Internet “chập chờn” 10 ngày nữa

28-12, ngày thứ hai hệ thống viễn thông VN gián đoạn vì sự cố đứt cáp. Việc truy cập các website có máy chủ ở Mỹ vẫn gần như không thực hiện được. Dịch vụ Yahoo! Messenger hoàn toàn không kết nối được làm hàng triệu thuê bao tiếp tục “mất liên lạc”. Nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại.

Sự cố đứt cáp quang tại Đài Loan khiến kết nối
từ VN qua SMW-3 tới Hong Kong sang các khu vực
khác qua hướng Đài Loan đã bị gián đoạn.

Chưa khắc phục được

Tính đến chiều 28-12, hai công ty cho thuê cáp quang lớn nhất VN là Công ty Viễn thông quốc tế (VTI) và Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) đều khẳng định sự cố vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.

Đối với VTI, khách hàng chính của doanh nghiệp này đồng thời cũng là nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất VN là VDC đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Nguyễn Hữu Khánh, giám đốc VTI, cho biết sự cố khiến khoảng 30% lưu lượng đường truyền Internet đi quốc tế của VDC bị mất.

Về phía Viettel, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc, ngoài việc cung cấp cáp quang truyền dẫn cho các dịch vụ điện thoại quốc tế, Internet của Viettel, đơn vị này cũng cung cấp cáp quang cho dịch vụ Internet của FPT và sự cố đứt cáp đã khiến tổng dung lượng đường truyền bị mất tới 80% (đối với Internet) và tới 90% (đối với điện thoại quốc tế).

Một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại Internet cho biết lưu lượng điện thoại Internet (Internet phone) của công ty giảm khoảng 10% (chỉ còn khoảng 108.000 cuộc gọi thành công/ngày). Ông Tôn Minh Thông – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) – cho biết sự cố này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn thuê bao ADSL và hàng chục khách hàng thuê kênh riêng của SPT.

Ông Trần Hòa Bình – trưởng phòng dịch vụ khách hàng Trung tâm Điện toán và truyền số liệu khu vực 3 (VDC3) – cho biết khoảng 80.000 khách hàng của VDC3 tại miền Trung đã bị ảnh hưởng bởi sự cố này. “Trong khi chờ khôi phục đường truyền chính quốc tế, chúng tôi đã phải dùng phương án chuyển tải dữ liệu qua một số kênh khác; tuy vậy việc truy cập cũng hết sức chậm và khó khăn” – ông Bình nói.

Trục trặc từ mail đến điện thoại

Tại dịch vụ Internet Sao Việt, đường Mậu Thân, TP Cần Thơ trước đây khách hàng đông đúc nhưng giờ này chỉ lèo tèo một vài người khách và họ cũng chỉ biết chơi game và nghe nhạc thay vì vào Yahoo! (ảnh chụp chiều 28-12) – Ảnh: Thanh Xuân

Một số hãng hàng không quốc tế có đường bay đến VN cho biết ngay thời điểm đầu họ cũng có một số trục trặc về thông tin các chuyến bay, bán vé.Tuy nhiên sự cố đã được khắc phục nhanh chóng, các giao dịch và chuyến bay vẫn diễn ra bình thường. Một số ngân hàng cho biết các giao dịch trực tuyến trong và ngoài nước cũng có ảnh hưởng, tuy nhiên khách hàng đã được tư vấn thay đổi và thực hiện các giao dịch thủ công nên cũng không có ảnh hưởng gì nhiều. Các giao dịch giữa các ngân hàng và chi nhánh đều sử dụng mạng nội bộ của riêng ngân hàng nên ảnh hưởng từ sự cố này cũng không đáng kể.

Theo ông Phan Thanh Sơn, giám đốc kỹ thuật Công ty Cisco VN, một công ty phải thường xuyên làm việc với công ty mẹ ở nước ngoài thì rất nhiều hoạt động của công ty phải đình trệ. Mail thì không kiểm tra được hoặc tốc độ rất chậm, các báo cáo phải làm thông qua web cũng gặp tình trạng tương tự, các cuộc họp qua mạng với các nước bằng hệ thống VoIP hoàn toàn không thực hiện được trong hai ngày qua mặc dù công ty trang bị đường truyền trực tiếp 512kps.

Doanh nghiệp Mabuchi Motor (Nhật Bản) đóng tại KCN Hòa Khánh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã không thể trao đổi thư từ được với công ty mẹ tại Nhật Bản. “Lâu nay việc trao đổi đều bằng email hoặc qua chat. Thế nhưng gần ba ngày nay toàn bộ việc trao đổi đều phải sử dụng bằng điện thoại. Chi phí của doanh nghiệp tăng lên” – một đại diện của Mabuchi Motor Đà Nẵng cho biết.

