* Thu hút 4.000 lao động, xuất khẩu mỗi năm từ 1,5-2 tỉ USD
Ngày 10-11, tại lễ công bố dự án và cấp giấy phép tăng vốn lên 1 tỉ USD của Nhà máy Intel tại VN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra thông điệp: VN buộc phải đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong tiến trình này sự phát triển công nghệ cao được xem là khâu đột phá”…
Thủ tướng nói: “Chính phủ VN rất hoan nghênh và mong rằng TP.HCM sẽ tiếp tục đặc biệt quan tâm đến phát triển lĩnh vực công nghệ cao.
Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp, mọi người dân VN, cả trong nước, ngoài nước, nhất là thế hệ trẻ được học tập, nghiên cứu, tự mình hoặc hợp tác với bên ngoài để đầu tư phát triển, đặc biệt là phát triển công nghệ cao, từng bước tạo ra ngành công nghệ cao đặc thù VN”.
Đánh giá cao việc Intel tăng vốn từ 300 triệu USD lên 1 tỉ USD, và cho rằng dự án của Intel sẽ phát triển nhanh và thành công lớn, Thủ tướng nói: “Tôi hoan nghênh các nhà đầu tư, đặc biệt là Tập đoàn Intel, tập đoàn công nghệ cao hàng đầu của Hoa Kỳ, của thế giới, các bạn đã chọn VN làm đích đến. Tôi kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào VN, kêu gọi Intel tiếp tục mở rộng đầu tư lớn hơn nữa ở VN”.
Thủ tướng kêu gọi: “Tuy còn những tồn tại yếu kém nhưng chúng ta thật sự vui mừng vì thế và lực của đất nước ta, dân tộc ta đang lên. Chúng ta hãy cùng nhau chung sức chung lòng, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua thách thức, khó khăn để đưa nền kinh tế nước ta bắt kịp nhanh, sánh vai với bạn bè trong khu vực và trên thế giới”.
Nhà máy ATM lớn nhất của Intel
heo thông tin từ Intel, việc tăng vốn đầu tư từ 300 triệu USD lên 1 tỉ USD đồng nghĩa với việc cũng tăng diện tích nhà máy từ 45.000m2 lên 152.400m2 với diện tích sàn 46.000m2, gấp ba lần diện tích cũ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
“Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp,
mọi người dân VN, nhất là thế hệ trẻ được học tập, nghiên cứu, tự mình hoặc hợp tác bên ngoài đầu tư phát triển, đặc biệt là phát triển công nghệ cao”.
Đây là nhà máy về lắp ráp và kiểm định (Assembly & Test Manufacturing-ATM) đầu tiên có qui mô như vậy và là nhà máy ATM lớn nhất của Tập đoàn Intel (các nhà máy xếp thứ hai như ở Philippines và Costa Rica chỉ có qui mô khoảng 25.000m2). Nhà máy ở VN cũng là nơi có công nghệ mới nhất, sẽ khởi công vào tháng 3-2007 và bắt đầu sản xuất từ năm 2009. Khi đi vào hoạt động sẽ xuất khẩu mỗi năm từ 1,5-2 tỉ USD.
Theo ông Brian Krzanich, phó chủ tịch phụ trách lắp ráp và kiểm tra sản phẩm của Intel, nhà máy tại VN sẽ là kiểu mẫu cho hệ thống các cơ sở lắp ráp, kiểm định lớn hơn, hiệu quả hơn của Tập đoàn Intel và sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của Intel trên thị trường.
Ông Brian Krzanich cũng cho biết Intel đã xúc tiến xây dựng nhà máy ở VN từ năm 2002, việc tăng vốn này là một lần nữa khẳng định môi trường đầu tư rất tốt của VN. Lý do chọn lựa VN rất rõ ràng, một đất nước có dân số trẻ và năng động, hệ thống giáo dục ngày càng cải thiện, lực lượng lao động đông đảo và một chính phủ có quan điểm hiện đại. Ông Brian Krzanich nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi coi đây là một bước nhỏ trong một hành trình dài của việc tham gia tại VN”.
