Liệu bạn có thể biết rằng đâu là nơi đáng sợ và nguy hiểm nhất trên Internet? Có thể bạn sẽ không ngờ đến, đôi khi nơi an toàn nhất lại là nơi nguy hiểm nhất. Trong bài viết sau, Quản Trị Mạng sẽ phân loại ra các khu vực dựa vào nhu cầu chủ yếu và thói quen truy cập của phần lớn người sử dụng, dựa vào đánh giá và kinh nghiệm của các chuyên gia bảo mật hàng đầu hiện nay.
Nói một cách trừu tượng, những bức ảnh của Jessica Alba cũng có thể là kẻ gây ra tội ác trên máy tính, những câu trả lời từ Google có thể giúp bạn giải đáp hầu hết các thắc mắc nhưng sẽ khiến nhiều người phải đau đầu. Những đoạn video clip để giải trí, thư giãn sẽ giúp bạn giải tỏa tâm lý nhưng cũng có thể gây ra sự mất ổn định trong hệ thống… tất cả đều có thể dẫn đến 1 hậu quả không thể lường trước.
Khi bước chân vào thế giới Internet, chắc chắn nhiều người đã tự trang bị cho mình các biện pháp phòng bị tốt nhất để tự bảo vệ bản thân, nhưng họ vẫn có thể rơi vào các cạm bẫy tinh vi của tin tặc bao gồm: những loại mã độc, nạn phishing, virus, spyware, malware… Vậy dựa vào đâu, những dấu hiệu nào để phân biệt nơi nào là an toàn hay không an toàn? Và thực tế, trên Internet, không phải tất cả các mối nguy hiểm đều đến từ các website. Tại sao lại như vậy? Rốt cuộc là như thế nào? Trong phần trình bày sau đây, chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm và phân loại các mức nguy hiểm theo mức độ an toàn hoặc nguy hiểm:
– Cấp độ 1: an toàn tuyệt đối
– Cấp độ 2: khá an toàn
– Cấp độ 3: cảm thấy nguy hiểm
– Cấp độ 4: rất nguy hiểm
– Cấp độ 5: đặc biệt nguy hiểm
1. Các file Flash có chứa mã độc có thể lây nhiễm vào máy tính của người sử dụng
Được xếp vào hàng cấp độ 3, chúng có ở khắp mọi nơi, ở hầu hết các website có sử dụng Flash (hầu hết tất cả các website hiện nay đều có Flash), và do vậy những website này dễ dàng trở thành mục tiêu của tin tặc. Nhưng mối nguy hiểm mà có thể rất ít người biết đến là khả năng kết hợp với cookies của Flash. Các cookies này là những mẩu dữ liệu rất nhỏ mà kẻ tạo ra chúng dùng để thu thập mọi thông tin liên quan khi người dùng tương tác với file Flash trên website. Và cũng giống như cookies thông thường, Flash cookies có thể theo dấu vết những website mà bạn ghé thăm. Khi tiến hành xóa bỏ toàn bộ cookies của trình duyệt, Flash cookies không hề mất đi mà vẫn còn tồn tại.
Để khắc phục, các bạn nên cập nhật đến các phiên bản Flash Player mới nhất của Adobe hoặc thiết lập thuộc tính của Flash Plug-in khi yêu cầu người dùng download bất kỳ Flash cookies nào.
2. Việc rút gọn các đường link sẽ dẫn đến các địa chỉ độc hại
Có thể dễ dàng nhận ra từ Twitter, những mối nguy hiểm bắt đầu từ đây được xếp hạng thứ 4 – rất nguy hiểm. Tin tặc đã bắt đầu “ưa thích” Twitter vì quá phụ thuộc vào việc rút ngắn các URL – thu gọn các đường dẫn “loằng ngoằng” từ hàng chục đến hàng trăm ký tự về 1 dạng đơn giản, dễ nhìn hơn với người sử dụng. Và cũng rất đơn giản để tin tặc dễ dàng chèn vào đây những đường dẫn giả mạo, từ đó dẫn người dùng đến với các chương trình Trojan ngụy trang khác.
Cách khắc phục đơn giản, nếu bắt buộc phải sử dụng, các bạn không nên trực tiếp click chuột vào những đường dẫn đó, thay vào người dùng có thể áp dụng các chương trình Twitter client như TweetDeck hoặc Tweetie dành cho Mac với chức năng kiểm tra đường URL thực sự trước khi người sử dụng quyết định mở đường dẫn đó hay không.
