Trung tâm GDC của IBM sẽ cần 1.000 kỹ sư phần mềm trong năm 2007 và 2.000 trong năm 2008, Boeing đang tìm đối tác tại VN với yêu cầu mỗi hợp đồng cần tối thiểu 1.000 kỹ sư phần mềm. Thế nhưng…
Ông Nguyễn Minh Hoàng, trưởng khoa công nghệ thông tin (CNTT) Đại học Hùng Vương, cho biết: “Theo thống kê của Viện Chiến lược CNTT, qua phỏng vấn các sinh viên CNTT mới ra trường thì 72% không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết trong lĩnh vực phần mềm họ có thể làm công việc nào tốt nhất, và 77,2% doanh nghiệp phần mềm phải đào tạo lại các nhân viên mới trong ít nhất ba tháng”.
Khá nhiều đại biểu tại hội thảo quốc tế “Việt Nam – cường quốc nhân lực phần mềm năm 2015” nhất trí trong thực tế con số này cao hơn rất nhiều. Ông Lê Trường Tùng, chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, cho rằng khảo sát của Công viên phần mềm Quang Trung đưa ra tỉ lệ sẵn sàng làm việc của sinh viên VN tốt nghiệp CNTT là đã rất “du di”, bởi trên thực tế có lẽ còn thấp hơn.
Ông Phí Anh Tuấn – giám đốc chi nhánh Tập đoàn CMC phía Nam – nhận xét: “Các chương trình đào tạo hiện nay cập nhật chậm so với sự thay đổi của công nghệ và chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành, thiếu các kiến thức xã hội bổ trợ, các chương trình thực tập nhiều khi chỉ làm cho có, đề tài không mang tính thực tiễn”.
Trưởng dự án của một công ty phần mềm đa quốc gia nhận xét: “các bạn trẻ mới ra trường phần lớn năng động, nắm bắt công việc, tiếp thu kỹ thuật mới nhanh, hoài bão lớn nhưng kỹ năng làm việc lại nặng về lý thuyết, mặt khác rất mau chán nản, thiếu kiên trì”.
Bà Vũ Anh – trưởng bộ phận nhân sự Công ty VinaGame – cho biết do yêu cầu đòi hỏi phải có kinh nghiệm ít nhất 1-2 năm nên sinh viên mới ra trường đến thử việc tại VinaGame không nhiều.
Với đặc thù ngành, các doanh nghiệp phần mềm mong mỏi được tham gia đóng góp ý kiến trong các hội đồng khoa học khi xây dựng giáo trình và các đề tài thực tập, được đưa phần thực hành tại doanh nghiệp vào các chương trình đào tạo chính qui và phối hợp xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học với đề tài thiết thực hơn.
Hiện nay, hầu hết các công ty phần mềm đều phải đào tạo lại nhân viên, đối với ứng viên mới ra trường, khâu đào tạo lại càng tốn kém và mất thời gian hơn khiến các doanh nghiệp đều từ chối nhận sinh viên mới tốt nghiệp. Việc đưa những chương trình dạy và học sát với công việc thực tế sẽ giúp sinh viên hứng thú hơn trong việc học và cũng sẽ bớt lãng phí xã hội.