Một công ty tại Cần Thơ cho biết nhiều ứng viên ở xa đã đăng ký tuyển dụng qua mail được công ty chấp nhận nhưng hiện tại công ty không thể nắm được thông tin khiến hoạt động này gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến thủy sản Út Xi (Sóc Trăng) – cho biết do sập mạng nên hai ngày qua công ty đã gặp rất nhiều trở ngại trong kinh doanh vì muốn gửi mail cho khách hàng nhưng không gửi được. Chính vì vậy mà phải chuyển qua hình thức giao dịch bằng cách gọi điện thoại đường dài ra nước ngoài không chỉ tốn nhiều tiền hơn trước đây mà nhiều lúc vẫn không gọi được vì phía bên kia thường xuyên bận máy.

Giải pháp tạm thời

Người chủ cửa hàng Internet ở đường Hồng Hà (Q.Tân Bình, TP.HCM) giải thích với cô khách hàng duy nhất trong buổi sáng 28-12 về sự cố đứt cáp quang Internet quốc tế nên không thể đăng nhập vào mạng Yahoo! Messenger, cũng như không truy cập được các website ở nước ngoài (ảnh chụp sáng 28-12). Ảnh: N.C.T.

Tiệm net: nơi ế, nơi bình thường

Liên tục trong hai ngày 27 và 28-12, nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ Internet ở khu vực ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu, TP Cần Thơ… rơi vào cảnh ế ẩm vì nhiều website không truy cập được. Chủ cơ sở Internet Bảo Trân trên đường Lê Hồng Phong, thị xã Sóc Trăng cho biết bình quân thu nhập của cơ sở khoảng 250.000-300.000 đồng/ngày nhưng trong hai ngày qua chỉ đạt được vài chục ngàn đồng/ngày, chủ yếu là in ấn tài liệu vì mạng bị sập. Tại phòng net của Thư viện Tổng hợp tỉnh Sóc Trăng chiều 28-12, hàng chục chiếc máy tính cũng nằm… trùm mền.

Tương tự hàng trăm dịch vụ Internet công cộng trên địa bàn Đà Nẵng cũng bị tê liệt hoàn toàn. Phần lớn khách hàng của các cơ sở dịch vụ này thường chat với Yahoo! Messenger, nhưng không sử dụng được nên các cơ sở này đều vắng khách.

Trong khi đó, tại TP.HCM, hầu hết các cửa hàng Internet vẫn hoạt động bình thường. Tốc độ truy cập có nhanh hơn chút đỉnh so với ngày hôm trước nhưng vẫn còn chậm so với bình thường.

VTI và Viettel đều tìm cách khắc phục sự cố bằng cách chuyển dung lượng chạy qua tuyến cáp quang bị đứt sang các tuyến khác. Việc san bớt dung lượng sang những tuyến khác không gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên vô hình trung đã tạo nên sự chật chội nên đường truyền không đảm bảo tốc độ như mong muốn, đặc biệt vào thời gian cao điểm.

So với Internet, tính đến chiều qua, dịch vụ điện thoại quốc tế đã được khôi phục tối đa do lưu lượng điện thoại quốc tế không lớn.

Ông Hà Thân – tổng giám đốc Công ty Lạc Việt, một doanh nghiệp làm phần mềm – cho biết: “Chúng tôi phải rất kiên nhẫn để chuyển dữ liệu đến các đối tác nước ngoài qua đường Internet”. Nhiều gói dữ liệu có dung lượng lớn phải phân thành nhiều gói nhỏ mới gửi được, thậm chí có lúc cũng không gửi được.

Ông Nguyễn Hữu Hiền – giám đốc Trung tâm Công nghệ phần mềm TP.HCM (SSP) – cho biết ngoài các đường Internet trực tiếp, khu phần mềm này còn sử dụng hệ thống viễn thông qua vệ tinh VSAT. “Vì vậy, chúng tôi không lo ngại về những ảnh hưởng của sự cố Internet do động đất tại Đài Loan” – ông Hiền nói.

10 ngày hay ba tuần?

Theo dự đoán của các chuyên gia, do sự cố trên toàn bộ hệ thống nên việc khắc phục không chỉ phụ thuộc vào riêng VTI và Viettel mà phụ thuộc vào nhiều đối tác quốc tế nên ít nhất phải mất 10 ngày mới khôi phục hoàn toàn.

