Dù nhận xét của nhà đồng sáng lập Intel Gordon Moore về mật độ bóng bán dẫn trong chip máy tính đã trở thành chân lý hàng chục năm qua, những dự đoán khác lại không được đánh giá cao như thế. Chẳng hạn, Bill Gates từng mạnh miệng nói 640 KB là quá đủ cho mỗi người.
Đánh giá sự phát triển của công nghệ tương lai cũng khó như việc tiên đoán một đứa trẻ mới ra đời sẽ ra sao khi trưởng thành, như Giám đốc điều hành Apple, Steve Jobs, nói về web năm 1996: “Web đang tái hiện lại những ngày đầu của ngành công nghiệp máy tính. Không ai thực sự hiểu về nó, không ai là chuyên gia. Và các chuyên gia thì nhìn nhận sai vấn đề. Nhưng chính việc đó sẽ mở ra những điều kỳ diệu”.
1. iPod ngắc ngoải
Chuyên gia phân tích Alan Sugar, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Daily Telegraph (Mỹ) hồi tháng 2 năm ngoái, sử dụng những từ “kết thúc, biến mất, tàn lụi” để mô tả iPod vào Giáng sinh năm 2005. Thế nhưng, 40 triệu thiết bị nghe nhạc này vẫn được tiêu thụ hàng năm và Apple vẫn chiếm giữ 75% thị trường máy MP3. Thậm chí, “vầng hào quang” iPod còn vực dậy doanh số laptop cho Apple. Thị phần máy tính của họ đã nhân đôi lên thành 12% và công ty này hiện có giá trị 53 tỷ USD.
2. E-mail bị khai tử vì spam
Rất nhiều người, từ các chuyên gia đến người sử dụng, đã lo ngại rằng những kẻ chuyên phát tán thư rác sẽ bóp chết ứng dụng e-mail của web. Thời gian chưa đủ dài để rút ra kết luận cuối cùng, nhưng 84 tỷ e-mail được gửi đi mỗi ngày là chứng cứ rõ ràng rằng phương tiện liên lạc này vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Dù Đại học Cambridge ước tính 60% trong số đó là spam, nhiều thống kê mới đây cho thấy e-mail là hoạt động phổ biến nhất trên Internet.
3. Spam sẽ bị tiêu diệt
Các con số thống kê không trùng nhau nhưng đều khẳng định làn sóng spam vẫn dội ào ào vào thế giới web với khoảng 50 tỷ thư rác mỗi ngày. Các hệ thống lọc hiệu quả giúp người sử dụng ít gặp phiền toái hơn nhưng vấn đề này vẫn tồn tại hàng ngày. Microsoft quả quyết kế hoạch “dán tem cho e-mail”, tức thu một phần cước phí nhỏ cho mỗi e-mail được gửi đi, sẽ làm nhụt chí giới spammer nhưng điều đó vẫn chưa thể được thực hiện.
4. Đến PC cũng ra đi
Giám đốc điều hành Larry Ellison của Oracle có thể đúng khi nhận xét máy tính cá nhân là một “thiết bị nực cười” nhưng việc ông đầu tư một khoản tiền lớn để tìm kiếm sản phẩm thay thế cũng là một bước đi thiếu khôn ngoan. Công ty này đã giới thiệu “máy tính mạng” được cho là dễ sử dụng và rẻ hơn bất cứ hệ thống Wintel (Windows – Intel) nào vào năm 1997. Nhưng tại thời điểm đó, giá PC đã giảm đáng kể và mọi người cũng bắt đầu hiểu cách sử dụng chương trình của Microsoft. Có thể, thất bại của Ellison là do ông đã đi trước thời đại bởi người sử dụng ở cuối thế kỷ trước với kết nối dial-up và băng thông hẹp không thể chuyển các nội dung thực thi qua web được.
5. Lỗi Y2K
Giới công nghệ tưởng rằng phần mềm sẽ rối loạn khi đồng hồ máy tính chuyển sang năm 2000, bởi những nhà lập trình chỉ đưa 2 con số của năm vào trong các hệ thống tính toán liên quan đến ngày tháng. Khi đó, máy tính sẽ nhầm giữa năm 2000 và năm 1900, tạo nên “vấn nạn Y2K”. Nhà khoa học Edward Nash Yourdon và nhiều chuyên gia khác đã thổi bùng lên nỗi lo lắng trên toàn thế giới khi dự đoán nguồn điện hoạt động bất ổn, ngân hàng phải đóng trong khi còn các chuyến bay bị chệch hướng do hệ thống điều khiển nhận ra chúng… chưa từng được phát minh.
