Giám đốc PeaceSoft: "ChợĐiệnTử bị "chơi xấu"!?

Ông Nguyễn Hòa Bình – giám đốc công ty PeaceSoft, đơn vị chủ quản của ChoDienTu.com trao đổi với phóng viên VietNamNet xung quanh vụ việc ChợĐiệnTử bị hacker tấn công và một số vấn đề liên quan.

Vụ việc Chợ Điện Tử bị tấn công đã khép lại, xong từ đầu chí cuối, có rất ít các thông tin bày tỏ quan điểm chính thức của cơ quan chủ quản ChợĐiệnTử cũng như cá nhân giám đốc công ty, ông Nguyễn Hòa Bình.

Chiều 20/11/2006, PV VietNamNet đã có buổi nói chuyện hết sức thẳng thắn với ông Bình, về những động cơ nghi vấn của vụ tấn công và một số vấn đề liên quan.

Về dư luận xung quanh vụ ChợĐiệnTử

– Sau thời điểm ChợĐiệnTử.com bị tấn công (ngày 23/9/2006) báo chí và những người quan tâm không thể liên lạc với ông, đồng thời cho đến nay ông cũng không đưa ra các quan điểm đầy đủ xung quanh vụ việc này?

Trong buổi sáng ChợĐiệnTử bị tấn công, tôi để quên điện thoại ở nhà, đó là một sơ xuất cá nhân. Vài ngày sau tôi đi Nhật và vừa về nước ngày 13/11.

– Quan điểm cá nhân ông xung quanh những cáo buộc và lời nói không hay mà hacker để lại trên thư ngỏ khi tấn công ChoDienTu?

Tôi thấy rằng việc tấn công, sau đó lăng mạ tôi, lên diễn đàn, lên mạng tìm cách làm lạc hướng dư luận, tung hỏa mù… là một kế hoạch, tôi nghĩ những người có hiểu biết sẽ nhận ra ngay đó là một trò không đàng hoàng.

Tôi chính thức bác bỏ các thông tin vô căn cứ và các luận điệu vu khống được đưa lên mạng trước và sau khi ChợĐiệnTử bị tấn công nhằm gây chia rẽ nội bộ giới đồng nghiệp CNTT, bôi xấu uy tín cá nhân tôi và công ty PeaceSoft.

– Về việc trước đây có người nói ChợĐiệnTử cố tình gây ra vụ việc này để làm PR “ngược”?

Tính cho đến nay, chúng tôi thiệt nhiều hơn lợi. Nó cũng giống như Bùi Tiến Dũng đột nhiên được tất cả người dân Việt Nam biết đến sau vụ PMU18…

– Ông đánh giá thế nào về các thông tin trên diễn đàn tin học, nơi xảy ra nhiều tranh luận sôi nổi xung quanh vụ việc ChợĐiệnTử?

Diễn đàn là một xã hội ảo, bạn có thể lên đó đưa bất cứ thông tin gì, nó rất dân chủ. Nhưng khi báo chí, hoặc những người liên quan muốn viện dẫn các thông tin này tôi cho rằng nên có sự xác minh. Tôi xin trích dẫn lời ông Nguyễn Trung Việt, tổng biên tập PCWorld đã từng nói trên báo chí, rằng ông lo ngại dù kết quả vụ việc có thế nào, thì nhiều luồng dư luận trên diễn đàn tin học có thể đã để lại một vết nhơ trong giới IT Việt Nam.

– Ông nói sao về những thông tin không chính thức nói rằng PeaceSoft sử dụng sản phẩm từ phần mềm nguồn mở để thương mại hóa?

Khoảng nửa trước năm 2004, chúng tôi quả thật có xây dựng giải pháp phần mềm dựa trên nền tảng mã nguồn mở Rainbow portal. Chúng tôi cũng phát triển thêm nhiều tính năng, ứng dụng để thương mại hóa, nhưng tất cả đều hoàn toàn tuân thủ các quy định của giấy phép công cộng GPL. Từ cuối năm 2004 chúng tôi xây dựng ChợĐiệnTử hoàn toàn của mình, hoàn toàn từ những dòng code đầu tiên.

– Trên diễn đàn cũng từng có thông tin cho rằng một nhân viên cũ của PeaceSoft bị công ty này vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm ChợĐiệnTử?

Tôi bác bỏ thông tin này. Trước khi vào làm việc tại PeaceSoft, mỗi nhân viên đều có một bản hợp đồng và thỏa thuận buộc phải ký kết, trong đó đã nói rõ mọi sản phẩm trong quá trình làm việc tại công ty sẽ có bản quyền thuộc về công ty PeaceSoft, chứ không thuộc về một cá nhân nào cả. Ngay cả bản thân tôi hoặc anh Tuất (Nguyễn Hữu Tuất – giám đốc kỹ thuật PeaceSoft) nếu không làm việc tại công ty nữa cũng sẽ không hề có quyền sở hữu trí tuệ đối với ChợĐiệnTử.