Theo thông tin từ TeleGeography, đây là sự cố viễn thông lớn nhất từ trước đến nay. Còn theo tin từ Tyco Telecommunications, vị trí các tuyến cáp quang vào khoảng 30m dưới đáy biển nên tàu sửa chữa phải mất vài ngày mới đến được các vị trí cần sửa chữa và thông thường phải mất vài ba tuần, thậm chí lâu hơn nữa mới có khả năng khôi phục hoàn toàn.

Chiều qua ông Phạm Hồng Hải, vụ trưởng Vụ Viễn thông Bộ Bưu chính – viễn thông, cho biết bộ đang đôn đốc các doanh nghiệp liên quan gấp rút khắc phục sự cố. Bộ cũng đã ra một thông báo xung quanh sự cố này. Bộ yêu cầu các đơn vị liên quan trong trường hợp cần thiết cho phép tàu nước ngoài đi vào hải phận VN để sửa chữa cáp biển, bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết trong thời gian sớm nhất.

 

 

Châu Á: “đánh vật” với công việc

Sơ đồ cáp bị đứt do động đất – Ảnh: Chunghwa Telecom

Với các phương án dự phòng và định tuyến sang các hướng khác, mạng viễn thông các nước châu Á đang dần hồi phục. Hãng viễn thông lớn nhất Đài Loan Chunghwa Telecom đang là đơn vị triển khai nhanh nhất việc sửa chữa cáp quang. Họ đã nâng lên được 60% lưu lượng cho các cuộc gọi thay vì chỉ 40% của ngày hôm trước. Các cuộc gọi đi Nhật đã nâng lên 70% so với 11% của hôm trước, gọi đi Trung Quốc lên 55% so với 10%. Hãng này cho biết họ có thể thiệt hại hơn 4,6 triệu USD sau vụ đứt cáp này. Chunghwa Telecom nói họ đã cho bốn tàu xuất phát từ Nhật, Singapore và Philippines đi sửa chữa sự cố đứt cáp nhưng đến ngày 2-1-2007 mới có thể bắt đầu công việc và phải mất ít nhất hai tuần để hoàn tất. Hãng China Telecom xác định sáu đường cáp đã bị đứt ở khu vực cách phía nam Đài Loan 15km.

OFTA, cơ quan quản lý viễn thông Hong Kong, đã ra một thông báo nhận định hàng triệu nhân viên công sở của họ phải vật lộn với công việc vì không có Internet và điện thoại quốc tế. OFTA cho rằng nước này còn phải sống “chật vật” như vậy ít nhất năm ngày nữa. OFTA cho biết họ đã cử năm tàu sửa chữa ra biển để có thể phục hồi 90% khả năng của hệ thống trong những ngày tới. Cơ quan này nói hiện hệ thống điện thoại cố định và di động quốc tế của khu vực phía nam Trung Hoa đã hồi phục nhưng phải mất một tuần nữa mới có thể đạt 100%.

Tại Hàn Quốc, Công ty viễn thông KT cho biết đã khôi phục hoạt động của hầu hết mạng điện thoại trên toàn quốc, tuy nhiên mạng thông tin độc lập với 92 đường truyền của ngân hàng và Bộ Ngoại giao nước này vẫn chưa hoạt động. Ở Thái Lan, CAT Telecom – đơn vị quản lý cổng ra quốc tế của nước này – nói 4/8 mạng cáp quang của họ bị ảnh hưởng làm giảm đến 70% tốc độ và hiện họ đã khôi phục được 50% kết nối Internet, nhưng để trở lại bình thường phải mất 7-10 ngày nữa.

Một cuộc khảo sát nhanh của Hãng Sina ở Trung Quốc cho thấy 97% người sử dụng mạng ở nước này gặp khó khăn khi kết nối với các website bên ngoài và 57% cho rằng cuộc sống và công việc của họ đã bị ảnh hưởng bởi sự cố này.

Trong khi đó nhiều công ty trên khắp châu Á như Kuwait Finance House – ngân hàng Hồi giáo lớn ở Tây Á, hay Nippon Yusen K.K. – hãng vận tải biển lớn nhất Nhật Bản đang liên tục ta thán do bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự cố này. Các giao dịch trực tuyến qua mạng của họ gần như không thực hiện được. Đối với Hãng Nippon Yusen, thay vì dùng email như bình thường để báo giá vận chuyển, nay họ phải dùng điện thoại và fax mà cũng rất khó khăn. Trả lời Hãng tin Bloomberg, ông Apheron Cheng – giám đốc CNTT của Hãng vận chuyển DHL – nói tất cả kết nối của họ đều không hoạt động và mọi thứ đang phải trở về làm bằng thủ công.

K.V. (Theo Reuters, AP, AFP, Bloomberg)