Xem phim lậu online – Rước họa vào thân

Săn bản đẹp các bộ phim bom tấn trên Internet và chơi game online vốn là những sở thích chiếm khá nhiều thời gian trong ngày của một bộ phận giới trẻ. Tuy nhiên, họ lại đang phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công dồn dập. Nhiều bạn trẻ đã bị tội phạm mạng lợi dụng mà không hề hay biết.

Hãng bảo mật BitDefender vừa đưa ra lời khuyên người sử dụng Internet nên cảnh giác cao độ với các dịch vụ chia sẻ file. Đây là môi trường ẩn chứa nhiều hiểm họa trực tuyến! Đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam, rất đông người dùng có thói quen chờ đợi các bản phim lậu trên mạng để download và thưởng thức thay vì bỏ tiền mua vé ngoài rạp.

Tài tử Keenu Reeves trong phim “Ma trận” phần 3 đã từng được tội phạm mạng dùng làm mồi nhử. Sự việc diễn ra năm 2003. Hacker gửi những lời mời chào đầy hấp dẫn để “dụ dỗ” người dùng download và thưởng thức các siêu phẩm điện ảnh của Keenu, nhưng kết cục chỉ dừng lại ở các website giả mạo với virus đông như kiến. 

Nhưng câu chuyện của năm 2010 đã khác. Sự chia sẻ phim quá dễ dàng của nhiều trang web đã khiến người dùng “tự nguyện” rước trojan về nhà. “Nhật thực”, “Knight and day” hay “Tiết khí sư cuối cùng”… – những cái tên đang làm mưa làm gió trên thị trường điện ảnh thế giới luôn được các fan săn tìm các phiên bản đẹp được chia sẻ trên mạng. Việc tìm kiếm bất hợp pháp này đã tạo cơ hội cho kẻ xấu tích hợp trojan Wimad trong các gói download phim này.

Trojan Wimad khai thác một tính năng được xây dựng trong các tập tin đa phương tiện. Tính năng này cho phép trình chiếu phim (player) tìm kiếm codec thích hợp khi chúng chưa được cài đặt. Tội phạm mạng sẽ lợi dụng để bán các phần mềm quảng cáo hoặc trình diệt virus giả mạo khi một người sử dụng không được bảo vệ chạy Windows Media Player.

Đây là hiểm họa đứng thứ sáu trong bảng xếp hạng phần mềm độc hại của BitDefender và chiếm 2,68% tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới. Công thức của thủ đoạn này khá đơn giản.

Hacker lấy một tập tin đa phương tiện bất hợp pháp, thay đổi nó, đóng gói lại với Wimad và đổi tên nó thành tên phim bom tấn. Bộ phim “ngọt ngào và man trá” này được tải lên nền tảng chia sẻ, được người dùng tải về rồi bung tỏa. Không chỉ thực hiện các hành vi phá hoại, trojan này còn tìm cách moi tiền người dùng bằng nhiều cách “khôn ngoan” và có vẻ hợp lý khác nhau.

Nhân chuyện này, có thể nhớ lại cảnh dở khóc dở cười về virus “phimnguoilon” lây lan ở Việt Nam cách đây 2 năm thông qua con đường USB. Những ai tò mò muốn tải “phim người lớn” về máy hay copy từ bạn bè sang là “dính virus” liền.

Worm “Made in Việt Nam” này giả dạng thư mục lây qua USB, từ USB vào máy tính tự động sinh ra rất nhiều file .exe nhưng lại có biểu tượng của folder. Người dùng rất dễ bị nhiễm chúng trong phút bất cẩn, hoặc thậm chí nhiễm mà không hề hay biết. Virus theo đó cũng lây lan rộng ra máy tính người dùng.

Dẫu chỉ là một virus nội với mục đích trêu chọc nhiều hơn phá hoại, cách diệt cũng không phiền toái như các loại virus khác, chỉ cần sử dụng một chương trình chống virus đã cập nhật virus là loại bỏ được, nhưng các ví dụ này cũng cho thấy: phim ảnh mang lại rất nhiều niềm vui tinh thần, nhưng ngược lại, nếu không phải một người sử dụng thông minh, thì điện ảnh cũng có thể mang lại cho bạn cả những phiền toái và bực bội.

Cũng trong tuần vừa qua, BitDefender còn phát hiện những nguy cơ mới được hướng vào game thủ. Trojan.KillAV.RS được viết ra với mục tiêu đánh cắp thông tin đăng nhập của game thủ cùng ảnh chụp màn hình của máy tính để bàn của hệ thống bị nhiễm, Internet Explorer, Windows Picture hoặc Fax Viewer.

Là một quốc gia phát triển nóng về game online, công ty nghiên cứu thị trường Pearl Research đã công bố dự báo của họ rằng số lượng game thủ trực tuyến tại Việt Nam sẽ tăng vượt con số 10 triệu vào năm 2011.

Giải trí trực tuyến dưới nhiều hình thức đang mở ra những con đường thuận lợi cho giới trẻ Việt Nam tiếp cận với thế giới, nhưng cũng là cơ hội cho chính những kẻ xấu trên mạng Internet chạm “móng vuốt” tới những bạn trẻ tò mò và kém hiểu biết.

(Theo VnMedia)