Ballmer: "Phát triển phần mềm ở Việt Nam là hiện tượng"

Tổng giám đốc Microsoft đã diễn thuyết trước đông đảo cộng đồng phát triển phần mềm Việt Nam sáng 21/5 tại Hà Nội với phong thái khác hẳn sự ung dung của Chủ tịch Bill Gates trong chuyến thăm Việt Nam năm ngoái..

Trong khi diễn thuyết, tất cả các phần cơ thể của Ballmer
đều không ngừng chuyển động. Ảnh: Nguyễn Hà.

Đứng sau cánh gà để chờ được mời lên sân khấu, Ballmer đã không ngừng nhìn đồng hồ và tỏ vẻ sốt ruột. Chính vì thế, ngay khi nghe người dẫn chương trình đọc đến tên, vị lãnh đạo của Microsoft đã lập tức bước nhanh lên bục diễn thuyết, đi qua đi lại từ đầu này sang đầu bên kia sân khấu chào khán giả trước khi cất tiếng sang sảng: “Xin chào”.

“Trong tất cả những việc tôi phải làm trong ngày đầu tiên đến Việt Nam, điều khiến tôi cảm thấy thích thú nhất là được gặp gỡ các nhà phát triển phần mềm”, Ballmer tỏ ra hăng hái ngay từ đầu cuộc nói chuyện. “Chuyến đi này của tôi sẽ không phải là chuyến đi cuối cùng đến Việt Nam, nó mới chỉ là lần viếng thăm đầu tiên. Có một điều mà những người trong phái đoàn Microsoft lần này cảm thấy vinh dự được chia sẻ với các bạn, điều mà Bill Gates cũng đã nói với tôi trước chuyến đi: sự đam mê trong lĩnh vực phát triển phần mềm ở Việt Nam đang trở thành hiện tượng, một hiện tượng lớn hơn bất cứ quốc gia đang phát triển nào khác”.

Theo Tổng giám đốc Microsoft, đối với ngành công nghiệp phần mềm, có 3 yếu tố đặc biệt quan trọng: nền, công cụ phát triển và cuối cùng (nhưng không kém phần quan trọng) là server chứa đựng phần mềm đó. Trong 1-2 thập kỷ trước, người ta chỉ nghĩ đến chuyện viết phần mềm, chép vào đĩa CD, DVD và phát hành chúng ra ngoài thị trường, nhưng đến bây giờ, những công việc đó sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều nhờ Internet.

Để minh chứng cho lời khẳng định của mình, Ballmer đã lấy ví dụ về New York Times, một trong những tờ báo danh tiếng nhất nước Mỹ. Tờ báo này đã phát triển một website tận dụng tối đa các thành tựu mà Internet mang lại. Đó không chỉ là một website bình thường, mà là cả một ứng dụng đầy đủ nhất của công nghệ phát triển phần mềm. Ứng dụng đó đã làm cho việc đọc New York Times trên một máy PC không hề khác biệt so với việc lật giở các trang báo giấy.

Bàn về Vista, Ballmer khẳng định Microsoft đã bán hết hơn 40 triệu bản điều hành mới này. Phiên bản server mới (vẫn mang tên mã Longhorn) của Microsoft vừa qua đã không kịp hoàn tất để ra mắt cùng với Vista, nhưng chắc chắn sẽ được phát hành vào cuối năm nay. “Chúng ta đang bước vào một thế giới mới, trong đó, một máy chủ thông minh trên bầu trời Internet sẽ kết nối tất cả những chiếc PC thông minh, điện thoại thông minh, TV thông minh lại với nhau để tạo ra những giao diện và khả năng ứng dụng mới nhất cho người dùng”, nhân vật số hai của Microsoft say sưa “quảng cáo” cho dịch vụ trực tuyến mới của hãng này. “Chỉ cần một cú nhấp chuột, tất cả những gì bạn cần đều sẽ hiện ra trên một màn hình bất kỳ trước mắt”.

‘Không có quốc gia đang phát triển nào trên thế giới có được
niềm đam mê phát triển phần mềm như ở Việt Nam’. Ảnh: Nguyễn Hà.

Theo Ballmer, trước đây, khi muốn tạo ra một chương trình trên PC, Microsoft đã có nền Windows, khi viết các ứng dụng điện thoại, họ xây dựng Windows Mobile, đối với doanh nghiệp, họ cũng có trung tâm truy cấp dữ liệu mang tên Windows Server. Cũng theo cách đó, giờ đây Microsoft đang xây dựng Windows Live. Những người phát triển phần mềm sẽ không phải lo đến chuyện học và cần biết quá nhiều để xây dựng, quản lý một khối lượng cơ sở dữ liệu khổng lồ nữa: “Chúng tôi tạo ra các nền công nghệ cho phép các bạn sử dụng để viết ra phần mềm của mình mà không phải bắt đầu từ con số 0”.

Steve Ballmer cũng không quên gửi thông điệp đến các nhà phát triển phần mềm Việt Nam: “Chúng tôi đã thành công với Windows, thành công vì rất nhiều người ngồi trong phòng này – các nhà phát triển phần mềm – ủng hộ Windows. Nếu muốn thành công với Internet, chúng tôi cũng cần tạo ra được niềm tin tương tự. Chúng tôi cần sự hỗ trợ và những thành tựu phát triển của các bạn. Microsoft phát triển mạng lưới dịch vụ trực tuyến cho các bạn nhưng cũng chính là cho tương lai phát triển phần mềm của công ty”.

Kết thúc bài phát biểu, Ballmer hứa “sẽ cố gắng trả lời tất cả những câu hỏi thắc mắc của giới phát triển phần mềm Việt Nam ở địa chỉ steveb@microsoft.com” và nhanh chóng bước ra cửa, theo đúng phong thái vội vàng như khi ông bước vào.