ tăng khoảng 0,5 điểm.
Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP.HCM) thống kê ở mức từ 16 điểm trở lên thì toàn trường có 2.750 thí sinh đạt được. Nếu lấy mức 17 điểm thì có 3.076/8.939 thí sinh. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu vào trường năm nay là 1.700 sinh viên….
Nhiều trường điểm chuẩn bằng sàn
Các trường dự kiến điểm chuẩn bằng điểm sàn quy định của Bộ đều rơi vào nhóm trường tốp dưới và các trường ngoài công lập…
Cụ thể, Trường ĐH Xây dựng miền Tây dự kiến xây dựng điểm chuẩn nguyện vọng (NV)1 đối với cả khối A,V là 13. Trường sẽ dành chỉ tiêu để xét NV2 đối với cả hai khối này.
Tương tự các trường: ĐH Công nghiệp Việt Trì, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, ĐH dân lập Hải Phòng, ĐH Thủ Dầu một, ĐH An Giang…đều dự kiến điểm chuẩn bằng mức điểm sàn quy định của Bộ.
Năm nay, Trường ĐH Tân Tạo (Long An) năm nay tuyển hơn 500 chỉ tiêu bậc ĐH cho 9 ngành đào tạo. Tuy nhiên, chỉ có 74 thí sinh ĐKDT vào trường.
Nếu tính từ mức 13 điểm trở lên (chưa tính điểm ưu tiên), chỉ có 57 thí sinh đạt được. Như vậy, với hơn 500 chỉ tiêu của kỳ tuyển sinh năm nay, trường chắc chắn sẽ phải xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo. Điểm chuẩn NV1 của trường sẽ khó cao hơn điểm sàn chung của Bộ GD-ĐT.
Kết quả thi trường ĐH Hồng Bàng, Lạc Hồng, Quảng Nam, ĐH Tôn Đức Thắng…cũng không khả quan hơn năm trước.
Những trường này đều phải kéo dài thời gian xét tuyển nguyện vọng mới đủ chỉ tiêu được giao mở ra “cuộc đua” mới cho thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ có nhiều lựa chọn.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết sẽ dành hơn 60% chỉ tiêu ĐH, CĐ để xét tuyển cho các NV tiếp theo. Đặc biệt, trường sẽ xét tuyển NV2 hai ngành học mới mở là thống kê (tuyển sinh khối A, A1) và quản lý thể dục thể thao (tuyển sinh khối A1, D1 và T), với khoảng 50 chỉ tiêu cho mỗi ngành.
Lãnh đạo Trường ĐH Điện lực cũng dành 10 – 15% chỉ tiêu để xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo. Trường ĐH Đại Nam dành hơn 1.000 chỉ tiêu xét tuyển các NV tiếp theo….
Thông tin các trường còn chỉ tiêu xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo sẽ được các trường công bố sau 10/8.
Theo Vietnamnet.