Chỉ sử dụng dịch vụ của các địa chỉ uy tín như Bit.ly với các bộ lọc ngăn chặn mã độc hoặc TinyURL – khá an toàn và phổ biến.
3. Các thông tin quảng cáo hoặc file đính kèm trong email cá nhân
Tiếp theo, chúng ta không thể không nhắc đến những mối nguy hiểm luôn rình rập ngay bên trong hòm thư email của mỗi người. Có thể xếp vào hàng thứ 3 – nguy hiểm, do tính chất phức tạp và thay đổi không ngừng của tội phạm mạng. Khi nghe qua, nhiều người sử dụng sẽ tặc lưỡi hoặc lắc đầu: chuyện nhỏ, chẳng có gì mới cả. Nhưng tại sao số người bị lừa đảo qua hình thức này vẫn tăng lên theo từng ngày? Do cách thức ngụy trang và sự phát triển của công nghệ quảng cáo, nhiều bức thư chào hàng được gửi đến chúng ta hàng ngày và dĩ nhiên, bạn đã quá quen với chúng. Cho tới khi 1 bức thư giống hệt như vậy (nhưng là tác phẩm của tin tặc) được gửi đến, bạn sẽ chẳng hề ngần ngại gì mà không click vào và xem. Chỉ khi để ý kỹ, bạn mới thấy được những điểm khác biệt nhất định (dễ nhận thấy nhất là địa chỉ của người gửi). Điển hình, chúng thường xuyên bắt chước các form mẫu của các hãng nổi tiếng, như Amazon, eBay, Paypal …
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, bạn chỉ nên mở những bức thư từ người thân, bạn bè, các tài khoản đã biết rõ. Với các email lạ, không nên mở hoặc click trực tiếp vào đường dẫn, file đính kèm trong đó, mà hãy truy cập thẳng vào website gốc.
4. Mã độc được “nhúng” trong các file video, ca nhạc hoặc phần mềm tải về
Quá phổ biến và thông dụng, mô hình mạng chia sẻ ngang hàng – torrent là nơi cung cấp vô vàn các tài nguyên công nghệ thông tin quý giá, và cũng là nơi phát tán các loại mã độc nguy hiểm nhất. Không phải vô lý mà chúng tôi xếp hạng mục này vào mức cao nhất – đặc biệt nguy hiểm. Ben Edelman – chuyên gia bảo mật, đã tiến hành 1 cuộc khảo sát và nghiên cứu nho nhỏ tại trường đại học kinh doanh Harvard, với kết quả là họ thường xuyên sử dụng website cung cấp torrent vì chúng hoàn toàn miễn phí (bằng cách so sánh đơn giản, rất nhiều trang web khiêu dâm dựa vào độ “bảo mật” khi người truy cập nghĩ rằng đây là nơi rất an toàn – thực tế thì hoàn toàn ngược lại), hơn nữa họ không hề xây dựng 1 mô hình phòng bị bảo mật nào cho hệ thống mạng: Các khách hàng sử dụng dịch vụ torrent, họ thực sự không muốn trả phí, so với lợi ích mà chúng mang lại – ông còn cho biết thêm.
Khi sử dụng torrent, các bạn cần chú ý tới số lượng seed và peer. Và để chắc chắn hơn nữa, hãy tránh xa các website cung cấp torrent này, hạn chế sử dụng các chương trình cr@ck, keygen, patch… nhưng nếu bắt buộc phải sử dụng, các bạn nên tiến hành trên hệ thống PC sao lưu để phòng tránh rủi ro cho hệ thống chính, chịu khó đọc và tham khảo các comment – bình luận của cộng đồng chia sẻ với từng file tương ứng, sử dụng các chương trình bảo mật uy tín, luôn cập nhật đầy đủ.
5. Mã độc luôn trong các bức hình “khiêu gợi”
Nơi cung cấp và phát tán hình thức này là những trang web khiêu dâm đã được hợp pháp hóa. Những website này từ trước đến nay vẫn có tiếng là không an toàn, nhưng sao lượng truy cập và số thành viên đăng ký vẫn cứ đông và tăng theo từng giờ ? Roger Thompson – trưởng nhóm nghiên cứu bảo mật từ AVG cho biết: “Không hề nghi ngờ gì khi bạn truy cập vào những trang web nguy hiểm mà không bị làm sao. Khi điều này trở thành thói quen, việc bạn bị tấn công và lây nhiễm chỉ còn là khoảng thời gian đếm ngược ngắn ngủi. Thật không may, nếu bạn tránh xa khỏi những website khiêu dâm thì cũng không thực sự an toàn, vì các trang web không mang nội dung đồi trụy cũng đang bị tấn công từng ngày, và bên cạnh đó, chúng sẽ được sử dụng làm “mồi” để thu hút các nạn nhân khác.”
