8 xu hướng Công nghệ thông tin năm 2006

Diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 14 – 15.12, Hội nghị và Triển lãm quốc tế lần thứ 4 chuyên đề về công nghệ truyền thông & hệ thống mạng (COMNET VN 2005) là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực này chia sẻ những thông tin và nhận định mới nhất về hiện trạng và xu hướng phát triển. Xin giới thiệu với bạn đọc 8 xu hướng nổi bật theo nhận định của UNDP.


Ông Lars Heiberg Bestle – chuyên gia chương trình phát triển thông tin Châu Á – Thái Bình Dương của UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc), đánh giá VN có tốc độ Phát triển CNTT và viễn thông thuộc hàng nhanh và ổn định nhất trong khu vực. So với những nước có chung mức khởi điểm vào năm 1995, thì đến nay sau 10 năm VN đã đạt được những thành quả ở mức cao hơn hẳn, đồng thời tạo đà giữ vững tốc độ tăng trưởng mạnh trong tương lai. Ông Bestle đã tổng kết 8 xu hướng CNTT và truyền thông chính của thế giới, sẽ có khả năng tác động lớn đến quá trình phát triển và hội nhập của VN trong năm 2006 và sau đó:

1. Gia công (outsourcing). Thị trường gia công các sản phẩm và dịch vụ công nghệ ngày càng tăng trưởng mạnh, ước tính sẽ đạt giá trị toàn cầu 112 tỉ USD vào năm 2009. Đây là một cơ hội lớn cho các quốc gia đang phát triển có thể tham gia vào cỗ máy sản xuất phần cứng và phần mềm khổng lồ xuyên quốc gia, xuyên lục địa.

2. Dịch chuyển địa điểm (offshoring). Các doanh nghiệp ở những quốc gia phát triển ngày càng có xu hướng chuyển nhiều quy trình kinh doanh sang các nước đang phát triển. Đây từng là một trong những đòn bẩy mạnh mẽ cho Trung Quốc, Âận Độ và hiện nay đang mở ra tiềm năng lớn cho VN. Chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào và chi phí thấp nhất trong khu vực, nhưng thách thức lớn nhất phía trước vẫn là tình trạng thiếu hụt các chuyên gia công nghệ.

3. Nguồn mở (open sourcing). Đây là cơ hội lớn giúp các nước đang phát triển thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số. Việc sử dụng và phát triển phần mềm nguồn mở sẽ giúp nhiều người dân tiếp cận được với CNTT hơn; đồng thời đây cũng là một ngành kinh doanh giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý sự cân bằng tương quan với phần mềm “nguồn đóng”.

4. Tìm kiếm thông tin (information searching). Một trong những công nghệ quan trọng nhất đối với sự phát triển và phổ biến của Internet là công nghệ tìm kiếm thông tin. Tại VN, việc đẩy mạnh xây dựng cũng như sử dụng các công cụ tìm kiếm là hết sức quan trọng, đặc biệt là khi phải đương đầu với những rào cản về ngôn ngữ và kỹ năng, kiến thức sử dụng các công cụ này.

5. Huy động thông tin (information mobilization). Bên cạnh việc tìm kiếm thông tin, mặt khác vấn đề làm thế nào chuyển tải được thông tin đến với nhiều người hơn cũng hết sức quan trọng. Đặt ra mục tiêu này, chúng ta có thể phát triển rất nhiều công nghệ cần thiết và hữu ích cho xã hội, đồng thời mang lại lợi nhuận kinh doanh rất cao.

6. Sự hội tụ (convergence). Xu hướng tất yếu này đã xảy ra từ vài năm nay và sẽ còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn trong tương lai. Đó là sự hội tụ giữa các phương tiện truyền thông (e-mail, SMS, IM, điện thoại…); giữa các nội dung truyền thông (thoại, video, dữ liệu…); hoặc giữa các tính năng (điện thoại, nghe nhạc, chụp ảnh…)…

7. Nhà máy để bàn (desktop factories). Đây là một xu hướng được dự báo sẽ phổ biến rộng rãi không kém gì máy tính cá nhân hiện nay. Theo đó, trong tương lai các hộ gia đình sẽ có thể mua với giá rẻ những hệ thống sản xuất cá nhân (giống như một nhà máy thu nhỏ) bao gồm những công cụ phần cứng và phần mềm được liên kết với nhau. Người sử dụng sẽ chỉ phải làm những thao tác đơn giản để “chế tạo” và sản xuất ra những đồ dùng đáp ứng đúng sở thích và nhu cầu cá nhân của mình.

8. Truyền thông không dây (wireless communication). Không còn nghi ngờ gì nữa, khả năng di động giờ đây đồng nghĩa với tính hiệu quả. Những quốc gia đang phát triển có cơ hội lớn, đồng thời cũng là nhiệm vụ, với việc thiết lập những cơ sở hạ tầng CNTT và truyền thông thật linh hoạt, có tốc độ cao hơn, với chi phí ngày càng thấp hơn.


Tuấn Anh tổng hợp