Lỗi khởi động của máy tính Mac

 
Mac – những chiếc máy tính được cho là có nhiều tính năng ưu việt và độ ổn định thuộc hạng nhất cũng không nằm ngoài quy luật chung của máy móc với những trục trặc khó tránh khỏi.

Lỗi khởi động của máy tính Mac

Mac – những chiếc máy tính được cho là có nhiều tính năng ưu việt và độ ổn định thuộc hạng nhất cũng không nằm ngoài quy luật chung của máy móc với những trục trặc khó tránh khỏi. Trong đó, những rắc rối với việc máy không thể khởi động luôn đe dọa người dùng. Nếu một ngày đẹp trời, bạn ấn công tắc nguồn và không hề nhìn thấy màn hình Desktop quen thuộc của OS X thì sẽ phải làm sao?

Thực tế, những nguyên nhân dẫn tới việc Mac không thể khởi động hoàn toàn có thể nhận diện thông qua việc theo dõi quy trình khởi động của máy. Mặc dù lỗi có thể do bộ nguồn, pin, ổ cứng, bo mạch, hệ điều hành hoặc đơn giản chỉ là vấn đề quyền quản trị nhưng để “chẩn bệnh” đúng, bạn sẽ phải thử qua từng bước dưới đây một cách cẩn trọng.

Máy có bật lên được hay không?

Nếu máy Mac của bạn hoàn toàn không phản ứng gì khi nhấn nút công tắc nguồn thì có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Với máy bàn, lỗi có thể nằm ở bộ nguồn hoặc bo mạch chủ bị hỏng hóc hay “đơn giản” nhất có thể là cầu chỉ tổng bị cháy. Trong khi đó, với MTXT, bạn có thể đang phải đối mặt với pin đã hỏng hẳn hoặc bộ sạc nguồn AC bị lỗi. Nếu trước đó bạn nghe tiếng động lạ phát ra từ cục sạc, có thể một tụ điện nào đó đã “tiêu”. Bạn hãy thử mượn/mua một bộ sạc mới để kiểm tra điều này. 

Ngoài ra, MTXT Mac luôn có hệ thống điện “phụ” từ pin. Nếu pin này bị hỏng hoặc lỗi cũng sẽ khiến Macbook của bạn không khởi động được; thậm chí pin cũng “ép” máy cứ chạy sau khi hệ thống đã bị lỗi và không thể khởi động lại được. Dĩ nhiên với những máy tính xách tay có pin tháo rời thông thường hoặc dòng Mac cũ, việc tháo pin để ngắt hẳn nguồn điện là rất đơn giản. Tuy nhiên với Mac mới (có pin tích hợp), điều này yêu cầu phải có trình độ kĩ thuật nhất định. Nếu bạn may mắn, việc giữ phím công tắc nguồn 5 giây cũng có thể giúp tắt máy hẳn. Ngoài pin chính, máy Mac cũng có một pin phụ nhằm nuôi PRAM (NV-RAM) để bảo toàn các thông số như thiết lập mạng, ổ cứng khởi động, thời gian… Nếu đồng hồ và lịch của máy bị quay ngược mỗi lần bạn cắt nguồn AC ngoài đã đến lúc thay pin. Điều đáng nói là pin này nếu bị hỏng hoặc hết cũng có thể khiến quy trình khởi động của máy Mac gặp nhiều trục trặc bất thường. Nếu thực sự pin PRAM bị hết, bạn hãy thử cắm máy vào ổ AC trong khoảng 1 tiếng đồng hồ rồi bật lại xem sao.

Mac của bạn có âm thanh lạ hay không?

Việc lắng nghe chiếc máy tính của bạn trong khi đang khởi động có thể khá khó khăn – đặc biệt là khi máy tính ngày càng êm ái như hiện nay. Tuy nhiên, chính điều này sẽ giúp bạn dễ dàng nhận diện trục trặc. Mỗi chiếc máy tính thường có một chuỗi âm thanh nhất định khi khởi động. Với Mac, đó thường là do ổ cứng và ổ quang kêu tạch nhẹ khi khởi động (kèm theo tiếng quay). Nếu máy tính của bạn chỉ có tiếng quạt chạy mà không còn âm thanh gì khác, rất có thể bo mạch chủ đã bị hỏng. Một trường hợp khác cũng rất thường gặp là máy Mac của bạn vẫn bật lên bình thường nhưng ổ cứng sẽ kêu cạch cạch hoặc rít lớn kèm các âm thanh lạ (phân biệt với tiếng ổ quang). Đây là dấu hiện rõ ràng cho việc ổ cứng đã/đang chuẩn bị hỏng. Một số bạn có thể cố gắng bật/tắt máy nhiều lần để khởi động nhằm khắc phục trục trặc nhưng mẹo này không nên áp dụng với máy tính có ổ cứng đang “tưng tửng” – đặc biệt là khi bạn đang có ý định cứu dữ liệu trong đó. 