Cùng với việc tăng vốn và diện tích, nhà máy ở VN cũng sẽ tăng số lao động từ 1.200 người lên 4.000 người. Trong đó sẽ tuyển 2.500 lao động đơn giản (tốt nghiệp phổ thông và trường nghề) và 1.500 lao động cao cấp là các kỹ sư. Đánh giá về nguồn nhân lực VN sau hơn tám tháng xúc tiến việc xây dựng nhà máy, ông Rick Howarth – tổng giám đốc Công ty Intel Products VN – cho biết thời gian qua ông đã tiếp xúc với giảng viên và SV của các trường ĐH VN và các đánh giá đều rất tốt. Hiện nay Intel Products VN có 40 nhân viên thì có đến 22 người VN và ông hài lòng với công việc họ đang làm.
Ông Michael Marine, đại sứ Hoa Kỳ tại VN:
Sự kiện ngày hôm nay nối tiếp ngay sau sự kiện gần ba tuần trước đây khi Intel công bố quyết định đầu tư chiến lược vào FPT. Mỗi sự kiện đã tạo nên những tiếng vang trên thương trường thế giới. Nhưng tất cả là những dấu hiệu rõ ràng rằng VN đang dần trở thành đích đến đầy tiềm năng của những đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ công nghệ cao. Đó là điểm báo hiệu tương lai của VN hướng đến nền sản xuất công nghệ.
Intel đã có mặt tại VN từ lâu nhưng việc xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm định tại VN thể hiện cam kết của họ ở một tầm cao hơn. Những tiến triển này báo trước cho một tương lai tươi sáng về đầu tư của Hoa Kỳ tiếp tục vào VN.
Ông Phạm Chánh Trực, trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), cho rằng việc Intel mở rộng có ý nghĩa là thêm hàng ngàn bạn trẻ VN được tiếp cận với qui trình làm việc hiện đại đẳng cấp quốc tế. Họ cũng sẽ được đào tạo theo những chương trình đào tạo hiện đại nhất để làm việc trong ngành công nghệ cao.
Ông Trực cũng cho biết hiện khu công nghệ này có 19 dự án với tổng số vốn là 1,25 tỉ USD. Trong đó riêng Intel là 1 tỉ USD, gấp bốn lần 18 doanh nghiệp khác, cho thấy qui mô rất lớn của Intel. Việc mở rộng của Intel đã làm cho giai đoạn 1 (300 ha) của SHTP hết đất. SHTP đã trình Chính phủ dự án cho giai đoạn 2 với việc tăng diện tích thêm 613ha.
Đánh giá việc mở rộng của Intel, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân phát biểu: “Ngoài vốn và công nghệ, với uy tín và tầm vóc của thương hiệu Intel, sự lan tỏa dự án mở rộng sẽ còn tác động tích cực đến những lĩnh vực khác như đào tạo, nghiên cứu triển khai, quản lý…”.
Phối cảnh nhà máy của Intel Việt Nam tại Khu công nghệ cao, Q.9, TP.HCM |
+ Nhà máy Intel tại TP.HCM có số vốn 1 tỉ USD, 4.000 lao động, là nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) thứ 7 của Intel trên thế giới. Các nhà máy khác ở Penang và Kulim (Malaysia), Cavite (Philippines), Thành Đô và Thượng Hải (Trung Quốc), San Jose (Costa Rica).
+ Hai nhà máy ở Thượng Hải và Thành Đô (Trung Quốc) thành lập vào các năm 1996 và 2004 với số vốn lần lượt là 540 triệu USD và 525 triệu USD, nhân viên khoảng 5.000 người.
+ Hai nhà máy ở Penang và Kulim (Malaysia) thành lập vào các năm 1972 và 1996 với tổng vốn đầu tư 3,2 tỉ USD, nhân viên khoảng 10.600 người.
+Nhà máy ở Cavite (Philippines) thành lập năm 1996, tổng vốn đầu tư là 1,51 tỉ USD với 5.000 nhân viên.