Nhưng cho dù như vậy chúng tôi vẫn để rõ tên của từng người lập trình viên trong mã nguồn, xem ai thực hiện phần nào, để sau này còn kiểm tra và quy trách nhiệm nếu có sai sót. Trong trường hợp có người nói rằng tên của lập trình viên trong mã nguồn bị thay đổi, thì rất có thể là do chính anh ta hoặc hacker đã thay đổi vì một mục đích nào đó.

Về thủ phạm tấn công ChợĐiệnTử

– Kết quả của cơ quan điều tra khẳng định HuyRemy (Nguyễn Quang Huy) là thủ phạm tấn công ChợĐiệnTử, xong cá nhân Huy phủ nhận. Cá nhân anh và PeaceSoft thì sao?

Chúng tôi tin tưởng vào kết luận của cơ quan điều tra!.

– Sau khi ChợĐiệnTử bị tấn công và trước khi Huy Remy bị bắt, đây có phải là đối tượng mà các anh nghi ngờ?

Sau khi xảy ra sự vụ ngày 23/9. Tôi có trao đổi với các anh em kỹ thuật, có nói về một số đối tượng có khả năng nhất về loại hình tấn công mà hệ thống ChợĐiệnTử gặp phải. Đặt ra các giả thiết về thủ phạm, Huy chỉ là một trong số nhiều cái tên mà chúng tôi nhắc đến.

– Huy từng là nhân viên cũ của PeaceSoft? Có người nói mối quan hệ giữa Huy và công ty cũng như cá nhân ông là không tốt?

Đúng là cách đây khoảng hơn một năm gì đó, Huy từng làm việc cho PeaceSoft trong vòng khoảng ba tháng, sau đó, do Huy phải đáp ứng việc học hành và thi cử, nên đã nhảy việc. Mối quan hệ của Huy với cá nhân tôi rất bình thường, với công ty thì tôi cũng không nghe nói có vấn đề gì.

ChợĐiệnTử bị tấn công do cạnh tranh không lành mạnh?

– Vậy ông nghĩ sao về động cơ tấn công ChợĐiệnTử?

Trước đây từng có tiền lệ nhiều đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNTT khi vừa “nổi nổi” một chút liền bị chĩa mũi dùi vào và bị “chơi xấu”…. Tôi thấy điều đó như một thói xấu có tính “truyền thống” trong giới IT Việt Nam vậy. Trong ngành Thương mại điện tử nói riêng cũng từng có nhiều ví dụ về việc bị “chơi xấu” cạnh tranh không lành mạnh.

Tất nhiên nguyên nhân chắc chắn thì phải phụ thuộc vào kết quả của cơ quan điều tra. Tôi cũng rất mong khi các cơ quan điều tra đã làm việc rất hiệu quả như vừa qua, cũng sẽ làm đến ngọn ngành cho rõ vấn đề này.

Cá nhân tôi cho rằng cạnh tranh không lành mạnh chính là nguyên nhân gây ra vụ việc ChợĐiệnTử bị tấn công, sau ngày 23/9 tôi biết đã có rất nhiều đối thủ cạnh tranh của chúng tôi lên diễn đàn tin học tung các thông tin hỏa mù và làm rối dư luận, thủ phạm vụ này là Huy “Remy” cũng đang làm việc trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trực tuyến và thương mại điện tử…

– Có vẻ như ông muốn nói rằng cạnh tranh không lành mạnh đang là một rào cản trong sự phát triển của TMĐT?

Không chỉ TMĐT, mà cả ngành CNTT Việt Nam đều có những biểu hiện của thói xấu này. Thời gian qua có rất nhiều ví dụ về các doanh nghiệp, cá nhân trong giới IT là nạn nhân của thói ganh ghét, chia rẽ, tung thông tin bôi xấu, vu khống…

Trong TMĐT nói riêng, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và tính răn đe chưa cao đã khiến cạnh tranh không lành mạnh trở thành một rào cản. Trước đây là Việt Cơ, sau đó đến Nhân Hòa, và rồi ChợĐiệnTử… Tôi xin dẫn lời một trong những quan chức cao cấp thuộc cơ quan quản lý về TMĐT đã sử dụng một câu hình tượng rằng “làm thương mại điện tử như trứng quẩy đầu gậy” để so sánh những khó khăn mà TMĐT Việt Nam gặp phải hiện nay.

Thông điệp của cá nhân tôi, TMĐT ở Việt Nam hiện nay giống như xã hội mới chỉ phát triển đến giai đoạn tiền sử, mọi thứ còn rất sơ khai, tại sao mọi người không cùng chung tay xây dựng nó phát triển một cách tương đối đã? Những trò đấu đá sai luật, sẽ không thể tồn tại khi tham gia sân chơi lớn với những nhà đầu tư nước ngoài trong thời kỳ hội nhập…

– Xin cảm ơn ông