Như đã đề cập đến ở trên, có rất nhiều trang web khiêu dâm hoạt động bình thường, như 1 ngành kinh doanh không thể thiếu … để thu hút và giữ chân lượng khách hàng khổng lồ. Thực tế cũng nói lên rằng, rất khó để có thể buộc tội các website khiêu dâm có nguồn gốc từ những nơi cung cấp và phát tán mã độc, chúng sử dụng các địa chỉ này để làm mồi thu hút lượng người truy cập.
Khi truy cập vào những website như vậy, người dùng cần thật cẩn thận với các file video tải về máy, hoặc các bộ giải mã codec video (sẽ được đề cập bên dưới) … hoặc sử dụng các công cụ hỗ trợ như LinkScanner của AVG và SiteAdvisor của McAfee sẽ dễ dàng phát hiện được đường dẫn, website chứa mã độc.
6. Các loại mã độc, Trojan ngụy trang dưới hình thức bộ giải mã – codec video
Loại hình này chủ yếu lây lan và bùng phát tại các website cho phép người dùng tải video trực tiếp hoặc qua mô hình chia sẻ ngang hàng. Được xếp vào mức thứ 4 – rất nguy hiểm, khi bạn xem 1 bộ phim hoặc đoạn video clip trực tuyến, website sẽ yêu cầu bạn cài đặt thêm 1 bộ giải mã – codec bất kỳ để có thể xem được. Và hầu hết các bộ giải mã này là an toàn (ví dụ như DivX), nhưng khi xem tại 1 số trang web ít tên tuổi, không phổ biến, đường dẫn đó sẽ tự động chuyển tới 1 nơi khác, và tại đây, bạn sẽ nhận được yêu cầu tải 1 loại codec riêng biệt – thực chất là mã độc.
Lựa chọn an toàn và tốt nhất dành cho bạn là chỉ nên xem video hoặc clip trên YouTube, Vimeo… và nếu muốn xem những chương mới nhất của các chương trình TV, hãy tham khảo và sử dụng dịch vụ của Hulu, TV.com, ABC.com, với iTunes để phục vụ cho mô hình mạng chia sẻ peer-to-peer.
7. Chức năng Geolocation: smartphone và các thiết bị khác có thể biết chính xác bạn đang ở đâu
Nếu muốn sử dụng chức năng tìm kiếm này, chắc chắn người dùng phải có thiết bị hỗ trợ – điển hình là smartphone. Tính năng này khá an toàn, nhưng chúng ta không thể không đề phòng đến những trường hợp xấu nhất có thể. Thị trường smartphone có thể nói vẫn chưa thực sự ổn định, và mối quan tâm ở đây là việc người dùng sử dụng hoặc lạm dụng chức năng này. Nhiều nhà phát triển cung cấp rất nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau cho dịch vụ này, song song với đó là không ít dịch vụ giả mạo. Ví dụ như 1 trò chơi được liệt kê trong danh sách của Android Market lại lạ 1 phần mềm gián điệp núp bóng dưới game Snake.
Gần đây nhất, Apple đã tiến hành cập nhật các chính sách bảo mật của mình để thay đổi cách thức quản lý dữ liệu trong iOS 4. Và bây giờ chính sách này sẽ có nội dung như sau: để cung cấp các dịch vụ dựa trên việc xác định vị trí của các sản phẩm Apple, chúng tôi và các đối tác sẽ tiến hành thu thập, sử dụng và chia sẻ những dữ liệu định vị chính xác nhất.
Khi sử dụng dịch vụ này, người sử dụng cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản và sự chắc chắn cần thiết. Ví dụ như hình trên, khi bạn sử dụng dịch vụ Yelp – mang lại kết quả khác chính xác trong phạm vi nước Mỹ. Mặt khác, người sử dụng cũng nên cân nhắc đến các chính sách có liên quan đến quyền riêng tư được cung cấp bởi FourSquare hoặc Facebook Places.
