Khi dự án Glass của Google lần đầu hé lộ, thế giới công nghệ ngay lập tức chia làm hai thái cực. Một bên thực sự hào hứng khi lần đầu tiên sản phẩm công nghệ bắt đầu đưa con người ta vào thế giới của tương lai với những viễn cảnh dường như chỉ xuất hiện trong phim giả tưởng. Nửa còn lại khá bi quan khi cho rằng Google đang muốn “dán” các nội dung quảng cáo lên khắp nơi trên thế giới thông qua mắt người dùng.
Google Glass – có thú vị?
Project Glass là thử nghiệm đầu tiên của Google nhằm đưa các sản phẩm máy tính “mặc trên người được” trở nên phổ biến hơn. Về mặt thiết kế, Project Glass là một cặp kính với màn hình sát mắt tích hợp và pin nằm bên trong khung. Dĩ nhiên, các loại thiết bị máy tính đeo sẵn trên người không phải món mới, nhưng việc chúng lần đầu tiên có một đại gia rủng rỉnh túi như Google hậu thuẫn cùng bối cảnh sự phát triển chung của công nghệ kết nối đang mạnh như hiện tại, Project Glass hoàn toàn có tiềm năng trở thành sản phẩm thực tế đạt được thành công đầu tiên và hiện diện trên thị trường với số lượng lớn. Ở một góc độ nào đó, Glass giống như một chiếc điện thoại thông minh nhưng thay vì có màn hình nhỏ gọn vài inch, nó sẽ “tích hợp” trực tiếp vào tầm nhìn của bạn như trong các bộ phim viễn tưởng. Trong giai đoạn tiếp theo, Glass có thể sẽ được cải tiến về mặt thiết kế để tích hợp được cả vào các loại kính mà người dùng đang sử dụng hoặc cho phép lắp các loại mắt kính theo nhu cầu để thuận lợi hơn về nhiều mặt (y tế, chức năng…).
Bản thân Google hiện cũng đang thử nghiệm nhiều thiết kế của Glass cho phép thiết bị này tương thích với các loại kính đeo thông dụng dành cho người có vấn đề về mắt. Nhờ vậy, nếu bạn cận hoặc viễn, bạn sẽ không phải đeo cồng kềnh nhiều lớp kính khác nhau. |
Theo lịch trình của Google, sản phẩm Glass được hướng tới ra mắt cộng đồng trong năm 2014 là sớm nhất. Tuy nhiên ngay vào thời điểm bạn đọc bài viết này, những sản phẩm thử nghiệm sẵn sàng cho môi trường tiêu dùng đã và đang hiện diện. Bản thân Google cũng thành lập chương trình Glass Explorer cho phép các nhà phát triển và người dùng trải nghiệm Google Glass với giá đặt hàng trước vào khoảng 1.500 USD. Hãng ấn định hai thời điểm cho phép đăng kí vào chương trình là ngày 20/2/2013 và 27/2/2013. Những người quan tâm có thể đăng một mẩu tin khoảng 50 chữ lên Google+ với phần tiêu đề #ifihadglass. Sau đó, những ai được chọn sẽ phải tham gia một sự kiện của Google Glass tại New York, Los Angeles hoặc San Francisco để có thể tận tay nhận được thiết bị.
Theo thông tin từ các hồ sơ chứng nhận sản phẩm mà Google gửi lên cơ quan chức năng Mỹ, Glass có tích hợp sẵn Wi-Fi và Bluetooth nhằm phục vụ việc truyền dữ liệu (phiên bản mới nhất trong chương trình Explorer đã hiện thực hóa điều này). Kết nối 3G/4G sẽ có thể được chia sẻ từ điện thoại (hỗ trợ cả iPhone và Android) sang thay vì tích hợp sẵn. Đây có vẻ là lựa chọn hợp lý vào thời điểm trước mắt bởi nếu có cả phần cứng cho SIM và chip xử lý viễn thông kèm an-ten, Glass sẽ nặng nề và cồng kềnh hơn đáng kể trong khi thời lượng dùng pin (vốn đã khá khiêm tốn do thiết kế nhỏ gọn hiện tại) sẽ thậm chí không còn đủ khả thi cho việc sử dụng hàng ngày. Một chi tiết thú vị là Glass có hệ thống loa hiện đại cho phép gửi xung rung tới hộp sọ và tai trong của con người. Đây không phải là công nghệ mới nhưng là lần đầu tiên nó hiện diện trong các sản phẩm tiêu dùng kiểu như vậy. Glass cũng có máy quay số với khả năng quay phim 720p. Những thử nghiệm ban đầu cho thấy trong quá trình quay, một nguồn sáng sẽ được phát ra nhưng cao hơn so với mắt người dùng nên không hề gây ảnh hưởng tới tầm nhìn. Dĩ nhiên, Glass cũng sẽ được trang bị chip GPS cho phép xác định vị trí– điều cực kì quan trọng để các dịch vụ địa điểm có thể vận hành chính xác (như Check-in trong Google+ chẳng hạn?). Cuối cùng, như một điều hiển nhiên, chắc chắn Google Glass sẽ sử dụng hệ điều hành Android, nhưng có thể phiên bản này sẽ được cải tiến đi để phù hợp với những đặc trưng của phần cứng. Google cho biết kính sẽ có trọng lượng nhẹ (theo thông số tới thời điểm hiện tại, Glass đã nhẹ hơn so với mặt bằng chung các loại kính mát), kết cấu vật liệu dẻo, mắt kính mát tùy chọn đi kèm và trước mắt là năm màu lựa chọn bao gồm xám, trắng, đen, da cam, xanh lam (dành cho người dùng lọt vào chương trình Explorer).
Google Glass có thể làm được gì cho bạn?
