2007: Sẽ có cơn bão đầu tư vào CNTT VN

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng CNTT – Truyền thông ASEM, Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông VN Đỗ Trung Tá đã có cuộc trao đổi nhanh với VietNamNet và báo giới về ngành BCVT hội nhập với quốc tế…

Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị Bộ trưởng CNTT-TT ASEM.

Xin Bộ trưởng cho biết sáng kiến của Việt Nam về việc hợp tác, ứng dụng, phát triển CNTT trong khuôn khổ hợp tác Á – Âu?

– Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: Trong hội nghị ASEM 5, Chính phủ Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức chương trình hội nghị Bộ trưởng CNTT thường niên và Việt Nam là nước đầu tiên tổ chức sự kiện này.

Tham gia ASEM có nhiều nước phát triển trong lĩnh vực CNTT – TT. Thông qua hội nghị, các quốc gia này có thể chia sẻ kinh nghiệm cho các nước đang phát triển. Việt Nam là nước có tốc độ phát triển CNTT nhanh, nhưng chúng ta cần phải thương mại hóa sản phẩm CNTT, và nguồn nhân lực cần phải nâng cao trình độ để bắt kịp được tốc độ phát triển này.

Bằng việc tham gia Hội nghị, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm từ các nước thành công để phát triển ngành CNTT VN. Chúng ta hết sức tận dụng các cuộc đối thoại giữa các Bộ trưởng và doanh nghiệp, nhằm mục đích đưa CNTT đến các khu vực nông thôn và vùng xa, vùng sâu nhằm khắc phục được khoảng cách thông tin trong nền kinh tế số.

Thưa Bộ trưởng, xin ông cho biết những kết quả hợp tác thông qua hội nghị?

– Trước khi diễn ra hội nghị, các doanh nghiệp nước ngoài đã đến VN tìm hiểu các công ty FPT, Vietsoft, VNPT… Có thể nói, sự hội tụ về viễn thông, công nghệ thông tin và truyền hình đang hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp đến để quan sát, theo dõi, tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Các Bộ trưởng đến hội nghị đều có các doanh nghiệp ICT đi theo. Thời gian tới, bằng nỗ lực của các DN, chúng ta không chỉ gia công cho các đối tác nước ngoài mà có thể tiến tới xây dựng một số lĩnh vực tự chủ trong CNTT.

Liệu Hội nghị Bộ trưởng CNTT-Truyền thông ASEM có trở thành thường niên không, thưa bộ trưởng?

– Đó là một trong những nội dung mà Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm đã đề xuất khi tiếp các Bộ trưởng ASEM, làm sao để hội nghị bộ trưởng CNTT được tổ chức song song với các hội nghị ASEM. Và trong phiên họp sắp tới đây, chúng tôi sẽ bàn kỹ hơn về việc này.

Chúng ta sắp kết thúc một năm đầy sôi động của thị trường CNTT-Viễn thông VN. Xin Bộ trưởng cho biết nhận định của ông về thị trường BCVT năm 2007?

– Chúng ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng ngành CNTT khá cao trong năm 2006. Tôi hy vọng năm sau, VN sẽ tiếp tục giữ được tốc độ này, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông. Các DN nước ngoài sẽ tăng cường hợp tác với VN hơn, tạo nên một ”cơn bão” mạnh hơn. Năm sau, chất lượng dịch vụ mới là trọng tâm chứ không phải số lượng thuê bao nữa. Vì thế, các DN trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh – chủ yếu dựa trên 2 mặt: chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng.

– Xin Bộ trưởng cho biết triển vọng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài sau khi Việt Nam gia nhập WTO?

– Hiện nay, nếu tính riêng đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực viễn thông vào khoảng là 1,8 tỷ USD, còn vốn viện trợ phát triển chính thức là 500 triệu USD. Nếu nói về sản xuất chíp phục vụ viễn thông và CNTT sau này thì Intel đầu tư trên 1 tỷ USD. Liên doanh Fujisu xuất khẩu hàng năm gần 1 tỷ USD…

Trước đây, các doanh nghiệp quan tâm đến khai thác thì bây giờ quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp CNTT – VT. Như vậy, động thái này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển CNTT Việt Nam. Khi gia nhập WTO, về lĩnh vực CNTT – TT, chúng ta có những cam kết tương đối mở nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp vào đầu tư tại Việt Nam.

Trước đây, lĩnh vực khai thác viễn thông chỉ cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được phép thực hiện các hợp đồng ở các liên doanh. Nghĩa là chỉ đóng góp vốn, chia lời và không có tư cách pháp nhân. Bây giờ, chúng ta đồng ý đổi mới hình thức hợp tác đầu tư, không chỉ cổ phần, hợp đồng hợp tác kinh doanh mà còn liên doanh với các doanh nghiệp có hạ tầng mạng với vốn góp dưới 49%.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ không có hạ tầng mạng thì Chính phủ phát động mọi thành phần kinh tế có thể tham gia. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài có thể liên doanh với các công ty Việt Nam được cấp phép cung cấp các dịch vụ đó từ 60% và theo lộ trình sẽ mở rộng không giới hạn vốn góp…Những hình thức hợp tác này chắc chắn sẽ mở rộng khả năng hợp tác quốc tế của các doanh nghiệp trong nước.

– Chính phủ có chính sách gì trong lĩnh vực CNTT –TT giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh để hội nhập quốc tế, thưa ông?

– Nếu thuần về CNTT thì các công ty Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ. Chúng ta đã xác định rõ nếu muốn ngành CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải đầu tư cho doanh nghiệp. Điều này không có nghĩa là chỉ đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ cũng đã phát động các thành phần kinh tế tham gia vào CNTT – TT, như vậy, sẽ có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia lĩnh vực này và được hưởng các cơ chế ưu đãi để cạnh tranh.

– Xin cám ơn Bộ trưởng!