“Hệ thống sát hạch CNTT do Bộ Khoa học & Công nghệ chỉ đạo và Trung tâm Sát hạch CNTT & hỗ trợ đào tạo (VITEC) thực hiện, được khởi động bằng việc thích nghi mô hình chuẩn kỹ năng CNTT của Nhật Bản vào điều kiện Việt Nam theo sáng kiến “chuẩn kỹ năng chung của châu Á đối với kỹ sư CNTT” do chính phủ Nhật Bản đề xuất năm 2000 tại hội nghị Bộ trưởng ở Chiangmai, Thái Lan. Thực tế triển khai 5 năm vừa qua đã cho thấy tính đáp ứng của hệ thống trong việc phân loại và đánh giá khách quan phẩm chất nhân lực CNTT Việt Nam, cũng như tính phù hợp với nhu cầu của thị trường nhân lực CNTT Việt Nam về một thước đo chung.”, phát biểu của Thứ trưởng Bộ khoa học & Công nghệ Trần Quốc Thắng.
Các kỳ sát hạch theo chuẩn Kỹ sư CNTT Nhật Bản và tương đương Nhật Bản đã được tổ chức ở Việt Nam từ năm 2001. Qua 4 năm thực hiện, đã có gần 3.000 thí sinh dự thi theo các chuẩn kỹ sư CNTT khác nhau, trong đó 385 đã đạt chuẩn. Các thí sinh đạt chuẩn được chính phủ Nhật Bản ưu tiên giảm nhẹ điều kiện cấp visa khi làm việc tại Nhật, và được các CNTT Việt Nam ưu tiên tuyển dụng, dành cho các điều kiện làm việc. Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) cho biết: “VINASA khuyến khích các doanh nghiệp thành viên sử dụng chuẩn kỹ năng CNTT và các đề thi dựa trên chuẩn này để đánh giá nhân lực trong quá trình tuyển dụng và công tác đánh giá nhân lực hiện có của doanh nghiệp, trên cơ sở bám sát nhu cầu đặc thù của từng doanh nghiệp.”
Được biết, năm 2005 đánh dấu sự ra đời của Hội đồng Sát hạch CNTT (ITPEC), gồm đại diện sáng lập từ 7 nước châu Á. Với sự điều phối của ITPEC, từ năm 2006, các kỳ sát hạch CNTT tại Việt Nam sẽ được tổ chức đồng thời vào cùng một ngày, cùng một đề thi, song song với các nước Malaisia, Myanmar, Philippines, và Thái Lan. Các kỳ sát hạch này được công nhận hoàn toàn tương đương với kỳ sát hạch được tổ chức tại Nhật Bản, bởi Trung tâm Sát hạch CNTT Nhật Bản (JITEC).
Năm 2005 có 200 thí sinh Việt Nam đạt chuẩn kỳ sát hạch, trong đó có nhiều thi sinh đạt điểm rất cao. Được đánh giá là một quốc gia có kiến thức toán học vào bậc cao trên thế giới, cơ hội để các thí sinh CNTT Việt Nam tham gia những kỳ thi này đạt được chuẩn là rất lớn, tiếp theo đó là cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT Việt Nam. Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng nguồn nhân lực CNTT Viêt Nam nếu được đầu tư đúng đắn để phát triển và chuẩn hóa nguồn nhân lực.
Nguồn nhân lực đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu không chỉ của riêng ngành CNTT, mà còn là nỗi trăn trở của giáo dục đào tạo Việt Nam và toàn xã hội. Bởi, “Chúng ta muốn hội nhập với thế giới không thể không phát triển CNTT” (trích lời Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Trần Văn Nhung). Chúng ta cần có những chương trình khuyến học CNTT tích cực hơn nữa, cần tạo ra những tiêu chuẩn đạt ở mức chuẩn quốc tế. Có thể lấy Trung tâm đào tạo Lập trình viên Hanoi-Aptech là một ví dụ. Trong những năm qua Hanoi-Aptech cùng với hệ thống Aptech Việt Nam đã tìm kiếm và trao những suất học bổng khuyến học hết sức ý nghĩa cho các sinh viên có tố chất và thành tích trong học tập để họ có cơ hội phát huy trong ngành lập trình, với mục đích duy nhất là tìm ra và đào tạo những nhân tài CNTT phục vụ cho đất nước. Cũng trong Lễ trao Chứng nhận đỗ sát hạch của VITEC lần này, Hanoi-Aptech đã trao 5 suất học bổng cho các bạn có thành tích tốt nhất trong các kỳ sát hạch 2005. Có như thế việc phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam mới có được cái đích rõ ràng và hiệu quả trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay.