Ước tính mỗi ngày trên thế giới có khoảng 15 tỉ lượt truy cập vào website, một con số có thể nói lên nhiều điều, nhất là việc rất dễ kiếm tiền từ đây đối với những ai hiểu về nó.
Bởi vậy, chiến dịch quảng cáo trên Internet bắt đầu tăng nhanh và dần trở thành mối lo ngại lớn cho công nghiệp báo in. Đây là hình thức quảng cáo trực tuyến (QCTT) với nhiều lợi thế về công nghệ và giá cả rẻ, đang trở thành tâm điểm chú ý trong phát triển thương mại điện tử…
Dường như chưa bao giờ thị trường QCTT lại sôi động như hiện nay với các thông số giá trị tăng lên chóng mặt. Trên thế giới, Hoa Kỳ được đánh giá là nơi QCTT phát triển nhất với doanh thu năm 2005 lên đến gần 14 tỉ USD. Trong khi tỉ lệ tăng trưởng cũng tại đây của quảng cáo trên báo giấy là 1,6% thì của QCTT lên đến 26,7%. Tại Việt Nam, doanh thu của QCTT vẫn ở mức khiêm tốn nhưng cũng có bước phát triển nhanh khi đạt doanh số 64 tỉ đồng trong năm 2005. Mặc dù con số này còn thua xa so với quảng cáo trên báo giấy nhưng với nhận thức ngày càng cao của doanh nghiệp, mức phổ cập Internet trong cộng đồng ngày càng phổ biến hơn thì QCTT chắc chắn sẽ có cơ hội phát triển trong những năm tới.
Ưu điểm dễ nhận thấy nhất của QCTT là với mạng nối toàn cầu, thông tin cần truyền tải sẽ không bị giới hạn về thời gian, địa lý và dung lượng thông tin, điều mà báo giấy, phát thanh và truyền hình không có được. Hơn nữa, các banner quảng cáo có khả năng tương tác với khách hàng khi chúng vừa cung cấp, vừa thu nhận thông tin. Chi phí tính cho QCTT dễ kiểm soát qua việc người sở hữu chỉ trả tiền theo kết quả, tức là phí thanh toán dựa trên số đăng nhập vào một trong các đường “kết nối” (click) của họ. Mặt khác, chi phí cho QCTT rẻ hơn các loại hình quảng cáo khác. Ví dụ: với 40-50 triệu đồng, chỉ có thể quảng cáo trên 1/2 trang khổ lớn của báo giấy trong một vài ngày với lượng khách hàng nhất định trong khi cùng với chi phí này, khách hàng trên mạng có thể dễ dàng xem vào bất cứ thời gian nào. Không chỉ dừng ở đó, với lợi thế về công nghệ, bên cạnh các hình thức quảng cáo truyền thống như đặt banner, logo, pop-up, các hình thức quảng cáo chuyên nghiệp và hữu dụng hơn với người dùng như nội dung đa phương tiện (multimedia) như đoạn video, phim hoạt hình hay bản tin newletter.
Trong cuộc cạnh tranh thị phần, QCTT rõ ràng có lợi thế nhất định so với quảng cáo trên báo giấy. Bài toán lớn nhất đối với các website thông tin trực tuyến hiện nay là làm sao thu hút được nhiều người mua quảng cáo cũng như tạo độ hấp dẫn đối với người truy cập để “đôi bên cùng có lợi”. Từ trước đến nay, các báo điện tử đa phần ra sau và “ăn theo” báo giấy, phong cách giống hệt báo giấy từ chuyên mục đến cách thiết kế quảng cáo. Hầu như báo nào khi chào mời quảng cáo tới các doanh nghiệp cũng có một số nội dung khá giống nhau: lượng người truy cập, bảng báo giá, các thông tin khuyến mại… Thực tế, đây là hình thức nhằm “lấp chỗ trống thông tin” nhiều hơn tính hiệu quả về kinh tế…
Tại Việt Nam, số người tin và mua hàng dựa trên thông tin từ những trang QCTT là chưa nhiều do “thư rác” (junk mail) đang trở thành thảm họa đối với cộng đồng người sử dụng Internet. Một số khảo sát gần đây cho thấy, 50% số người được hỏi đã trả lời rằng mỗi ngày họ nhận được ít nhất 20 e-mail quảng cáo và lẽ dĩ nhiên là những người này ngay lập tức sẽ xóa thư mà không cần biết nội dung bên trong là gì. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp chưa mặn mà với QCTT. Một con số cụ thể là mong muốn quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp, trong khi hầu hết các báo điện tử hiện nay khi mời quảng cáo chỉ dựa vào số hits truy cập website, điều này dễ gây một sự mơ hồ nếu không muốn nói là rất thiếu tin tưởng.
Nhận thức được điều này, một số Cty QCTT chuyên nghiệp với khả năng nắm bắt công nghệ nhanh đã cho ra đời hệ thống đánh giá hiệu quả của QCTT. Đó là: số lượt quảng cáo đã được xem, tỉ lệ click, chi phí cho mỗi click… Ông Nguyễn Mạnh Linh, Giám đốc Cty Cổ phần Việt S.E.E, một đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực QCTT (www.vietsee.com) cho biết: Chúng tôi đã có nhiều hình thức phát triển thương hiệu như tiến hành các đợt làm thẻ giảm giá cho người truy cập, thẻ trả trước, đặc biệt là quảng bá địa chỉ khách hàng qua thư điện tử bằng công nghệ mới đến 80.000 doanh nghiệp tại Việt Nam… Dựa trên cơ sở đó, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về nội dung cũng như tính trung thực của thông tin khi quyết định mua một món hàng hay đi đến một cửa hàng nào đó được giới thiệu trên www.vietsee.com.
Rõ ràng, mảnh đất QCTT tại Việt Nam không còn quá mới mẻ và sẽ ngày càng phát triển nhanh khi các ứng dụng thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, với vấn đề bảo mật thông tin hiện có nhiều lỗ hổng thì điều quan trọng nhất trong thời điểm này là tạo ra các hành lang pháp lý để hoạt động này phát triển lành mạnh.