8. Kết quả trả lời từ các Search Engine khác nhau có thể đi kèm với mã độc
Đây là 1 trong những thị phần được tin tặc để mắt đến nhiều nhất, các chuyên gia bảo mật đã xếp hạng nguy cơ này với mức rất nguy hiểm. Khi tiến hành tìm kiếm với những từ khóa mong muốn, người sử dụng thường xuyên click vào những câu hỏi trả về đầu tiên. Ví dụ gần đây nhất, các chuyên gia bảo mật của McAfee đã tiến hành phân tích và nghiên cứu với kết quả 19% câu trả lời của cụm từ khóa "Cameron Diaz and screensavers" có chứa đường dẫn liên quan đến mã độc.
Do vậy, không nên quá tin tưởng vào kết quả từ các Search Engine, ngay cả với Google, Yahoo hoặc các SE khác, kiểm tra kỹ các URL với AVG LinkScanner Free Edition 2011, Norton Safe Web, SiteAdvisor của McAfee…
9. Các tài liệu định dạng PDF có chứa mã độc
Chắc hẳn điều này cũng không quá xa lạ với cộng đồng người sử dụng, vấn đề này đã được đề cập đến rất nhiều trong thời gian gần đây khi tin tặc đã phát hiện và khai thác thành công các lỗ hổng an ninh trong file định dạng PDF, khéo léo chèn thêm các chương trình độc hại và lây nhiễm vào máy tính của người sử dụng. Chúng thường xuyên có trên các website đã hoặc đang bị tấn công, có thể ở ngay trong hòm thư email của bạn dưới dạng thư quảng cáo, thư rác. Microsoft đã quan tâm hơn rất nhiều đến những lỗ hổng an ninh “thường xuyên” phát hiện được trong Windows, và gần đây nhất tin tặc đã nhòm ngó đến ứng dụng Adobe Acrobat hoặc Adobe Reader dành cho Windows. Về bản chất, Adobe Reader sẽ hiển thị thông báo rằng bạn có muốn thực thi các file đính kèm trong văn bản PDF hay không, nhưng tin tặc đã khéo léo khai thác, chỉnh sửa lại những thông báo này để khiến người sử dụng tin rằng đó là những file hệ thống an toàn, và đương nhiên sau đó, họ sẽ vô tình kích hoạt chúng.
Theo phân tích báo cáo của hãng bảo mật Symantec trong năm 2009, các cuộc tấn công bằng phương pháp này chiếm tới 49% tổng số vụ lây nhiễm bằng Website.
Để phòng tránh mối nguy hiểm này, bạn có thể sử dụng các chương trình đọc và xử lý PDF khác nhau như Foxit Reader và luôn cập nhật đến phiên bản mới nhất. Quá trình này sẽ bảo vệ bạn khỏi các lỗ hổng trong Adobe Reader nhưng khó có thể đảm bảo rằng sẽ tránh khỏi các cách thức lây nhiễm qua PDF sau này. 1 cách thức khác là không mở file đính kèm trong PDF qua Preferences > Trust Manager, bỏ dấu check khỏi ô Allow opening of non-PDF file attachments with external applications.
10. Các file video có chứa mã độc để khai thác lỗ hổng trong phần mềm hỗ trợ để lây nhiễm vào máy tính
Tin tặc sử dụng cách thức khá giống với quá trình lây nhiễm qua PDF nhưng ít gặp hơn, chúng chủ yếu được phát tán qua những website mà người sử dụng thường xuyên download video. Được xếp vào mức nguy hiểm, “nạn nhân” gần đây nhất là ứng dụng QuickTime Player của Apple được tin tặc sử dụng để tấn công vào hệ thống máy tính của người sử dụng. Cách đề phòng tốt nhất là người dùng thường xuyên cập nhật các tin tức bảo mật liên quan đến ứng dụng bạn đang sử dụng và áp dụng phiên bản mới nhất, hạn chế download và xem video tại những địa chỉ ít tên tuổi, sử dụng các chương trình bảo mật đầy đủ.
