Đúng ngày VN được kết nạp vào WTO, Liên Minh Phần Mềm DN (BSA) đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với cục Bản Quyền Tác Giả và Thanh Tra bộ VHTT về thực thi luật Sở Hữu Trí Tuệ (SHTT) trong lĩnh vực phần mềm (PM). Theo các số liệu của BSA, tỷ lệ vi phạm bản quyền PM hiện tại ở VN là 90%. Về số liệu này, TS Mai Anh – thành viên uỷ ban KHCNMT của Quốc Hội cho rằng BSA mới chỉ điều tra một thời gian ngắn tại Việt Nam nên kết quả là không thể chấp nhận. Còn đánh giá như thế nào cho đúng thì phải có khảo sát, điều tra. Ông cho biết, tại một số nước trong khu vực như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan… trong mỗi siêu thị điện tử có đến vài chục quầy hàng, mỗi quầy niêm yết đến hàng ngàn tên PM khác nhau. Như vậy, mức độ vi phạm của họ còn nhiều hơn VN.
Trước thời điểm VN gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp (DN) lớn và cả một bộ của Chính Phủ đã chủ động mua bản quyền PM của Microsoft cho hệ thống máy tính của mình. Tuy nhiên, đã có nhận xét cho rằng cách làm như vậy có màu sắc “đánh bóng thương hiệu” chứ không chỉ là tôn trọng SHTT và không nên để tình trạng này phát triển. Bởi nếu DN, bộ, ngành nào cũng tự mua thì tiền đâu để mua? Còn theo tính toán của Hội Tin học VN (VAIP), nếu Chính Phủ mua bản quyền cho các cơ quan nhà nước với 2 triệu công chức và 22 triệu học sinh, sinh viên thì ngân sách phải trả cho Microsoft sẽ mất khoảng 1 tỷ USD mà chỉ có giá trị trong 3 năm. Vì thế, Chính Phủ nên nhanh chóng nắm bắt tình hình, tổ chức thương thảo với Microsoft và các công ty cung cấp PM với tư cách một khách hàng lớn đại diện cho VN để có thể đạt được những mức giá ưu đãi. Được biết, VAIP đã kiến nghị Chính Phủ giao cho bộ BCVT làm đầu mối quốc gia để đàm phán về bản quyền với Microsoft.
Vậy thì lối thoát sử dụng PM nguồn mở (PMNM) như đề xuất cuối năm 2002 đã đạt được đến đâu? Theo TS Vũ Duy Lợi – giám đốc trung tâm Tin Học Văn Phòng Trung Ương Đảng, trước hết phải xác định dùng PMNM là để nâng cao năng lực của chính giới CNTT chứ chưa phải là để tiết kiệm chi phí bản quyền. Cùng quan điểm đó, ông Lê Mạnh Hà – giám đốc sở BCVT TP.HCM cho rằng để PMNM thực sự phát triển và đi vào cuộc sống thì cần có thời gian và quan trọng là nó phải nhận được sự lựa chọn của người sử dụng. Còn nói PMNM là rẻ thì chưa chắc vì nó không dễ sử dụng bằng PMTM và cũng phải tập trung nguồn lực để làm. TS Nguyễn Chí Công – tổ trưởng tổ chuyên môn Đề Án 112 cũng cho rằng cần phải có nhận thức đúng đắn về vấn đề này và Chính Phủ phải có chủ trương, kế hoạch phát triển rõ ràng, cụ thể chứ không thể chung chung được (!). PMNM không phải là để triệt tiêu PMTM mà là để hỗ trợ lẫn nhau. Phát triển PMNM cũng không thể vội vàng.
Đứng trên góc độ của DN có nhu cầu ứng dụng CNTT, việc sử dụng PM có bản quyền cũng là một động lực để họ buộc phải nâng cao hiệu quả hoạt động. Công ty Gạch Đồng Tâm đã chủ động đầu tư 6 tỷ đồng cho hoạt động tin học hóa trong đó có việc mua PM. Tin học hoá sẽ giúp Gạch Đồng Tâm giảm thiểu nhân sự, đúng hơn là không phải thuê thêm nhân viên và trong vòng vài năm sẽ thu hồi vốn. Tổng giám đốc Võ Quốc Thắng cho biết, quản lý hiện đại bằng CNTT phải cho biết trong vòng 1 giờ lỗ – lãi là bao nhiêu. Yêu cầu đặt ra là phải giảm chi phí để cạnh tranh. Nếu chúng ta có bộ máy cồng kềnh, không chính xác, làm việc thủ công thì sẽ không thể hội nhập thành công.
Một việc nữa cũng phải đề cập là những cơ hội cho CNTT nhân Hội Nghị Cấp Cao APEC 2006 tại Hà Nội. Tổng giám đốc Microsoft Craig Mundie đã được Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp và nhân dịp này Microsoft đã ký kết đối tác chiến lược với FPT, cùng với VDC đầu tư cổng điện tử MSN tại VN. Còn trong tuyên bố chung VN – Nhật Bản, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ Tướng Shinzo Abe cũng đã nhất trí Khu Công Nghệ Cao Hòa Lạc là một trong 3 dự án ưu tiên của Chính Phủ Nhật Bản tại VN. Cộng đồng DN Nhật Bản cũng bày tỏ sự tin tưởng vào những nỗ lực của Chính Phủ Việt Nam về việc đẩy nhanh sự phát triển của CNTT và Khu Công Nghệ Cao Hòa Lạc, một trong những dự án hạ tầng thiết yếu của Việt Nam. Đây chính là lý do để các DN Nhật Bản đến thăm và kỳ vọng góp phần phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế trong lĩnh vực công nghệ cao Việt – Nhật…
Gia nhập WTO, các DN VN đã và đang rất chủ động làm ăn với nước ngoài. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra của Hiệp Hội Các Nhà Nhập Khẩu Mỹ thì 87% các nhà nhập khẩu Mỹ đều thích nhận được tiếp thị bằng thư, song chỉ đọc phần đầu và phần cuối. Phần cuối của lá thư luôn phải có địa chỉ website DN và nếu không có thì lá thư đó sẽ không được đọc. Điểm tối kỵ là sử dụng fax vì ở Mỹ, gửi fax bán hàng bị coi là không hợp pháp. Trong trường hợp sử dụng e-mail, không nên dùng e-mail miễn phí vì sẽ bị đánh giá thấp và dễ bị coi là lừa đảo. Hơn nữa, các mail miễn phí thì tính bảo mật yếu khiến nhà nhập khẩu không an tâm. Đây quả là một thách thức lớn cho các DN VN muốn làm ăn với nước ngoài, đặc biệt là Mỹ trong nền kinh tế số của thế kỷ 21. Trên các niên giám DN của Việt Nam hiện nay, số lượng DN có website không nhiều nhưng, không ít trong số đó chỉ là những trang web được làm cho có. Bên cạnh đó, rất nhiều hiệp hội DN có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng chưa hề có website. Vậy thì bản thân các DN và hiệp hội ngành nghề của họ đã và sẽ làm gì với luật chơi phải có website và e-mail của các đối tác nước ngoài?