Điểm đặc biệt của Google Glass so với các loại kính thông thường là một màn hình nhỏ xíu đặt ở góc phía trên tầm nhìn. Nhờ thế, người dùng có thể chỉ liếc mắt là xem được các thông tin cần thiết. Nó cũng có trang bị máy quay tích hợp, Mic, GPS và nhiều tính năng cơ bản khác.
Tương tác giữa người dùng và kính chủ yếu được thực hiện qua mệnh lệnh giọng nói. Bạn có thể nói “OK Glass” để nhận được một số lựa chọn cơ bản như ra lệnh chụp ảnh (Take A Picture), quay phim (Record A Video), gửi tin nhắn
(Say…) với lựa chọn về ngôn ngữ, hoặc đơn giản là tìm kiếm thông tin qua Google Search hay xem dự báo thời tiết, dẫn đường… Trong đó, một số tính năng được Google tối ưu hóa riêng cho Glass có thể sẽ thực sự hấp dẫn, ví dụ như Hang Out của Google+ không chỉ cho phép bạn nói chuyện với bạn bè qua webcam tích hợp mà còn có thể trực tiếp cho họ thấy bạn đang nhìn thấy gì trước mắt, cũng như gửi thông tin về địa điểm tức thời qua Google Maps để họ có thể tìm tới chỗ của bạn. Dĩ nhiên, mọi thông tin này sẽ được hiển thị trong tầm nhìn của bạn như một dạng HUD (Head up display) theo kiểu của các trò chơi điện tử bắn súng. Thú vị hơn, nếu đã được ghi nhận trước, Glass có thể nhận diện bạn bè của bạn từ đám đông thông qua thông tin GPS và nhiều thứ khác (một số cập nhật mới cho thấy Glass có thể nhận diện qua cả gu thời trang như quần áo trang sức, túi xách hay một số đặc điểm riêng trên cơ thể). Dĩ nhiên, các dịch vụ hiện tại của Google như Maps hay Now đã khiến Glass trở thành tiện ích thú vị. Tuy nhiên khi chương trình Explorer hoàn tất và món đồ chơi công nghệ mới này thực sự xâm nhập vào thị trường tiêu dùng, các nhà phát triển ứng dụng chắc chắn sẽ “thiên biến vạn hóa” tạo ra vô vàn các tính năng mới hấp dẫn.
Theo thời báo New Yorks, một số nguồn tin nội bộ của Google cho biết các cặp kính sẽ được bán ra thị trường với giá “ngang tầm điện thoại thông minh hiện tại” – tức là vào khoảng 700 USD. Đây là mức giá khá cao, cỡ những dòng điện thoại cao cấp như iPhone 5, HTC One hay Galaxy S. Tuy nhiên, việc Google ấn định giá như vậy cũng là hợp lý bởi vào giai đoạn đầu, Google Glass sẽ giống với một món tiện ích công nghệ cao cấp dành cho những dân chơi đam mê hơn là sản phẩm đại trà cho số đông người dùng.
Vẫn còn đó nhiều vấn đề phức tạp
Dĩ nhiên, cộng đồng người dùng không thể không e ngại những rắc rối có thể xảy ra một khi họ quá gắn bó với cặp kính của Google. Bản thân công ty này thường được biết tới với việc kiếm tiền từ các dịch vụ quảng cáo. Chính vì thế, không ít người cho rằng Google Glass sẽ có thể “đeo dính” các mẩu quảng cáo vào mắt bạn mọi nơi mọi lúc. Như thế, bất kể bạn nhìn vào thứ gì, một mẩu tin quảng cáo có liên quan sẽ hiện ra trong tầm nhìn. Điều này đặc biệt khó chịu khi các mẩu tin cứ bung ra trước mắt bạn – gấp nhiều lần so với việc chúng hiện diện trong trình duyệt trên màn hình máy tính. Thực tế, trên You Tube đã xuất hiện nhiều mẩu phim châm biến về vấn đề này như ADmented Reality. Dù vậy, vào lúc này, Google vẫn đang tuyên bố họ chưa có kế hoạch gì về việc “nhúng” các đoạn quảng cáo vào Glass.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc đeo kính với thông tin cập nhật liên tục sẽ khiến người dùng mất tập trung trong đời sống thực. Nói cách khác, bạn sẽ gặp nhiều nguy hiểm khi đi bộ sang đường hay lái xe nếu cứ dính liền với cặp kính Google Glass. Ở một góc độ nào đó, trừ khi Google biến xe tự lái của mình thành thứ thông dụng cho mọi người, nếu không việc đeo kính của họ có thể khiến tai nạn giao thông tăng đột biến. Thêm vào đó, những lo ngại về sự ảnh hưởng của Google Glass tới thị lực cũng như cuộc sống hàng ngày là điều không thể bỏ qua. Chuyện gì sẽ xảy ra khi người thân của bạn suốt ngày kè kè trên mặt cặp kính và lơ là mọi chuyện khác trong cuộc sống? Đó là còn chưa kể tới việc riêng tư cá nhân có thể bị ảnh hưởng bởi các cặp kính này có thể ghi nhận tất cả những gì bạn nhìn và làm. Nó cũng hoàn toàn có thể gửi thông tin này ra bên ngoài – chí ít là về Google – cho phép các dịch vụ thông tin có thể tương tác được theo vị trí và thứ mà người dùng nhìn thấy. Cộng tất cả những rắc rối “sạch” này với những thứ “bẩn” khác như virus, hacker, mã độc…., Google cần một câu trả lời rõ ràng về những mặt trái của Glass dành cho người dùng. Dĩ nhiên, họ vẫn còn nhiều thời gian để giải quyết vấn đề.
Dương Linh
( Theo pcworld.com.vn )