“Chat” với các công ty Giải pháp CNTT 8X

Trong số các ngành nghề được 8X lựa chọn để sản xuất và kinh doanh, CNTT có tỷ lệ thực sự đáng nể so với các ngành khác. Xã hội hoá tin học, đưa tin học vào ứng dụng trong mọi lĩnh vực là cơ hội tốt cho ngành CNTT phát triển. Đặc thù của ngành là chất xám. Đối với lĩnh vực giải pháp CNTT, chỉ với một “cái đầu”được trang bị kiến thức tốt và một chiếc máy tính đáp ứng được yêu cầu công việc, một “công dân” IT có thể tự mình tạo ra sản phẩm.
 
Nếu một sản phầm phần mềm có chất lượng tốt, tính ứng dụng cao, lập trình viên (LTV) đã có thể tự tin kiếm được 90% hợp đồng với khách hàng, 10% còn lại để dành cho công tác đàm phán lợi nhuận ít hay nhiều. Các sản phẩm mà công ty giải pháp CNTT thường hay tham gia hoạt động như: xây dựng website, cổng thương mại điện tử, xây dựng các sản phầm phần mềm, thiết kế lắp đặt hệ thống mạng sản xuất phom trong lĩnh vực multimedia,…
 
Nhìn chung, cùng với sự phát triển vế số lượng LTV, kỹ thuật viên, kỹ sư CNTT được đào tạo tốt từ các trường Đại học, các trung tâm LTV Quốc tế,…các công ty trong lĩnh vực các giải pháp CNTT cũng phát triển mạnh mẽ, và đặc biệt phát triển ở giới 8X – thành phần tiếp cận nhiều nhất với CNTT trong xã hội hiện nay.
 
Khởi nguồn

Mô hình chung, các công ty Giải pháp CNTT của các 8X đều xuất phát từ một  nhóm các LTV làm chung một dự án. Phạm Quang Vinh (1981) – Giám đốc Công ty Tích hợp Giải pháp Việt Nam (VNIS) cùng các bạn tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội của mình làm sản phẩm “Hệ thống khai thác và đào tạo trực tuyến JELS” để tham gia Trí tuệ Việt Nam 2004. Sau Trí tuệ Việt Nam 2004, Vinh quyết định thành lập công ty và tiếp tục phát triển sản phẩm tham gia Nhân tài đất Việt 2005.
 
Hoàng Quốc Khánh (1983) cùng nhóm bảo vệ project năm thứ hai với các đề tài “ Siêu thị ảo” và “Triển lãm ảo” tại Trung tâm Đào tạo LTV Quốc tế Hanoi-Aptech quyết định thành lập công ty cũng về giải pháp CNTT mang tên Công ty TNHH Giải pháp CNTT (Thanh Xuan ITS). Chưa có ý định đưa sản phẩm tham  gia các giải thưởng CNTT lớn, Thanh Xuan ITS bắt đầu tham  vọng lập nghiệp với các khách hàng quen thuộc của mỗi cá nhân và cả nhóm khi chưa thàng lập công ty.
 
Danh nghĩa công ty – “Lợi bất cập hại”?
 
“Hại chứ! Cái hại đầu tiên là ông thuế”, Khánh nhoẻn cười “Không thể trốn tránh được thuế. Ngày xưa khi chưa có công ty, tiền kiếm được từ các sản phẩm cứ bỏ vào túi riêng của mình. Nay với danh nghĩa công ty, phải có tiền để thuê địa điểm làm việc, trả tiền lương cho nhân viên, cộng tác viên. Nói chung, bao nhiêu vốn liếng kiếm được đổ vào công ty hết, còn phải vay ngân hàng mới khởi động được công ty. Rõ ràng, nhìn thấy cái hại rất lớn trước mắt nếu như công ty không phát triển được.”
 
“Cái hại tôi gặp phải cũng tương tự”, Vinh cho biết: “Nhưng tôi còn gặp vấn nạn khác đó là nhân sự. Tìm được nhân sự hợp lý trong thời điểm này tương đối khó. Hình như có nhiều người giống tôi quá (cười). Nhiều tay nghề giỏi của tôi vẫn đang đi học. Còn một nan giải nữa  mà tôi vẫn chưa “tháo” được đó là phải sự dụng mấy hộp card-visit khác nhau. Cái đề danh nghĩa là giám đốc, cái là nhân viên tư vấn, cái là kỹ thuật. Không phải có ý “lừa” họ. Lý do là, khách hàng nhìn thấy mình trẻ quá, thoạt tiên còn nghi ngại, khách hàng vừa tầm thì không sao, nhưng với các “đại gia” tôi nghĩ không nên “trưng” danh hiệu giám đốc ra để làm việc, vì như vậy họ sẽ nghĩ công ty mình quá bé nhỏ, nên chưa kịp nghe mình giới thiệu sản phẩm đã vội từ chối”.
 
Chắc chắn, nếu “hại” nhiều như vậy, chẳng có ai mạo hiểm để thành lập công ty. Những cái hại nêu trên được hiểu là những khó khăn mà 8X đang vấp phải khi vận hành công ty mình.
 
“Thực chất, khi thành lập công ty có rất nhiều cái lợi”, Trịnh Anh Tuấn (1985) – LTV tại Thanh Xuan ITS nói. “Nếu chỉ với danh nghĩa một cá nhân hay một nhóm, sản phẩm của mình khi bán ra sẽ bị ép giá, thấp chỉ bằng 2/3, một nửa, thậm chí có thể chỉ bằng 1/3 so với giá bán với danh nghĩa một pháp nhân.”
 
