Giám đốc 8X

Sinh năm 1985 tại Hà Nội, trúng tuyển vào Đại học quốc gia TP HCM, nhưng Nguyễn Văn Hoà không trở thành sinh viên đại học. Lăn lộn đủ nghề, chàng trai quyết định mở công ty ở độ tuổi đôi muơi.

Nguyễn Văn Hòa. Ảnh: ĐT.

Hoà bắt đầu từ những việc đơn giản nhất như đánh máy vi tính cho cửa hàng photocoppy, in ấn, nhập dữ liệu thuê cho đến cộng tác với một số công ty phần mềm. Các phần mềm đồ hoạ thực sự cuốn hút khiến anh quyết định thi vào Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế Hà Nội -Aptech. Hoà quyết định lập công ty (khi mới 20 tuổi) vì “biết bản thân cần gì và muốn đạt mục tiêu nào”. Halo ra đời. Lăn lộn làm việc qua nhiều nơi, làm “tớ” trước khi làm quản lý giúp Hoà có được những kiến thức và kinh nghiệm thực tế quý giá. “Tôi học được cách làm việc đem lại thành công của một tiến sĩ là giám đốc công ty nọ. Sau này, công ty đó thất bại, tôi cũng rút ra cả bài học của sự đổ vỡ, đó là do nể nang người thân, áp dụng không triệt để các phương thức quản lý”, Hoà kể.

Sản phẩm của Halo không chỉ ứng dụng trong nước, mà còn hướng ra hội nhập với thế giới, có thể kể đến CD-ROM Những trang vàng 2006, CD-ROM Insight Vietnam, dự án Multimedia truyện tranh dân gian Việt Nam theo đơn đặt hàng từ Thụy Sĩ để dạy và học tiếng Việt qua văn hoá Việt, các phần mềm về quản lý xuất nhập khẩu lao động, du lịch, kế toán hay dự án hệ thống giảng dạy điện tử bằng 8 ngôn ngữ đang được ứng dụng tại Thụy Sỹ…

Lái xe ôm có lương hưu

 
Trần Thị Kim Ngân. Ảnh: ĐT.

Trần Thị Kim Ngân sáng lập và xây dựng thương hiệu Cokbi – phục vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy (với cách gọi quen thuộc là “xe ôm”). Nữ giám đốc điều hành công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận chuyển Hiền Linh này vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại thương (ngành kinh tế đối ngoại), trở thành giám đốc công ty khi còn là sinh viên (tháng 5/2006).

Trần Thị Kim Ngân đang điều hành vài chục nhân viên văn phòng và mạng lưới hơn 70 lái xe thương hiệu Cokbi rải khắp Hà Nội, sẵn sàng phục vụ vận chuyển hành khách, hợp đồng đưa đón tận nhà người già và trẻ em, vận chuyển hàng hoá và chuyển phát tài liệu… Nghe thì đơn giản, nhưng thực tế việc quản lý, điều hành đội ngũ nhân viên vốn quen làm việc hết sức tự do như các bác “xe ôm”, hầu hết lại đứng tuổi quả thực không dễ chút nào. Nhiều khi nữ giám đốc phải xuống tận “hiện trường”, mềm mỏng, nhưng dứt khoát để giải quyết một vụ việc nào đó do tính khí thất thường của các nhân viên gây ra.

Cokbi đang thực sự trở thành một thương hiệu với phong cách phục vụ chu đáo, hệ thống dịch vụ đột phá (trả hoá đơn cho khách, sử dụng chiếc đồng hồ tính cước cho xe máy đầu tiên tại Việt Nam với nhiều thông số như tính số km đường đi, tính thành tiền, tính giờ…) giúp tính chi phí minh bạch, khoa học, khách hàng yên tâm, lái xe tự tin. Kim Ngân cho biết, Hiền Linh đang kết hợp với một số công ty du lịch thực hiện dịch vụ Cokbi chất lượng cao để đưa đón khách du lịch. Các bác “xế ôm” mang hiệu Cokbi sẽ được lựa chọn cả ngoại hình, phỏng vấn trực tiếp và đặc biệt, được trang bị một số kiến thức ngoại ngữ giao tiếp cơ bản để có thể làm hài lòng các thượng đế.

