Eric Allman, người đặt nền móng cho giao thức chuyển thư điện tử Sendmail phổ biến trên Internet, cho biết ông không bao giờ đồng ý triển khai dự án này nếu hình dung ra e-mail lớn mạnh và thu lợi nhuận cao như bây giờ. Hồi đó, ông viết code mà không được trả đồng nào.
“Đại học Berkeley (California, Mỹ) có ý định xây dựng một nền tảng Internet để nghiên cứu và một thứ họ cần là cổng giao nhận thư SMTP“, Allman cho biết. “Thế là tôi lao vào viết mã”. Công việc này được tiến hành hồi năm 1981 để đáp ứng nhu cầu truy cập vào mạng Arpanet – tiền thân của Internet.
“Lúc đó tôi nói rằng e-mail chính là phương tiện để kết nối mạng Arpanet với hệ thống network có sẵn tại Berkeley, gọi là Berknet, và có thể chuyển thông tin đi bằng một chương trình rất đơn giản”, Allman bày tỏ. “Mới đầu tôi tưởng mọi việc dễ dàng nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy ngập đầu. Những người cùng làm công việc này cũng nói như vậy”. Allman đã viết mã cho hệ thống chuyển thư Delivermail đầu tiên, sau đó nâng cấp thành Sendmail với nhiều tính năng phức tạp hơn, giúp cho e-mail, dù manh nha từ thập kỷ 60, đến giữa những năm 80 thế kỷ trước mới bắt đầu được chú ý.
Cho đến cuối những năm 90, Allman mới thành lập công ty sau khi chứng kiến các đồng nghiệp trở thành triệu phú và nổi danh tại thung lũng Silicon. Ông từng làm việc cùng Eric Schmidt, Giám đốc điều hành Google và Bill Joy, người thành lập Sun Microsystems.
“Tại Berkeley có rất nhiều người tài năng và giờ đây họ đã nổi tiếng”, Allman nhận xét. “Còn tôi, hồi đó tôi không thành lập được công ty với Sendmail vì hình thức chuyển thư điện tử chưa phổ biến và rất ít người sẵn lòng trả tiền cho dịch vụ này”.
Hệ thống gửi và nhận e-mail mà Allman viết hiện được dùng trên khắp thế giới và vẫn sẽ là một phương tiện truyền thông tin giữa các máy tính trong tương lai. Sendmail là công trình nổi tiếng trong cộng đồng nguồn mở và hệ điều hành Unix vì hỗ trợ rất nhiều giao thức gửi thư như SMTP, ESMTP, DECnet’s mail11, HylaFax, QuickPage. Ngoài ra, Sendmail còn hỗ trợ cả hệ điều hành Windows, giao thức POP3. Microsoft, dù không liên quan gì đến nguồn mở, cũng từng áp dụng kỹ thuật này trong hệ thống thư nội bộ của họ.