Vinh: “Với tôi, khi quyết định mạo hiểm thành lập công ty, tôi chỉ nghĩ đến một điều là làm sao để tiếp tục duy trì và phát triển “Hệ thống khai thác và đào tạo trực tuyến JELS”  sau khi đoạt giải. Nếu bán sản phẩm để chia cho các thành viên trong nhóm, giá sẽ bị ép rất nhiều. Điều này thực không công bằng cho chúng tôi cũng như cho sản phẩm đoạt giải Nhân tài đất Việt”.
 
Có thể cái “hại” trước mắt đối với các công ty giải pháp CNTT 8X còn nhiều, nhưng rõ ràng qua được những khó khăn này, các 8X đã có những bước trưởng thành rất đáng ghi nhận để có được giá trị xứng đáng cho chất xám mình bỏ ra. Và họ tự tin với hướng đi của mình.
 
Phải có tự tin – Nó nằm ở đâu?
 
“Sức trẻ! Tôi tin ở sức trẻ và lòng nhiệt tình của chúng tôi” – Nguyễn Thu Hà (1984) khẳng định: “Thứ nhất, rất nhiều khách hàng chỉ muốn làm việc với 8X. Thứ 2, chúng tôi có hoài bão và ý chí. Anh Tiến phải bỏ dự án 112 của chính phủ, anh Khánh bỏ dự án tại Viện huyết học TW, anh Thanh bỏ dự án hợp tác quốc tế. Những sự từ bỏ như vậy đồng nghĩa với việc từ chối mức lương 300$-500$/tháng. Hẳn đây là mức lương mà các 8X không thể thờ ơ”.
 
Giám đốc Vinh cho biết: “Tôi tự tin vì đang sở hữu sản phẩm đoạt giải, tôi cũng tự tin vì là đơn vị được đại diện cho Việt Nam tham gia Triển lãm tuần lễ “Thành tựu công nghệ số” tại Đài Loan của các 6 nước ADOC cuối năm 2005. Nhưng thực sự, tự tin của tôi, thành quả của tôi có được ngày hôm nay đều xuất phát từ hai nền tảng chính là kiến thức chuyên môn và kỹ năng làm việc. Kiến thức chuyên môn tôi được trang bị rất tốt ở trường ĐH Bách Khoa. Kỹ năng làm việc bao gồm kỹ năng thuyết trình, kỹ năng quản lý và làm việc nhóm tôi được học tại Thames Business School và một “cua” ngắn hạn về quản lý tại FPT. Tôi thực sự tự tin hơn khi khi sở hữu 2 kỹ năng cơ bản đó khi thi thố hay làm việc. Lúc đầu khách hàng thường ái ngại về sản phẩm của tôi. Nhưng khi nghe tôi trình bày sản phẩm (show profile), họ đã bị thuyết phục”.
 
“Tôi cũng thấy kiến thức tốt chỉ là một phần”, Nguyễn Văn  Hoà (1985) – Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Thông tin HALO phát biểu: “Phần còn lại chính là kỹ năng. Tôi thấy các tố chất này được trang bị rất rõ ở nơi tôi học là Hanoi-Aptech. Hiệu quả của nó được thể hiện ở ngay việc chúng tôi có thể tự làm sản phẩm, bán sản phẩm, hay đi làm từ rất sớm”.
 
Tương lai của Công ty?
 
Được hỏi về vấn đề này, Vinh tự tin cho biết: “Lúc đầu tôi cũng sợ nếu có ngày phải làm bố cáo giải thể công ty không lâu sau ngày công bố thành lập công ty. Nhưng giờ tôi nghĩ mình thoát rồi. Sau hơn 1 năm thành lập, gặp không ít khó khăn, giờ công ty của tôi đã có doanh thu vượt mức hòa vốn, đang tiếp tục triển khai dự án “Hệ thống khai thác và đào tạo trực tuyến JELS” với Viện ĐH Mở  Hà Nội. Ngoài ra, các sản phẩm nhỏ khác cũng tìm được những khách hàng trung thành”.
 
“Khách hàng là đội ngũ Marketing của chúng tôi”, Khánh tự hào nói:  “Tuy mới, nhưng công ty tôi đã tính kế  “lấy ngắn nuôi dài” để phòng ngừa rủi ro, bằng cách phát triển các dự án nhỏ, tập trung vào lập web hay cổng thương mại điện tử, tất cả để bước qua khỏi ngưỡng 1 năm. Tương lai của chúng tôi sẽ rạng ngời sau đó”.
 
Hoà – Halo cho biết “Khó khăn còn nhiều nhưng phương châm kinh doanh của tôi là “lời nói thể hiện bằng công việc” và tôi cũng đã chứng minh được điều đó với khách hàng. Hiện tại, tôi đang phát triển dự án về làm phim media truyện tranh dân gian Việt Nam, du lịch Việt Nam cho “Quỹ hội Quốc tế Âu Lạc” do Tiến Sĩ Hoàng Văn Khẩn phụ trách và trực tiếp làm việc với Halo. Các dự án trong nước đã đi vào quỹ đạo của công ty và hi vọng sẽ thuận buồm mát mái”.
 
Kết
 
Hiện nay, tại Mỹ, việc thành lập các công ty công nghệ mới đang là một hướng đi quan trọng trong việc thương mại hoá các sản phẩm công nghệ. Việt Nam cũng có thể áp dụng xu hướng này để đưa ngành CNTT nói riêng và các ngành công nghệ nói chung phát triển. Nói điều này hoàn toàn có cơ sở khi tiếp xúc, chứng kiến các công ty CNTT 8X lao động và phát triển. Đó là những thành quả đặt trên nền tảng của tinh thần tự lực tự cường, cầu tiến và đặc biệt là ước mơ hoài bão lớn vì sự phát triển tốt đẹp của bản thân và xã hội.