Kết thúc cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế, đội Chicken của Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) xếp hạng 44/88, trên Indonesia, Singapore… Cup vô địch năm nay thuộc về ĐH Tổng hợp Warsaw (Ba Lan).
Các nhà vô địch ACM/ICPC 31 tại lễ đăng quang. Ảnh: Nguyễn Long. |
Tại vòng cuối của ACM/ICPC 2007 tổ chức tại Tokyo (Nhật), mỗi đội tuyển được bố trí 1 bàn, 3 ghế và 1 PC tiêu chuẩn nối mạng. Đề thi có 10 bài theo thứ tự A-J với yêu cầu lập trình theo các giải thuật ứng dụng cho nhiều lĩnh vực thực tế khác nhau.
Trong 30 phút đầu, Đại học Warsaw (Ba Lan) và MIT (Mỹ) đã hoàn thiện được 1 bài đầu tiên. Tiếp đó, 88 đội tuyển chia làm 3 tốp rượt đuổi nhau một cách quyết liệt. Nhóm dẫn đầu là các tên tuổi lớn như Warsaw, ĐH Cơ – Quang St Petersburg (Nga), MIT (Mỹ), Thanh Hoa (Trung Quốc), Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) đua nhau từ 5-7 bài giải được. Kế đến là nhóm thứ hai, có sự góp mặt của đội Chicken Việt Nam, với số lượng bài hoàn thiện từ 3-5. Nhóm thứ 3 giành điểm từ 0-2 bài giải xong.
Theo nhận định của ông Nguyễn Long, Giám đốc ICM/ICPC Hà Nội, có lẽ do khả năng ngoại ngữ chưa thật tốt nên đội Chicken của VN nhập cuộc với tốc độ chậm và có tới 7 lần nộp bài J. Đây cũng là một trong 3 bài không có đội nào giải được.
Kết quả chung cuộc giải vô địch ACM/ICPC lần 31, Đại học Tổng hợp Warsaw trở thành quán quân với 8 bài giải trọn vẹn. Đứng thứ hai là ĐH Thanh Hoa hoàn thiện 7 bài. Trường Cơ – Quang St Petersburg và MIT đồng hạng 3.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 4 giải bạc và 4 giải đồng cho các đội xếp thứ hạng từ 5 đến thứ 12. Với 3 bài giải trọn vẹn, Chicken Việt Nam xếp12/28 trong khu vực, dẫn đầu các nước ASEAN có mặt trong vòng chung kết. “Đây là kết quả đáng khích lệ, phần nào phản ánh khả năng và vị trí của sinh viên CNTT-TT Việt Nam trên bản đồ đào tạo đại học về chuyên ngành này trên toàn cầu”, ông Nguyễn Long bày tỏ. “Nhưng để có thứ hạng cao, tiến tới khả năng đoạt giải, các bạn trẻ trong nước còn phải nỗ lực nhiều. Đây là bài toán đặt ra cho lĩnh vực đào tạo đại học hướng tới mục tiêu CNTT đẳng cấp thế giới”.