Các công ty đã tiêu tốn 300 tỷ USD để sửa lỗi, thế nhưng các sự cố lại diễn ra lèo tèo như một hệ thống hạt nhân ở Nhật bị trục trặc nhẹ, một website hiển thị sai ngày và một lò nướng được lập trình sẵn đã làm cháy chiếc bánh do lỗi phần mềm…
6. Máy tính chỉ nặng… 1,5 tấn
Thế giới đã trải qua một chặng đường dài kể từ năm 1949 khi tạp chí Popular Mechanics của Mỹ đưa ra dự báo nổi tiếng rằng: “Hệ thống ENIAC được trang bị 18.000 đèn chân không và nặng 30 tấn nhưng máy tính tương lai sẽ chỉ còn chứa 1.000 đèn và có trọng lượng 1,5 tấn”. Ngày nay, máy tính nano thậm chí nhỏ tới mức mắt thường khó có thể nhìn thấy được. Dễ hình dung hơn, chiếc Sony Vaio VGN-TX2XP chỉ có 1,24 kg.
7. Chính phủ điện tử
Năm 1999, thủ tướng Anh Tony Blair hứa hẹn 100% các giao dịch liên quan đến chính phủ sẽ được đưa lên mạng vào 2005. Đến nay, 97% dịch vụ đã được hoạt động online. Nhưng khi người sử dụng truy cập trang đăng ký cấp bằng lái xe, họ sẽ hiểu “online” nghĩa là 1 website cung cấp thông tin chứ không phải nơi xử lý các yêu cầu của công dân. Chỉ 13% website chính phủ ở Anh có khả năng thực hiện các công việc “xa xỉ” như thanh toán và tư vấn.
8. Microsoft cũng… thường thôi
Hãng IBM từng xem xét việc mua lại Microsoft khi họ sử dụng hệ điều hành MS DOS, nhưng họ không nhận thấy tiềm năng của một công ty tại thời điểm đó mới có 128 nhân viên với doanh thu 16 triệu USD. Còn trong năm tài chính này, kết thúc vào tháng 6/2006, Microsoft đã đạt doanh thu 44 tỷ USD và hiện có giá trị 248 tỷ USD.
9. Tiền điện tử
“Người sử dụng Internet cần hiểu rằng các hệ thống tiền điện tử sẽ tác động lớn đến đời sống của họ”, nhà sáng lập hãng DigiCash tuyên bố năm 1995 và cho rằng thế giới sẽ tràn ngập tiền kỹ thuật số. Dịch vụ thanh toán trực tuyến PayPal thậm chí còn hứa hẹn: “Nếu nợ ai đó 6,5 USD tiền bữa trưa, bạn có thể e-mail trả cho họ”. Nhưng, hứa thật nhiều mà… thất hứa cũng thật nhiều, viễn cảnh này vẫn còn rất xa.
10. Cần gì PC
Cách đây gần hai thập kỷ, Ken Olsen, nhà sáng lập công ty Digital, tuyên bố: “Chẳng có lý do gì để người sử dụng phải trang bị một máy tính cá nhân trong gia đình”. Điều đáng nói là tại thời điểm đó, công ty của Olsen là hãng sản xuất PC đứng thứ 2 ở Mỹ. Sau này, Olsen bào chữa rằng ông muốn nhắc đến “siêu máy tính cá nhân”. Cuối những năm 90, Digital được mua lại và chuyển thành Compaq.
Một số tuyên bố khác:
“Điện thoại có quá nhiều khiếm khuyết nên không thể được coi là một phương tiện liên lạc. Thiết bị này rõ ràng chẳng có giá trị gì với chúng ta”, dự báo của hãng Western Union năm 1876.
“Chúng tôi không cần anh. Anh còn chưa học hết đại học”, hãng Hewlett-Packard từ chối đơn xin việc của Steve Jobs, về sau trở thành nhà sáng lập hãng máy tính Apple Computers.