Mỗi khi quét máy tính bằng phần mềm diệt virus, hẳn bạn sẽ lo lắng nếu hệ thống báo cáo những phần mềm độc hại được phát hiện. Điều này vẫn còn may mắn nếu so sánh với nỗi kinh hoàng mà những virus dưới đây từng gây ra.
Hãy cùng điểm qua 10 loại virus tệ hại nhất mọi thời đại theo trang Realitypod bầu chọn:
1. Melissa
Năm 1999, thiên tài máy tính David L. Smith sáng tạo loại virus dựa trên marco của Microsoft Word có tên Melissa. Sau đó, tác giả phải ngồi tù 20 tháng và đóng khoản tiền phạt khổng lồ bởi hậu quả to lớn.
Melissa lây nhiễm qua Microsoft Outlook, xâm nhập email dưới dạng tập tin đính kèm. Khi người khác mở file, họ liền bị nhiễm virus vào máy. Trong giai đoạn hoàng kim của mình, Melissa khiến rất nhiều phòng ban thuộc Chính phủ Mỹ điêu đứng, ước chừng thiệt hại lên tới vài trăm triệu USD.
2. ILOVEYOU
Một năm sau Melissa, thế giới tiếp tục đối mặt với nỗi bức xúc mang tên ILOVEYOU. Cụm từ đầy cuốn hút khiến nhiều khách hàng phải trả giá cho tính tò mò của mình. Với khả năng lây nhiễm qua IRC chat và email, cùng những tính năng thay đổi, lẩn trốn và tấn công hệ thống hữu hiệu, ILOVEYOU trở thành cơn ác mộng không hồi kết. Được biết, virus xuất phát từ Philippines và gây tổn thất hàng tỷ USD.
3. Klez
Xuất hiện năm 2001, Klez đánh dấu một chương mới cho virus máy tính. Với đặc tính kết hợp giữa virus, sâu và trojan, Klez biến mọi chương trình diệt virus thành trò hề khi vô hiệu hóa chúng và cung cấp cảnh báo sai lệch. Phương thức lây nhiễm chủ yếu của Klez thông qua email, virus tự nhân bản và gửi đến phần còn lại trong danh sách liên lạc của nạn nhân.
Độc đáo hơn, nếu khách hàng tưởng chừng đã kết liễu kẻ xấu thì chúng vẫn sống “nhăn răng”, thay đổi kiến trúc và tiếp tục phá hoại ngầm khiến bất kỳ ai cũng phải điên đầu.
4. Code Red và Code Red II
Hai phiên bản virus lên sóng vào năm 2001, phá hoại dựa trên việc khai thác lỗ hổng của hệ điều hành Windows và Windows NT. Virus hoạt động khá đơn giản bằng việc gây phát sinh lỗi tràn bộ đệm, nhưng thiệt hại chẳng nhẹ nhàng chút nào (200 triệu USD chỉ trong một ngày).
“Mã đỏ” chứng minh sự nguy hiểm khi lựa chọn những máy tính trong Nhà trắng (Mỹ) làm nơi phô diễn tài năng. Được biết, Microsoft từng phải phát hành khẩn cấp gói phần mềm phục hồi nhằm giải quyết vấn đề.
5. Nimda
Nếu bạn chú ý thì phát hiện khi viết ngược lại, Nimda sẽ biến thành Admin. Bởi vậy, chúng nhắm mục tiêu chính vào hệ thống server và website. Đặc biệt, Nimda được mệnh danh là một trong những virus lây nhiễm nhanh nhất mọi thời đại, khi chỉ mất 22 phút để đưa mình vào nhóm 10 virus “khủng” nhất hành tinh. Hình thức lây lan chủ yếu của Nimda thông qua email, kết hợp với nhiều đặc tính độc đáo khiến virus lướt qua các server với tốc độ tên lửa.
6. SQL Slammer/Shaphire
Nở rộ năm 2003, SQL Slammer/Shaphire nhanh chóng lây nhiễm thành công trên 75.000 máy tính chỉ sau 10 phút đầu tiên, gây tổn hại nghiêm trọng cho nhóm ngân hàng, hệ thống an ninh, tổ chức và mạng hàng không. Chẳng hạn như dịch vụ ATM của ngân hàng The Bank of America buộc phải dừng lại, tổng đài 911 tại thành phố Seattle bị vô hiệu hóa, hãng hàng không Continental Airlines hủy bỏ hàng loạt chuyến bay vì lỗi check-in… Ngoài ra, virus còn khiến mạng internet của Hàn Quốc điêu đứng gần nửa ngày và làm thiệt hại ít nhất 1 tỷ USD.
7. MyDoom
MyDoom được phát triển vào năm 2004 và nhanh chóng biến thành nỗi sợ hãi đối với người dùng máy tính. Về bản chất, loại sâu có khả năng tạo ra “cửa sau” (backdoor) trên hệ điều hành của “con mồi”. MyDoom tấn công hàng loạt nền tảng khác nhau và những cỗ máy tìm kiếm lớn như Google, khiến chúng hoạt động chậm chạp và dần sụp đổ. Chính MyDoom là nguyên nhân khiến Mỹ phải thành lập Trung tâm chống virus quốc gia.
8. Sasser và Netsky
Bạn trẻ người Đức có tên Sven Jaschan đã phát minh hai loại virus đáng sợ. Mặc dù cách thức hành động không giống nhau, song những đoạn mã tương tự khiến giới chuyên gia nhận định chúng phải thuộc cùng một “cha đẻ”. Cái tên nổi bật hơn, Sasser có mục tiêu chủ yếu là máy tính chạy Windows 2000 và Windows XP.
Nói về tầm hoạt động, virus thực sự mang tính toàn cầu khi reo rắc nỗi kinh hoàng cho nhiều cơ quan tại Pháp, ngành hàng không Mỹ, các công ty bảo hiểm Phần Lan và bưu điện Đức. Đồng thời, virus nổi bật khả năng tự động quét địa chỉ IP ngẫu nhiên trong cơ sở dữ liệu và biến chủ nhân của IP này thành nạn nhân kế tiếp.
9. Leap A/Oompa-A
Nếu bạn nghĩ rằng máy Mac miễn nhiễm trước virus thì hoàn toàn sai rồi nha. Bằng chứng là Leap A (Oompa-A) từng khiến người dùng hàng hiệu Apple ôm hận vào năm 2006. Sử dụng công cụ tin nhắn tức thời iChat để lây nhiễm, Leap A tìm kiếm thông tin liên lạc của nạn nhân nhằm xác định mục tiêu tiếp theo. Với tin nhắn chứa mã độc xuất hiện như một tập tin JPEG vô tội, người dùng Mac thực sự dễ bị đánh lừa.
10. Storm Worm
Nhân vật Storm Worm nổi tiếng gần đây với cơ chế hoạt động qua đường thư điện tử gần giống Melissa. Những email với tiêu đề chứa thông tin động đất hoặc siêu bão trở thành ổ chứa mã độc đáng ngại. Và một khi người dùng mở chúng, họ sẽ lãnh đủ. Nhìn chung, Storm Worm sở hữu phương thức lây nhiễm giống trojan và một số biến thể sẽ đưa máy tính nạn nhân thành botnet để hacker lợi dụng tấn công mục tiêu khác.
Theo Mask/ Kenh14