Fortran – ngôn ngữ mở đường cho phần mềm hiện đại

Ảnh: The Age.
John Backus. Ảnh: The Age.

Cha đẻ của Fortran hoàn toàn có quyền coi mình là một thiên tài. Nhưng John Backus lại khiêm tốn giải thích: “Thực ra tôi rất lười và ghét phải viết chương trình. Thế nên, tôi mới quyết định soạn ra một hệ thống có thể giúp lập trình nhẹ nhàng hơn”.

John Backus gia nhập IBM vào năm 1950 với nhiệm vụ tìm kiếm các phương pháp đơn giản hóa công việc lập trình trên máy tính. Năm 1953, ông thành lập một nhóm chuyên viên phát triển và sau 4 năm, Formula Translator ra đời, gọi tắt là Fortran.

Fortran là ngôn ngữ máy tính duy nhất có khả năng giải quyết 23.500 lệnh hợp ngữ assembly (ngôn ngữ lập trình bậc thấp, trong đó mỗi câu lệnh chương trình tương ứng với một chỉ lệnh mà bộ xử lý có thể thực hiện được). Thay vì đòi hỏi các đoạn mã mang tính kỹ thuật đầy rắc rối, Fortran cho phép soạn code bằng chữ tốc ký và đại số, sau đó trình biên dịch sẽ chuyển chúng thành dạng thức mà máy tính có thể hiểu được.

“Fortran làm biến đổi thói quen viết chương trình trên hệ thống, đồng thời thay đổi cả cách xây dựng các trình biên dịch”, Fran Allen, cựu chuyên gia tại IBM, nói. “Hồi đó, đây là một bước tiến vĩ đại”.

Công việc đầu tiên của Allen khi đến IBM Research vào năm 1957 là giảng dạy Fortran cho các nhà khoa học trong công ty. “Họ không nhiệt tình học thêm một ngôn ngữ mới. Nhưng Fortran không chỉ đơn giản hóa việc chia sẻ code mà còn giúp họ xử lý nhiều vấn đề khó khăn khi lập trình”, Allen kể.

Fortran nhanh chóng được cộng đồng kỹ thuật và khoa học chọn làm ngôn ngữ lập trình số một trong nhiều năm và hiện nó vẫn còn được sử dụng. Sau đó, Backus hợp tác với nhà khoa học Đan Mạch Peter Naur để phát triển hệ thống mô tả cấu trúc các ngôn ngữ lập trình và đặt tên là Backus-Naur.

Backus là người sống không theo nguyên tắc, thường mặc đồ jean cả khi đi làm lẫn trong các dịp mà nhân viên IBM phải mặc sang trọng. “Ông luôn tìm tòi những ý tưởng mới và rất hòa đồng với mọi người. Nếu có cơ hội tiếp xúc, bạn sẽ có cảm giác như thể ông ấy luôn thích thú với mọi thứ xung quanh ông”, Allen nhận xét.

Nhờ Fortran, Backus giành một loạt giải thưởng lớn, trong đó có Huân chương khoa học năm 1975 và giải Turing năm 1977. Ông tiếp tục làm việc cho IBM đến năm 1991. Backus vừa qua đời ở tuổi 82 tại Ashland, Oregon (Mỹ) cuối tuần qua.