Học nghề vẫn thành danh – Nhất nghệ tinh nhất thân vinh

Phỏng vấn Tiến sỹ Vật lý Nguyễn Hồng Chương, TGĐ Công ty cổ phần đào tạo nghề Đông Dương      

Đối với một quốc gia phát triển, học sinh tốt nghiệp trung học không nhất thiết phải bằng mọi giá để được vào trường đại học, cao đẳng. Vì họ có định hướng nghề nghiệp từ rất sớm và sẵn sàng đeo đuổi học nghề để trở thành những tay “kì cựu". Vì vậy, đối với các học sinh không trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm 2011 vẫn có thể lựa chọn các trường nghề. Đó là lời khuyên của ông Nguyễn Hồng Chương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đào tạo nghề Đông Dương.

TS. Nguyễn Hồng Chương – TGĐ Công ty cổ phần đào tạo nghề Đông Dương

          Ông đánh giá như thế nào về hệ thống trường nghề hiện nay của ta, thưa ông?

          Công bằng mà nói, nội dung đào tạo ở các trường nghề của ta hiện nay chưa đáp ứng được với nhu cầu xã hội. Vì hầu hết các trường hình thành từ thời bao cấp và chủ yếu theo mô hình Liên Xô cũ. Thiết bị dạy học đến mô hình, chương trình đào tạo đều lạc hậu và các chuyên ngành đã cũ, không theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội.

          Ví dụ: Tập đoàn Canon, Samsung, Honda… khi đầu tư vào Việt Nam rất thiếu nhân lực, nhưng khi tuyển công nhân, kĩ sư Việt Nam vào đều phải đào tạo lại bởi dây chuyền sản xuất của họ hiện đại.

          Chưa kể, nhiều học sinh học xong một khóa nghề nhưng thiếu kĩ năng làm việc nên làm việc kém hiệu quả. Chúng ta đừng đổ lỗi cho phụ huynh, học sinh mà chính bản thân các trường nghề tự làm khó mình. Người học bây giờ rất thực tế. Nếu trường nghề dạy tốt, học sinh ra trường 100% có việc làm, thu nhập cao, lúc ấy không phải quảng cáo, học sinh sẽ tự tìm đến các trường.

          Hiện nay có nhiều nghề không được học sinh “chọn mặt gửi vàng” nhưng lại là các nghề đầy tiềm năng theo nhu cầu về nguồn nhân lực trong tương lai, ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

          Học sinh khi chọn học nghề có tâm líchọn những nghề “hot” không phải sử dụng nhiều sức lực “lăn, lê, bò, lết” mình dính đầy dầu mỡ, như nghề điện công nghiệp, hàn, nghề lập trình viên…chẳng hạn. Song, thực tế nguồn nhân lực của xã hội những năm gần đây nhu cầu về đội ngũ công nhân ở lĩnh vực hàn, lập trình viên đang rất thiết. Các trường đào tạo ra không đủ đáp ứng nhu cầu cho các công ti, xí nghiệp. Cụ thể ở trường Hanoi-Aptech, những sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành phần mềm ra trường 100% có việc làm ngay. Thậm chí, nhiều học sinh còn đang trên ghế nhà trường cũng được các doanh nghiệp về xin. Rất nhiều sinh viên trường đào tạo lập trình viên quốc tế Hanoi-Aptech và trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Hanoi-Arena, có thể kiếm được công việc có thu nhập khá cao ngay sau khi kết thúc năm học thứ nhất. Những điều này, tôi tin ở ĐH, CĐ không có nhiều. Chẳng hạn: nhiều sinh viên tốt nghiệp Bách khoa khi về các công ty phần mềm làm việc, công ty vẫn phải đào tạo lại. Các ngành nghề khác cũng vậy.

          Là một tiến sĩ Vật lí nhưng ông lại theo đuổi hệ thống trường nghề và ông đã rất thành công. Vậy ông đánh giá như thế nào về giáo dục Việt Nam của ta hiện nay?

