I. Đặt vấn đề
Tạo ra blog rất dễ, tuy nhiên để duy trì nó thì là cả một bài toán khó? Công thức, nguyên lý nào giúp một blogger có thể duy trì blog của mình một cách lâu dài, bền vững?
Tại sao sau một thời gian viết blog tôi cảm thấy chán nản, muốn bỏ cuộc?
Tại sao tôi phải duy trì blog trong khi chơi facebook vui hơn?
Tần suất viết bài của tôi rất thấp, phải làm sao để duy trì lượng độc giả thường xuyên cho blog?
Tại sao tôi không thể giữ phong độ(traffic, rank, cập nhật nội dung, thu nhập) cho blog một cách liên tục?
Tôi sẽ phải chọn blog hay công việc đây?
Tôi mới thay đổi nghề nghiệp, định hướng công việc mới! Tôi có nên tiếp tục duy trì đam mê viết blog về những chủ đề cũ mà tôi đã ngừng theo đuổi?
Tôi đang phải dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, chẳng còn thời gian viết blog thường xuyên, nên để hoang hay xóa hẳn?
II. Giải quyết vấn đề
Thực ra thì những vấn đề kể trên hầu hết các blogger đều gặp phải, mỗi người có một cách xử lý khác nhau tuy nhiên phần lớn là sẽ nói lời chia tay với nghiệp việt blog sau một khoảng thời gian gắn bó không quá 5 năm.
Vòng đời của con người thay đổi sẽ ảnh hưởng tới mọi vấn đề trong đó bao gồm luôn cả sở thích, đam mê viết blog. VD: khi bạn 20 tuổi, nhiệt huyết tràn trề, không vướng bận chuyện gia đình nên việc dành nhiều thời gian cho việc viết blog chẳng ảnh hưởng gì nhiều, tuy nhiên khi bạn bước sang tuổi 30 thì mọi thứ hoàn toàn thay đổi, công việc ngập đầu, gia đình, con cái, sự nghiệp… bạn sẽ phải bỏ bớt những thói quen không cần thiết để dành nhiều thời gian hơn cho những công việc chính yếu vì rằng bạn cũng chỉ có 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Thời gian là vấn đề nan giải! Do vậy để tiếp tục duy trì đam mê viết blog thì bạn cần tìm ra giải pháp để cân bằng thời gian và những vấn đề khác liên quan tới cuộc sống. Dưới đây là một vài kinh nghiệm của GPS trong việc duy trì viết blog dựa trên những nguyên lý cân bằng:
1. Giảm tần suất viết bài, tăng tần suất chia sẻ: Cân bằng về thời gian
Nếu trước kia bạn viết 3 bài mỗi tuần thì bây giờ bạn chỉ có thể viết 2 bài mỗi tháng, do đó để duy trì traffic, độc giả thì bạn cần tăng tần suất chia sẻ bài viết lên các kênh social media vì dù sao việc click vào nút share cũng đỡ tốn thời gian hơn việc ngồi vắt óc viết những nội dung mới. Làm mới và chia sẻ những bài viết cũ cũng là một cách hay!
2. Kêu gọi cộng tác viên: Cân bằng về nguồn lực
Đến một lúc nào đó thì bạn cũng nhận ra rằng bạn sẽ không đủ sức để chiến đấu đơn độc mãi mãi! Mở rộng mô hình Guest blog để thu hút cộng tác viên viết bài cho blog của mình. Điều này khá khó bởi vì blog của bạn phải có đủ uy tín, danh tiếng thì mới thu hút được CTV.
3. Phát triển thêm chủ đề mới cho blog dựa trên thay đổi công việc, môi trường sống: Cân bằng về nội dung
Cuộc sống của bạn sẽ thay đổi, công việc sẽ thay đổi, trải nghiệm cũng thay đổi do vậy Blog của bạn cũng cần phải thay đổi sao cho phù hợp với hiện trạng của bạn. Điều này là bắt buộc bởi bạn không thể nào đang làm Marketing mà phải ngồi nghiên cứu, viết blog về sở thích Design vốn là nghề chính của bạn ngày trước được. Bạn sẽ không đủ sức và kiên nhẫn nghiên cứu cùng một lúc nhiều mảng đề tài khác nhau trong khi nó chẳng liên quan trực tiếp đến cuộc sống của bạn hiện tại. Cách đơn giản là tạo thêm một danh mục mới trên blog dành riêng cho công việc mới, trải nghiệm mới mà bạn đang phải đối mặt, đó sẽ là cái nguồn giúp bạn sản sinh thêm những nội dung mới một cách tự nhiên, thoải mái nhất.
VD: Trước đây GPS rất thích nghiên cứu về Design, wordpress tuy nhiên hiện nay thì đang chuyển hướng sang Social Media, Community Development để sát với công việc hiện tại. Nói gì thì nói, blog là cái ghi lại những trải nghiệm thực tế của bạn, nói có sách, mách có chứng thì cộng đồng người ta mới tin tưởng được chứ!
4. Kiếm tiền từ blog: Cân bằng về tài chính
Blog của bạn mà có khả năng kiếm ra tiền (chí ít là để nuôi sống bản thân nó: tên miền, hosting) thì hãy cố mà duy trì bởi vì chính điều này sẽ giúp nó tồn tại lâu hơn. Việc đặt một banner hay một vài textlinks cũng chẳng ảnh hưởng gì tới danh tiếng của blog cả. Kiếm tiền chân chính từ blog là một việc đáng tự hào!
5. Đừng xóa bỏ blog: Cân bằng về trách nhiệm
Số phận bi đát nhất của một blogger đó là việc phải từ bỏ đứa con tinh thần mà mình đẻ ra, đã có nhiều cuộc sinh ly tử biệt trong im lặng hoặc những câu chuyện “bán con” gây ồn ào dư luận. Tuy nhiên, lời khuyên của GPS là dù có khó khăn thế nào đi nữa thì cũng đừng hủy blog của mình, hãy nâng cấp hoặc chuyển nó sang chế độ “ngủ đông” hoặc giao nó cho người khác quản lý và phát triển. Biết đâu trong tương lai bạn sẽ cần đến nó!
III. Kết luận
Bạn phải thường xuyên áp dụng những nguyên lý cân bằng để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong suốt quá trình vận hành blog, có như vậy bạn mới có thể duy trì và phát triển blog một cách lâu dài, bền vững.
Chúc bạn thành công!
Dương Linh
( Theo GiaiPhapSo )