Nữ giám đốc trẻ Kim Ngân còn nhớ cú “sốc” đầu tiên khi thực hiện ý tưởng kinh doanh độc đáo này. Cô cùng anh chị em trong công ty đi phát tờ rơi, mời chào các bác “xe ôm” trở thành nhân viên của công ty. Phát nhiều không kể hết, nhưng chỉ 60 người hứa sẽ đến dự buổi gặp mặt. Rồi buổi gặp mặt được tổ chức quy củ, chuyên nghiệp và hoành tráng tại khách sạn Bảo Sơn hôm ấy chỉ có 15 bác tài đến dự, kết thúc còn 3 người đồng ý thử nghiệm, cuối cùng duy nhất một người trở thành nhân viên của công ty. Rất may, sau đó công ty cũng dần có thêm nhân viên bởi “tiếng lành đồn xa”, nhưng những ngày đầu, có khi khách hàng gọi đến, nhân viên không đủ, cả giám đốc điều hành cũng đóng bộ mũ, áo Cokbi, lên xe phục vụ khách. Lái xe Hiền Linh được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm dân sự với người thứ 3 (khách hàng).

Trưởng khoa tuổi 25

Hoàng Gia Thư. Ảnh: ĐT.

Sở hữu tấm bằng cử nhân Đại học Ngoại thương, Thạc sỹ quản trị kinh doanh Đại học Central Queensland (Australia) và khả năng ngoại ngữ tuyệt vời, Hoàng Gia Thư nhận được nhiều lời mời với mức lương cao “ngất ngưởng”. Nhưng ít ai ngờ “bến đỗ” của chàng trai sinh năm 1977 này lại là Khoa Quản trị kinh doanh và Du lịch, một khoa mới thành lập của Trường đại học Hà Nội (tiền thân là Đại học Ngoại ngữ).

Nhận nhiệm vụ, trưởng khoa tuổi 25 đối mặt với cả núi công việc, bởi khoa Quản trị kinh doanh và Du lịch mới thành lập, tất cả hầu như chỉ là con số 0. Chỉ trong 4 tháng, anh bắt tay xây dựng chương trình, kế hoạch năm học, phương pháp giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Xây dựng chương trình đào tạo vừa phù hợp với điều kiện Việt Nam, vừa có cái mới của các nước tiên tiến với mục tiêu phải được các trường đại học nước ngoài công nhận đã khó, thu hút cho được nhân lực đủ trình độ đáp ứng những yêu cầu đó còn khó hơn. Vậy mà đến nay anh đã thu hút được 20 giảng viên trẻ có trình độ về khoa làm việc nhờ cái anh gọi là “nội hàm công việc”, là môi trường làm việc đầy thách thức, nhưng mỗi người được thể hiện hết mình.

Trưởng khoa Hoàng Gia Thư quan niệm sinh viên vừa là khách hàng, vừa là sản phẩm, vừa là đối tác của nhà trường. Thế mới có chuyện, thầy trưởng khoa Hoàng Gia Thư cùng sinh viên xuống tận các trường PTTH “tiếp thị” về các ngành học của khoa, của trường. Qua đó, số lượng thí sinh thi tuyển vào Khoa QTKD và Du lịch tăng hàng nghìn người mỗi năm. Hiện mỗi năm khoa tuyển khoảng 200 sinh viên các ngành, nhưng luôn có gần 10.000 thí sinh dự tuyển. Quan trọng hơn, hơn 80% lượng “sản phẩm” đầu tiên – sinh viên khoá I vừa ra trường cuối năm 2006 đã có việc làm với thu nhập cao, giành được uy tín của nhiều công ty lớn. Chương trình đào tạo của khoa được 5 trường đại học uy tín ở Anh, Australia, NewZealand và Áo công nhận.