Hôm nay, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO, tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta hội nhập toàn diện với thế giới, chúng ta có một vị thế mới với bè bạn năm châu. Tại thời điểm này, có lẽ cũng là lúc nên nhìn lại giấc mơ lớn của dân tộc.
Giấc mơ của những thế hệ trước
Từ trong những ngày khó khăn nhất của buổi đầu lập quốc, Bác Hồ, người cha già dân tộc đã nuôi một giấc mơ: Non sông Việt Nam trở nên vẻ vang, dân tộc Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu.
Trước đó, giấc mơ lớn của dân tộc ta đã bao lần mở ra rồi khép lại. Giữa thế kỷ 19, nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ đã đề xuất chủ trương mở rộng ngoại giao, khuếch trương thương mại quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Triều đình phong kiến Tự Đức đã chọn con đường ngược lại: bế quan tỏa cảng. Và sự trả giá là chúng ta trở thành thuộc địa của thực dân.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Nhật Bản đang ở hoàn cảnh hỗn loạn và suy kiệt sau hơn 200 năm nội chiến liên miên giữa các lãnh chúa. Triều đình Minh Trị đã chọn một giải pháp: mở cửa giao thương và học hỏi kiến thức của nước ngoài.
Khoảng cách tạo ra bởi hai chính sách trái ngược của hai triều phong kiến, đến nay hàng thế kỷ sau vẫn chưa thể lấp được.
Từ điển Wilkipedia đã ghi nhận: ở châu Á chỉ có hai quốc gia tránh được sự xâm lược và thôn tính của phương Tây, đó chính là hai quốc gia đã chọn con đường mở cửa: Nhật Bản và Thái Lan.
Hành động của thế hệ ngày nay
Chưa có bao giờ giấc mơ đó trở lại gần như ngày hôm nay. Gia nhập vào WTO, thế hệ người Việt chúng ta đang thực hiện những gì mà ông cha hằng mong mỏi.
Trước tiên, đó là kết quả diệu kỳ của 20 năm đổi mới, của những vật lộn trăn trở, để đến nay kết tinh vào một quyết định lịch sử: chúng ta đã đủ lực để hội nhập hoàn toàn với thế giới. Và thế giới đã đón nhận vị thế của Việt Nam.
Đó cũng là kết quả của những thử thách mang lại tự tin cho người Việt chúng ta: Đã quyết đi là tới! Từ một nước thiếu ăn, đất đai chật hẹp, chúng ta đang đứng nhì thế giới về xuất khẩu gạo, về xuất khẩu cà phê, đứng nhất thế giới về xuất khẩu hạt tiêu… Về khoa học, văn hóa, nghệ thuật, những nhân tài Việt khi có dịp so tranh đã chứng minh: tư chất người Việt không thua kém bất cứ chủng tộc nào trên thế giới.
Đó cũng là thành quả của tiến bộ công nghệ. Thế hệ chúng ta không hẳn phải lên tàu đi xa. Công nghệ ngày nay đã cho chúng ta nhìn thấu suốt toàn cầu để thấy ai đang ở đâu, ta đang ở đâu, để có những quyết định đầy đủ thông tin nhất: đâu là con đường lựa chọn của chúng ta .
Đó cũng là kết quả của những đổi thay trong cấu trúc kinh tế toàn cầu. Những quốc gia như Hàn Quốc, Ireland, Phần Lan, rồi lần lượt đến Ấn Độ và Trung Quốc… đang tìm thấy con đường vượt lên chiếm lĩnh vị thế mới: Phải tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của sản xuất, dịch vụ và phân phối toàn cầu.
Lộ trình cất cánh
Nhưng xin đừng vội vàng ngộ nhận là chúng ta đã bay cao. Con đường trước mắt để dân tộc Việt cất cánh hóa rồng còn không ít chông gai.
Xuất phát điểm của chúng ta còn quá thấp. Trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta vẫn ở khoảng thứ hạng 160. Trong khu vực, tuy Việt Nam còn gần hai phần ba dân số sống bằng nông nghiệp, nhưng tài nguyên đất trên đầu người của chúng ta lại thấp nhất (ngoại trừ so sánh với hai thành phố Singapore và Hồng Kông). Khả năng cạnh tranh cũng thấp, trình độ công nghệ cũng còn ở phía sau hầu hết các nước. Và trong những gì chúng ta vẫn gọi là “cơ chế” cũng còn bao điều phải đổi.
Biểu tượng “Bay lên Việt Nam” |
Trong cuộc đua mới, cũng sẽ có những điều ta có thể gọi là chọn lọc hay hy sinh: những hạt giống mạnh khỏe sẽ trở thành đại thụ, những hạt giống yếu kém sẽ bị loại ra khỏi cuộc đua.
Nhưng phải chăng đó là những kích thích để chúng ta một lần nữa thể hiện quyết tâm: dân tộc này không thể cam chịu, dân tộc này nhất định phải bay lên.
Và con đường bay lên đã hiện rõ: hội nhập cùng thế giới, chơi chung luật chơi của thế giới, sánh vai cùng đua tranh với năm châu. Cũng bằng con đường này, bao dân tộc đã cất cánh từ những bước đi ban đầu. Có những quốc gia cách đây chục năm còn dán giày hay may áo, còn chép mã phần mềm, còn gõ nhập số liệu cho nước ngoài… đến nay đã làm chủ công nghệ, làm chủ thương hiệu, làm chủ tài chính, trở thành những con rồng vươn cánh bay cao.
Không có bất cứ lý do nào để điều đó không đến với chúng ta. Vào thời khắc trọng đại và linh thiêng của dân tộc hôm nay, niềm tin đó đến với mỗi người Việt càng mãnh liệt hơn bao giờ hết.