Google gặp rắc rối về mặt pháp lý vì Google News

Google đang phải đối mặt với làn sóng phản đối ngày càng tăng của giới xuất bản báo chí châu Âu, mà hậu quả của nó có thể khiến nội dung mà động cơ tìm kiếm toàn cầu này cung cấp cho khách hàng đầu cuối ít đi.

Vào sáng nay (24/11), Google sẽ phải hầu toà trước những cáo buộc của giới báo chí Bỉ cho rằng đầu năm vừa rồi, Google đã vi phạm luật bản quyền khi đăng tải những tiêu đề và đoạn trích dẫn nguồn tin không được phép trên Google News.

Trong khi đó, trong vòng hai tuần qua, những dư luận chống lại Google cũng được xới tung lên. Hãng này đã buộc phải rút lại kế hoạch ra mắt website Google News tại Đan Mạch vào tuần trước sau khi báo chí địa phưong yêu cầu Google phải xin phép họ đăng tải thông tin thay vì cứ lấy tự động như hiện nay.

Và một nhóm các tập đoàn truyền thông Na Uy cũng viết một lá thư cho Google, trong đó phản đối cách thức mà hãng này đăng tải hình xem trước các ảnh tin của các thành viên tổ chức này. “Theo luật bản quyền Na Uy, bạn không được phép sử dụng ảnh mà không có sự cho phép của người chủ sở hữu. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng!”, phát ngôn của Pernelle Borset, giám đốc Hiệp hội doanh nghiệp truyền thông Na Uy.

Các làn sóng phải đối cũng dâng cao trong giới xuất bản khi người ta lo ngại rằng Google đã vượt qua ranh giới của một dịch vụ tìm kiếm đơn giản để trở thành một tập đoàn lớn hưởng lợi trên những nội dung báo chí. Các cơ quan báo chí, xuất bản sách và cung cấp nội dung cũng đã đâm đơn kiện Google, thường là đòi bồi thường tiền bản quyền, để buộc Google phải xin phép trước khi sử dụng tác phẩm của họ.

Trong khi đó, Google cho biết hãng này đã hành động đúng theo luật pháp bởi chỉ post những đoạn tóm tắt nội dung thông tin của các nhà xuất bản. Và rằng, trong hầu hết các trường hợp, Google đều link thẳng trực tiếp nội dung tới website của các nhà cung cấp tin chứ không lưu trực tiếp trên trang web của hãng này.

Ngoài ra, cũng theo Google, nếu tất cả các dịch vụ tìm kiếm đều phải xin phép những website mà họ lập chỉ mục (liên kết đến) thì sẽ chẳng có dịch vụ tìm kiếm nào hoạt động được.