Cuối cùng, nếu bạn có cảm giác như đang ngồi cạnh một chiếc máy bay phản lực mỗi khi bật máy lên, điều này có thể do quạt đang bị trục trặc hoặc “may mắn” nhất là các kênh thông khí bị tắc do đóng bụi bẩn lâu ngày. Cả hai trường hợp này đều có thể khắc phục dễ dàng, thậm chí bạn có thể tự tháo máy để vệ sinh. Hầu hết các dòng máy Mac, đặc biệt là Macbook mới đều có thiết kế cho phép tháo lắp.

Âm thanh động đặc trưng và tín hiệu đèn 

Âm thanh khởi động đặc trưng của dòng máy Mac không đơn thuần chỉ là vấn đề thương hiệu mà còn là tín hiệu cho bạn biết máy đã vượt qua thành công giai đoạn kiểm tra phần cứng. Tuy nhiên nếu thay vào đó, bạn chỉ nghe thấy tiếng bip cảnh báo (đơn hoặc chuỗi), ánh sáng nhấp nháy từ màn hình hoặc các đèn tín hiệu thì có thể phần cứng đang có trục trặc và cần đến các chuyên gia phần cứng để định vị. Nó có thể do bo mạch chủ, RAM, bộ nguồn, hệ thống đồ họa… 

Nếu lỗi nằm ở bộ nhớ RAM, một loạt các tín hiệu ánh sáng sẽ nhấp nháy khi bật máy tính. Với RAM lỗi, bạn sẽ dễ dàng kiểm tra bằng cách tháo phần đáy máy Mac và rút thử từng thanh RAM cũng như thay thử thanh khác vào để xác định “thủ phạm”. Lưu ý rằng nếu dùng Mac Pro hoặc PowerMac G5, bạn có thể sẽ phải tháo/lắp RAM theo từng cặp. Để chắc chắn về điều này, bạn hãy đọc thêm tài liệu hướng dẫn đi kèm máy. 

Trong trường hợp phần cứng hoàn toàn bình thường, bạn sẽ thấy màn hình màu xám với biểu tượng “táo” xuất hiện. Khi này, máy Mac đang tìm kiếm ổ cứng khởi động để bàn giao công việc lại cho các phần mềm. 

Với máy tính Mac, bạn có thể chủ động thay thế ổ cứng, RAM hoặc thậm chí là quạt làm mát chỉ với việc tháo vài ốc vít. Tuy nhiên, nếu muốn can thiệp sâu vào phần cứng như bo mạch chủ, hệ thống đồ họa, vi xử lý… hãy viện tới sự trợ giúp của các trung tâm bảo hành, dịch vụ kĩ thuật của Apple để tránh “mở rộng” trục trặc. Riêng với các thủ thuật “mềm”, bạn có thể tự tin cài đặt và chỉnh sửa theo ý muốn (nhớ sao lưu dữ liệu nếu có thể). Một mẹo nhỏ là bạn có thể tháo ổ cứng trong máy Mac và cắm vào máy khác (qua USB hoặc trực tiếp SATA) để lấy dữ liệu ra. 

Chấm hỏi hoặc X nháy liên tục 

Nếu bạn rơi vào tình huống màn hình xám khởi động liên tục hiện dấu X hoặc hình tròn xoay báo chờ có nghĩa là ổ cứng không được nhận diện. “Nhẹ nhàng” nhất là việc ổ cứng bị lỗi phần khởi động và có thể do bạn đang cắm ổ lắp ngoài nào đó khiến máy Mac bị nhầm lẫn trong việc chọn ổ khởi động. Hãy thử tháo các ổ lắp ngoài đang cắm để kiểm tra lại. Nếu vẫn không được, bạn buộc phải thử cài lại OS X và theo dõi kĩ vì rất có thể ổ cứng của bạn đã “hi sinh”.

Bản thân trên Mac OS X cũng có các công cụ kiểm tra ổ cứng tương tự như Windows – điển hình như Disk Warrior

(http://www.alsoft.com/DiskWarrior/index.html) rất hữu hiệu trong việc khắc phục trục trặc khởi động liên quan tới đĩa cứng của máy. Bạn cũng có thể dùng chính tiện ích Disk Utility của Apple hoặc các phần mêm chuyên dụng hơn như TechTool Pro

(http://www.micromat.com/index.php?option=com_content&task=view&id=202&Itemid=107) hay Drive Genius tại:

http://www.prosofteng.com/products/drive_genius.php (tham khảo phần khởi động từ ổ quang/ổ cứng ngoài để kiểm tra ổ cứng trong ở phần dưới). Nếu đĩa cứng vượt qua được các phép thử này nhưng vẫn không khởi động được, bạn hãy cài lại Mac OS X (lưu ý chọn chế độ Archive & Install).