          Họcđại học, cao đẳng hay học nghề thì đích cuối cùng vẫn là có cái nghề để tạo dựng tương lai. Giáo dục truyền thống của ta đánh giá quá cao trí thông minh logic qua Toán học và trí thông minh diễn đạt qua Văn học. Trên thực tế, nghiên cứu khoa học cho thấy có đến 9 loại hình trí thông minh. Mỗi người có một khả năng. Có thể, anh A có khả năng thể thao, anh B có khả năng về hội họa, còn chị C có khả năng về ca hát….Nhưng do giáo dục truyền thống quá chú trọng vào 2 loại hình truyền thống (Toán học và Văn học) nên những người không có những trí thông minh truyền thống thường bị coi là không thành đạt.

          Theo tôi, giáo dục phải phát hiện xem con người có khả năng gì, để định hướng và trang bị cho họ. Ngay ở các nước phát triển, đa phần mỗi người có một đam mê và họ định hướng nghề nghiệp rất sớm nên họ thành công. Từ người thợ sửa xe hơi, thợ thủ công cho đến những ông chủ nhà hàng, khách sạn… Trong số đó, có rất nhiều người không học  đại học. Là một tiến sĩ Vật lí, tôi thấy cần phải làm một cái gì đó thiết thực hơn cho xã hội nên đầu tư công sức tìm kiếm các chương trình đào tạo nghề nghiệp mới cho các bạn trẻ.

          Như vậy, ông phủ định vai trò của đại học?

          Tôi không phủ định vai trò của giáo dục đại học, cao đẳng. Tôi chỉ muốn các bạn trẻ lựa chọn nghề theo đúng sở trường của mình. Nếu cảm thấy khả năng không thể vào được đại học, thì không nên cố bằng mọi giá. Vào được một trường đại học cũng tốt, nhưng chưa hẳn hay. Bởi, giáo dục đại học của ta cũng còn nhiều bất cập. Bằng chứng là nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng ra trường đi làm thiếu kĩ năng làm việc. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm phải làm nghề tay trái. Trường nghề có cái hay của trường nghề.

          Ông có lời khuyên nào cho các em học sinh trước mùa tuyển sinh, thưa ông?

          Tuổi trẻ có rất nhiều cơ hội. Vì cuộc sống thay đổi nhanh, xã hội có  nhiều nghề để cho các em lựa chọn. Hiện tại xã hội có rất nhiều ngành nghề mới, đến thế hệ của các em sau này còn thêm nhiều ngành nghề nữa. Cách đây 20 năm, thế hệ của chúng tôi chẳng ai dám nghĩ Việt Nam có một nhà máy sản xuất Chíp máy tính của Intell hay nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung. Bây giờ, điều đó đã thành hiện thực. Các em phải biết khai thác thông tin để tìm kiếm cơ hội. Thành công của các em phụ thuộc vào đó chứ không phải vấn đề học đại học, cao đẳng hay học nghề.

          Còn đối với phụ huynh, chúng ta không nên áp đặt suy nghĩ của mình cho các em mà chỉ cần dạy các cháu cách tiếp nhận cuộc sống từ nhiều phía. Quan trọng là các em biết cách tiếp cận được thông tin và xác định mình đam mê ngành nghề nào.     

          Ông có nghĩ rằng, các trường nghề "yếu" trong vấn đề tự quảng cáo về mình không, thưa ông?

          Đúng vậy! khâu quảng cáo về mình các trường làm còn yếu. Trong vấn đề này, tôi nghĩ Nhà nước nên tạo cơ chế cho các trường nghề "xốc" lại mình.

          Hiện nay, Nhà nước đang đầu tư nhiều cho các trường đại học, cao đẳng mà quên mất trường nghề. Bằng chứng là mỗi dịp kì thi đại học, cao đẳng xã hội nhốn nháo lên, huy động các ngành vào cuộc. Còn đối với các trường nghề "âm thầm, lặng lẽ" như kiểu "áo gấm đi đêm". Qua đó, cho thấy ngay từ trên đã có cái nhìn không mấy công bằng với các trường nghề.

          Xin cảm ơn ông!

Thanh Hòa (Báo Tuổi trẻ thủ đô)