11. Các yêu cầu download Drive-by mỗi khi người dùng truy cập vào 1 trang web bất kỳ
Được “đặc cách” xếp vào mức đặc biệt nguy hiểm, mỗi khi người dùng truy cập vào 1 trang bất kỳ nào đã bị hack trước đó, quá trình drive-by download sẽ tự động kích hoạt mà họ không hề hay biết. Và vì lý do người sử dụng không thể phân biệt được đâu là trang web an toàn, các chuyên gia bảo mật vẫn thường xuyên khuyến cáo mọi người dùng các ứng dụng bảo mật, đặc biệt là phiên bản Internet Security với các tính năng nhận diện nâng cao như Kaspersky Internet Security 2010, Avira Antivir Premium 2010, Panda Global Protection 2010, Norton Internet Security 2010 hoặc Panda Internet Security 2010.
12. Những chương trình bảo mật giả mạo đánh cắp dữ liệu cá nhân
Có thể nói đây là 1 trong những cách thức đơn giản, dễ nhận biết và cũng nhiều người mắc phải nhất. Chúng được xếp vào mức vô cùng nguy hiểm, với giao diện và tính năng quảng cáo không hề thua kém các chương trình bảo mật “xịn”, người sử dụng rất dễ rơi vào bẫy của hacker. Khi đã lây nhiễm và cài đặt thành công vào máy tính của nạn nhân, chương trình sẽ không ngừng hiển thị các thông báo về tình trạng hiện thời của hệ thống, rằng họ bị nhiễm rất nhiều loại virus, trojan, malware, spyware, rootkit… Nếu muốn diệt bỏ tận gốc những “hiểm họa” giả mạo này, người dùng phải bỏ tiền ra mua bản quyền sử dụng của chúng – tất nhiên là không hề có thực.
Khi phát hiện có bất cứ dấu hiệu đáng ngờ nào trong hệ thống, ví dụ như cần cài đặt thêm ứng dụng bảo mật trong khi máy tính của bạn đã có sẵn, hãy ngừng sử dụng Internet, khởi động và đăng nhập vào chế độ Safe Mode, quét toàn bộ ổ đĩa và hệ điều hành để phát hiện virus đang ẩn nấp đâu đó. Chỉ nên sử dụng các chương trình của các hãng bảo mật uy tín như Kaspersky, BitDefender, Panda, Avira… cập nhật đầy đủ, và nếu có điều kiện các bạn nên mua bản quyền sử dụng của những chương trình này.
13. Các quảng cáo gian lận trên những website lừa đảo
Chúng có ở khắp mọi nơi, trên hầu hết tất cả các website thương mại, vì đó là nơi tập trung lưu lượng quảng cáo lớn nhất. Hình thức lừa đảo nào khá nguy hiểm, nhưng chỉ kích thích được những người dùng tò mò, hoặc những người kiếm tiền trên mạng. Ngoài ra, tin tặc còn khai thác được lỗ hổng trên các website uy tín, điển hình là năm vừa rồi với trang tin New York Times, và trong đầu năm nay là vụ việc có liên quan đến Google Ads.
Eric Howes – giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển các dịch vụ bảo mật của hãng phần mềm GFI cho biết: “Tin tặc đã ngày càng trở nên tinh vi và xảo quyệt hơn trong công đoạn khai thác các lỗ hổng bảo mật trực tuyến, dịch vụ kinh doanh và quảng cáo tràn lan hiện nay. Phần lớn người dùng khó có thể phân biệt được những mối hiểm họa thường trực này, và đương nhiên họ trở thành “mồi ngon” cho chúng”.
Cách đề phòng duy nhất là các bạn không nên click vào tất cả các bảng tin quảng cáo trên website khi chưa biết rõ nguồn gốc của chúng. Đối với những website lớn và có uy tín, họ có hẳn 1 bộ phận chuyên phụ trách về vấn đề an ninh, bảo mật với từng chuyên mục riêng biệt.
14. Các ứng dụng tràn làn trên Facebook
Nguồn cung cấp đương nhiên là mạng xã hội Facebook, các mối hiểm họa đến từ đây được xếp vào mức nguy hiểm. Vấn đề bảo mật của Facebook luôn tồn tại từ trước đến nay, với những ứng dụng cho Facebook, người sử dụng không hề biết tác giả thực sự của chúng, họ làm gì với dữ liệu đã thu thập được…
Hãy cẩn thận lựa chọn với các thiết lập ứng dụng trên Facebook, ví dụ tùy chỉnh Privacy Settings > Applications and Websites > Edit your settings và thay đổi cho phù hợp.
