Lần đầu tiên trong lịch sử, quy tắc thu tiền được đề ra cho một hệ điều hành vốn sinh ra là để miễn phí.
Cách đây vài tháng, Microsoft đã ký kết một thỏa thuận rùm beng với Novell, một trong nhiều hãng phân phối hệ điều hành Linux. Khi ấy, giới phân tích gọi đó là thỏa thuận lịch sử, nhưng giờ thì người ta hiểu: bản chất của vụ giao dịch này là Novell phải trả tiền cho Microsoft. Đổi lại, Gã khổng lồ phần mềm cam đoan sẽ không kiện khách hàng của Novell vì tội xâm phạm bản quyền… chương trình Linux.
Chỉ “béo” Novell
Việc tránh được những vụ kiện tụng nhức đầu với một con cáo già chốn pháp đình như Microsoft có thể khiến người dùng đổ xô sang Novell mà bỏ rơi hãng phân phối Linux số một hiện nay là Red Hat. Đơn giản, vì Red Hat chưa có một thỏa thuận tương tự với Microsoft.
Mặc dù Linux hoàn toàn miễn phí, song những hãng phát hành như Novell, Red Hat vẫn thu phí đối với công đoạn đóng gói, hướng dẫn sử dụng và quan trọng nhất là cung cấp dịch vụ cài đặt, bảo trì. Chỉ cần mất một khách hàng cũng đồng nghĩa với tổn thất doanh thu cho Red Hat.
“Nếu khách hàng bỏ rơi Red Hat để chuyển sang Novell, Red Hat sẽ buộc phải ký thỏa thuận với Microsoft”, giáo sư Eban Moglen của trường Luật Columbia phân tích.
Moglen, một trong những người tiên phong ủng hộ phần mềm miễn phí, cho rằng thỏa thuận của Microsoft đã đi ngược lại yêu cầu của Giấy phép GNU General Public mà Linux và nhiều chương trình nguồn mở khác đang sử dụng. Theo giấy phép này, các phần mềm GNU đều phải cho không.
Ông và những người “đồng chí hướng” đang tích cực gây sức ép để một cam kết “không bị kiện” được áp dụng tự động cho tất cả những ai đang dùng Linux.
Dằn mặt
Theo thỏa thuận với Novell, Microsoft đồng ý trả cho Novell 348 triệu USD, trong khi Novell chỉ phải thối lại Microsoft 40 triệu USD với lý do: Novell có ít khách hàng hơn.
Microsoft tuyên bố hãng có bản quyền của một số công nghệ dùng trong Linux, dù chưa bao giờ hãng tiết lộ chính xác những công nghệ này là gì. Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft thậm chí còn đi xa hơn khi tuyên bố nếu người dùng mua Linux từ bất cứ hãng nào ngoài Novell, họ cũng có thể gặp rắc rối.
“Nếu định tải một bản Linux không phải là SUSE (do Novell phân phối), họ nên nghĩ lại về điều này”, Ballmer phát biểu trên eWeek.