Biểu tượng Apple xuất hiện nhưng vòng xoay không ngừng 

Khi biểu tượng xoay tròn xuất hiện, máy của bạn đang nạp lõi kernel BSD (Darwin) và kèm theo đó là các trình điều khiển cũng như lệnh khởi động thiết lập sẵn. Nếu Mac bị treo ở giai đoạn này, hệ điều hành của bạn có thể đã bị hỏng. Tuy nhiên, nếu có thiết bị ngoại vi đang cắm vào máy, bạn hãy thử rút chúng ra và khởi động lại bởi việc treo như thế này cũng có thể do OS X không tương tác với các thiết bị ngoại vi.

Màn hình xanh hoặc Desktop trống 

Sau khi hệ điều hành OS X đã nạp xong và cửa sổ đăng nhập xuất hiện, bạn có thể thở phào rằng quá trình khởi động đã hoàn tất. Tuy nhiên nếu máy bị treo ở màn hình xanh (trước khi cửa sổ đăng nhập xuất hiện) thì có thể là dấu hiệu tài khoản sử dụng của bạn bị lỗi, phông chữ có sai lệch hoặc đơn giản là tập tin thông số thiết lập .plist nào đó có vấn đề. 

Đối với tình huống này, bạn có thể thử tạo thêm một tài khoản quản trị để kiểm tra thử (dùng đĩa khởi động ngoài). Bạn cũng có thể thử khởi động Safe Boot để bỏ qua việc nạp các phông chữ hay các phần mềm chạy kèm khi máy khởi động – giúp hạn chế các tác nhân gây lỗi. Nếu nghi ngờ một ứng dụng nào đó khiến quá trình khởi động trục trặc, bạn có thể gỡ bỏ chúng bằng cách mở System Preferences > Accounts > Login Items. 

Safe Boot của OS X sẽ vô hiệu hóa toàn bộ các phần mềm chạy kèm khởi động, chỉ nạp các lõi (kernel) cần thiết, vô hiệu hóa phông chữ của các phần mềm cài trong máy, xóa bộ đệm phông chữ, kiểm tra các thư mục, xóa bộ đệm nạp dữ liệu (thường gây lỗi sau các tác vụ cập nhật hệ thống), vô hiệu hóa cơ chế đồ họa Quartz Extreme.

Báo lỗi Kernel Panic 

So với màn hình xanh chết chóc BSOD của Windows, Mac OS X có cách thông báo “dễ chịu” hơn với màn hình biến thành màu xám kèm thông điệp “You need to restart your computer” ở nhiều ngôn ngữ khác nhau, cũng đáng sợ không kém gì BSOD của Windows và trở thành đề tài bàn tán khôi hài trong nhiều năm qua. Nguyên nhân của lỗi Kernel Panic rất khó xác định và có thể xảy ra gần như bất cứ lúc nào từ lúc đang khởi động cho tới suốt quá trình sử dụng máy Mac của bạn. Tuy nhiên nếu trong quá trình khởi động mà Kernel Panic xuất hiện, hệ điều hành của bạn có thể đã bị hỏng hoặc một số kernel mở rộng đã bị trục trặc (có thể do bạn cài đặt tiện ích tối ưu hóa nào đó). Để xác nhận điều này, bạn hãy thử khởi động theo chế độ Safe Boot (gần tương tự Safe Mode của Windows) bằng cách giữ Shift khi máy được bật lên. Ngoài ra, bạn cũng nên tháo toàn bộ các thiết bị ngoại vi thử xem sao.

Khởi động từ ổ cứng ngoài để khắc phục lỗi

Nếu máy Mac có ổ quang, bạn có thể sử dụng đĩa kèm theo máy để tiến hành sửa lỗi. Khi Mac khởi động, bạn giữ phím Alt/Options và chọn ổ quang tương ứng. Khi bộ cài nạp xong, bạn có thể chạy Disk Utility để kiểm tra, phân chia lại đĩa cứng hoặc tiến hành cài lại Mac OS X. Điều thú vị là các dòng Mac Intel mới hiện tại có thể khởi động và cài đặt hệ điều hành từ ổ USB với bộ cài OS X có sẵn. Nếu có thời gian, bạn nên tạo sẵn ổ dạng này để tiện sử dụng và cất giữ. Tốc độ cài đặt từ USB cũng thường nhanh hơn từ ổ quang – đặc biệt là đối với các dòng ổ USB Flash có tốc độ cao.
 

Bạn cũng có thể tạo ra các bản sao chụp của đĩa cứng Mac để duy trì trạng thái vận hành của máy. Điều này không những cho phép kiểm tra, sửa lỗi hoặc chép dữ liệu ra ngoài mà còn giúp bạn tiếp tục làm việc khi có trục trặc đĩa cứng. Mời bạn tiếp tục theo dõi cách thực hiện điều này trong… kì sau. Chúc bạn thành công !

M.N (Theo PC World)