Trong dòng phát triển của kinh tế thị trường thế giới hiện nay, có nhiều vấn đề mới mang ý nghĩa kinh tế ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) cũng như sự tăng trưởng của các quốc gia. Một trong những vấn đề đó là việc phát triển và quản trị tài sản vô hình, cùng với loại hình đặc biệt của nó là quyền sở hữu trí tuệ (QSHTT).
QSHTT – Nguồn lực trọng tâm tạo ra của cải
Toàn cầu hóa kinh tế với xu hướng chuyển dần trọng tâm vào trao đổi mậu dịch hàng hóa có hàm lượng tri thức cao đang thúc đẩy nhà sản xuất không ngừng áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm tăng cường sức cạnh tranh. Đối với mỗi nền kinh tế, lợi thế cạnh tranh chủ yếu phụ thuộc khả năng vận dụng khoa học-công nghệ vào các ngành kỹ thuật công nghệ cao cũng như các ngành sản xuất truyền thống. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức, hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm ngày một gia tăng, trở thành cấu phần quan trọng quyết định giá trị của sản phẩm. Điều này thúc đẩy các nước, Cty xuyên quốc gia tích cực đầu tư cải tiến công nghệ nhằm nâng cao hàm lượng tri thức trong mỗi sản phẩm.
Hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ đã trở thành đòi hỏi có tính toàn cầu, là nội dung thường xuyên hiện diện trong hoạt động kinh tế, thương mại của các khối, tổ chức, khu vực, đặc biệt trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Có thể nói chúng ta đang sống trong kỷ nguyên QSHTT là nguồn lực trung tâm tạo ra của cải trong hầu hết ngành công nghiệp. Nền tảng sức mạnh của thương mại đã chuyển từ nguồn vốn thông thường sang QSHTT. Trong thực tế, việc xác định nguồn vốn không còn ý nghĩa là bảng cân đối tiền mặt hoặc hình ảnh các nhà máy chế tạo; mà nguồn vốn bây giờ được thống trị bởi QSHTT như là bí quyết kỹ thuật, sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền và bí mật thương mại.
Các Cty mới giầu lên đang tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới không phải dựa trên nắm giữ nguồn tài nguyên hoặc nắm giữ lượng tiền vốn lớn mà dựa trên việc nắm giữ QSHTT. Tài sản vật chất cố định không còn được coi là tài nguyên quan trọng nhất, mà việc có được tài nguyên tri thức mới là quan trọng nhất. Ai quản lý tốt QSHTT sẽ là người thắng cuộc trong tương lai.
Chiều hướng kiểu mẫu mới trong quan hệ do QSHTT mang đến đã dẫn tới sự thay đổi, không phải là sự độc lập với nhau như trước, mà là lấy sự lệ thuộc lẫn nhau làm gốc. Chia sẻ kỹ thuật là một khái niệm đôi khi còn mới và khó chấp nhận, nhưng mọi người sẽ phải chấp nhận nó. Các nhà lãnh đạo DN hiện tại và tương lai cần phải hợp tác thường xuyên hơn so với sự cạnh tranh. Muốn đạt được lối vào đối với kỹ thuật có nghĩa phải hợp tác với DN khác, ngay cả với đối thủ cạnh tranh, để có được lối vào đối với các nguồn tài nguyên dựa trên kiến thức của họ. Lãnh đạo DN trong tương lai sẽ chỉ đạt được điều họ muốn bằng việc giúp đỡ những người khác có được điều họ muốn.
Những thay đổi mang đến bởi QSHTT đã sáng tạo ra các tổ chức và cách thức kinh doanh mới, nhiều cơ hội nghề nghiệp mới được tạo ra. Phát minh không còn là hiện tựơng tình cờ mà là kết quả của một hệ thống, có tổ chức và thường là của những chương trình được tài trợ lớn.
Cơ sở giá trị của QSHTT
Khi định giá một phát minh, chúng ta đánh giá trực tiếp các quyền được bảo đảm bởi luật pháp về QSHTT của Nhà nước. Bảo vệ QSHTT cho phép nâng cao thu nhập được hưởng độc quyền của nó.
Sự tồn tại của các phát minh mới sẽ có vấn đề khi không có hệ thống bảo vệ phát minh. Ai sẽ hiến dâng thời gian để nghiên cứu nếu những nỗ lực của họ không mang lại lợi ích cho chính họ ? Và điều gì sẽ xẩy ra với nhà đầu tư cung cấp vốn cho phát triển và thương mại nếu bất kỳ người nào khác đến sau đều nhận được quyền sản xuất sản phẩm mới được sáng tạo ? Tương tự, những nỗ lực để sáng tạo, nuôi dưỡng và duy trì nhãn hiệu sẽ bị lãng phí nếu mọi người được phép tự do sao chép chúng. Giá trị của QSHTT, như vậy, đến từ quyền để loại trừ người khác khỏi việc sử dụng QSHTT.
Luật về QSHTT góp phần nâng cao môi trường cạnh tranh, tạo ra sự khuyến khích DN nghiên cứu, phát triển, thương mại hóa sản phẩm và dịch vụ mới, tạo ra cách thức quản lý hiệu quả hơn. Hơn nữa, luật khuyến khích sự tiết lộ thông tin, khắc phục sự thận trọng đố kỵ. Qua việc cấp giấy phép sử dụng kỹ thuật, những thông tin đó sẽ được chia sẻ và khai thác một cách hiệu quả nhất. Giá trị của phát minh lần nữa được nâng cao và tiền trả bản quyền cho tác giả đi song song với giá trị.
Ngày nay, các Cty quản lý tốt tài sản vô hình-QSHTT sẽ chiếm được vị trí lãnh đạo về quyền lực kinh tế. Thế giới kinh doanh đang phân thành hai loại Cty: có QSHTT và không có QSHTT. DN không có QSHTT chắc chắn sẽ tàn tạ trừ khi chúng có thể lại thành công nhờ có được phát minh kỹ thuật và nhãn hiệu tốt. Chỉ có chiếm hữu khả năng công nghiệp là không đủ để tiếp tục tăng trưởng và có khả năng sinh lãi. Không có QSHTT độc quyền, một Cty phải sản xuất khối lượng lớn hàng hóa hoặc chế tạo cho người khác như là người đi làm thuê; hoặc là chỉ có được sự tăng trưởng chậm chạp và lợi nhuận thấp. Chỉ có quyền sở hữu một kỹ thuật tiên tiến hoặc một nhãn hiệu nổi tiếng mới có thể cứu Cty khỏi địa vị thấp kém. Tấm gương của người đàn ông giầu nhất thế giới hiện nay, Bill Gates, chứng minh sự thống trị của quyền sở hữu trí tuệ; lần đầu tiên trong lịch sử loài người, người giầu nhất thế giới chỉ có sở hữu tri thức.
Biết sử dụng lợi thế mà QSHTT mang lại
Thực trạng ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy hoạt động sở hữu trí tuệ của các DN chưa được chú trọng và còn yếu kém. Chỉ có bằng cách thay đổi tư duy nhận thức nhất là khi nước ta trở thành thành viên chính thức của WTO, biết tận dụng các lợi thế mà QSHTT có khả năng mang lại cho DN mới là con đường phát triển hiệu quả nhất và ngắn nhất cho phép Việt Nam hội nhập với nhịp sống chung của kinh tế khu vực, kinh tế thế giới, mở rộng xuất khẩu, được hưởng các quy chế tối huệ quốc, không bị phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại.