Bằng cấp không phải là tất cả

Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) ở nước ta đang nóng: Đến 2010, VN cần khoảng 80.000 kỹ sư phần mềm chuyên nghiệp. Trong khi đó, đào tạo vẫn có khoảng cách xa so với nhu cầu phát triển. Trong chuyến thăm VN để dự lễ khai giảng khóa lập trình viên chất lượng cao của Hanoi – Aptech, ông G.Ramesh – Giám đốc Aptech khu vực Châu Á – đã chia sẻ những kinh nghiệm về vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng, chỉ khoảng 20% số sinh viên ngành CNTT đào tạo từ các trường đại học ở VN có thể làm việc ngay sau khi ra trường. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

– Con số 20% là một con số thấp và cần được cải thiện. Nhu cầu đào tạo nhân lực ngành CNTT không chỉ nóng ở VN mà còn ở một số nước láng giềng như Singapore, Malaysia. Kinh nghiệm ở các nước này cho thấy, chương trình đào tạo cần phải phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường. Hiện nay, cơ sở vật chất và phương pháp giảng dạy tại VN chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chương trình giảng dạy chưa được cập nhật thường xuyên các phần mềm mới trên thế giới. Đó là lý do tại sao Aptech có mặt tại VN.

Được biết, Hanoi Aptech vừa khai giảng khóa lập trình viên chất lượng cao. Sự khác biệt giữa khóa chất lượng cao và các khóa học trước đây là gì?

– Mục tiêu của Aptech là đào tạo ra những lập trình viên giỏi, đáp ứng nhu cầu thực tế của công việc. Với khóa học này, sinh viên được nghiên cứu những phần mềm mới nhất, cơ sở vật chất tốt hơn.

VN đang hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng hiện tại mỗi hệ thống đào tạo có một tiêu chuẩn riêng. Theo ông, VN cần hướng đến tiêu chuẩn như thế nào?

– Mỗi một công ty lại có một chuẩn đánh giá riêng đã được thế giới công nhận, như Microsoft, Cisco, Aptech… Mỗi chương trình mới ra đời cần phải có bài thi mới, điều này tạo ra chuẩn đánh giá riêng. Vấn đề quan trọng là đào tạo phải dựa trên nhu cầu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Bằng cấp không quan trọng so với việc sinh viên sẽ làm việc ra sao.

Theo ông, có cần thiết phải đào tạo riêng những lập trình viên biết kinh doanh hay không?

– Không cần thiết phải phân tách việc đào tạo lập trình viên và khả năng kinh doanh. Kỹ năng về công nghệ là nền tảng để phát triển khả năng của lập trình viên. Công việc sẽ tự đánh giá được ai có khả năng và những người này cần phải học thêm các khóa học về kinh doanh để tự mình thương mại hóa sản phẩm.

Xin cảm ơn ông!

Ông Trương Xuân Nam, Giám đốc Hanoi-Aptech: “Các thành viên lớp Lập trình viên Chất lượng cao sẽ có 6 tháng thực hành trong môi trường làm việc thực tế theo một chương trình hợp tác giữa Hanoi-Aptech và các Doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp các lập trình viên tương lai có đủ sự tự tin khi kết thúc khóa học.”