15. Những website được tạo ra với mục đích spam
Các bạn có thể thường xuyên thấy những thông tin quảng cáo hấp dẫn có dạng như: Get a free iPad! Get a free notebook! A free iPod! It's easy!… tại các trang bán đồ điện tử, gia dụng … Những trang web này thực chất lại không quá nguy hiểm như vẻ bên ngoài. Các thông tin có thể bị khai thác ở đây chỉ bao gồm email, địa chỉ khai báo và số điện thoại liên lạc.
Khi truy cập vào những website như thế này, hãy đọc kỹ các chính sách và thỏa thuận của nhà cung cấp với người dùng. Mặc dù họ luôn nói rằng sẽ không tiết lộ thông tin cá nhân của người dùng cho các hãng thứ 3 khác, nhưng không có gì đảm bảo họ sẽ không làm như vậy.
16. Nạn Phishing mới – phiên bản 2.0
Chúng chủ yếu lây lan và bùng phát dựa vào mô hình và quy mô phát triển của các mạng xã hội phổ biến hiện nay. Không thể nói là an toàn, nhưng cũng khó có thể nói là quá nguy hiểm nếu người dùng được trang bị những kiến thức an ninh cơ bản. Ví dụ, những ứng dụng trên Facebook và dịch vụ rút gọn URL hiện đang được ứng dụng và phổ biến rộng rãi. Và tin tặc không thể bỏ qua “miền đất” màu mỡ này với nhiều thủ đoạn tinh vi và phức tạp. Chúng tạo ra những tài khoản khác nhau, với nhiều tiêu đề quảng cáo hấp dẫn, nhiều phần thưởng có giá trị cao, người sử dụng sẽ có cơ hội nhận quà miễn phí… tất cả chỉ để nhắm vào thông tin cá nhân của họ.
Eric Howes – giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển ứng dụng bảo mật của hãng phần mềm Sunbelt cho biết: Người dùng đang phải đối mặt với 1 trong những nguy cơ bùng phát mạnh nhất là nạn các loại mã độc, adware, trojan và spyware đang lây lan, phát tán rộng rãi qua các mạng xã hội ưu thích như Facebook hoặc Twitter. Họ liên tục nhận được các tin nhắn quảng cáo, các đoạn video clip hấp dẫn, hoặc các công cụ – widget để hỗ trợ các hoạt động trên Facebook… và phần lớn trong số đó đều chứa mã độc hoặc các phần mềm quảng cáo khác.
Phương pháp phòng chống, không nên tuyệt đối tin tưởng các đường dẫn trên Facebook, thậm chí nếu nó được gửi đến từ 1 người bạn. Kiểm tra kỹ các tài khoản, các thông tin cá nhân và liên quan khác. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ trên hệ thống, hãy lập tức thay đổi các thông tin bảo mật như tài khoản, mật khẩu đăng nhập.
17. Mô hình Oversharing – để lộ quá nhiều thông tin cá nhân trên mục profile của mạng xã hội
Tất nhiên, mạng xã hội chính là nơi môi trường thuận lợi nhất để bùng phát hiểm họa này. Đã bao nhiêu lần người sử dụng từng thấy bạn bè trên Facebook hoặc Twitter công khai tiết lộ thông tin cá nhân quá mức cần thiết ?
Roger Thompson – chuyên gia bảo mật của hãng AVG cho biết rằng: Mối nguy hiểm này thường trực trên các mạng diễn đàn, mạng xã hội phổ biến hiện nay mà rất ít người để ý đến. Người sử dụng – chủ yếu là lứa tuổi teen, thường xuyên để lại tất cả các thông tin cá nhân thực của họ, mà không hề để ý rằng đang có bao nhiêu người khác đang xem và có thể sẽ sử dụng thông tin này vào mục đích khác. Ông còn cho biết thêm rằng: Mô hình Oversharing này có thể dẫn tới sự vi phạm nghiêm trọng trong vấn đề chính sách bảo mật và các điều khoản sử dụng.
Trông có vẻ phức tạp, nhưng hoàn toàn tránh được nếu người dùng cẩn thận hơn 1 chút. Chỉ cần để ý đến những gì bạn có ý định đăng tải, chia sẻ và có nên tiết lộ thông tin thực sự hay không. Với hơn 500 triệu người sư dụng Facebook hiện tại, bạn sẽ làm cách nào để giữ kín thông tin cá nhân và thực sự an toàn?
(Theo Quantrimang)