Cơ sở dữ liệu tuỳ biến mà Hiệp hội Bóng đá Thanh niên bang Washington đang sử dụng, cùng hệ thống thông tin kiểm soát mọi vụ xâm hại tình dục và phạm tội trong số 25.000 vận động viên trưởng thành tại đây đều được viết ra tại Mumbai (Ấn Độ).
Người Mỹ cũng gián tiếp sử dụng phần mềm của Ấn Độ nếu đi mua giày tại Nordstrom, dùng đồ nội thất gỗ của hãng Weyerhaeuser hay đến thăm bệnh tại Trung tâm Y tế Thuỵ Điển.
Mặc dù người Mỹ ngày một lo ngại về số lượng công việc công nghệ được xuất khẩu sang Ấn Độ trong thời gian gần đây, còn giới chính trị gia không ngừng kêu gọi luật pháp hạn chế tình trạng trên, song có lẽ họ vẫn chưa nhận thức đủ về mức độ toả khắp mà nền công nghệ ở Nam Á này đã đạt tới.
Dịch vụ tin học và phần mềm đã trở thành hai nền công nghiệp mang tính toàn cầu từ cách đây hơn một thập kỷ. Ấn Độ là một trong những nước nhanh chân nhất đón đầu xu hướng toàn cầu hoá công nghệ và giờ đây, phần mềm do họ viết ra đã chễm chệ ngự trị trong các hệ thống máy tính của tập đoàn, chính phủ cùng nhiều tổ chức phi lợi nhuận đa quốc gia.
Khi xuất khẩu việc làm sang Ấn Độ, các ông chủ có thể tiết kiệm được từ 50-70% chi phí – một con số hấp dẫn đến mức khó lòng cưỡng lại. Đó cũng chính là thực tế khắc nghiệt mà các nhà lập trình đang thất nghiệp tại Mỹ phải đối mặt.
Hãy trở lại với Liên đoàn Bóng đá Thanh Niên bang Washington. Khi liên đoàn này quyết định tin học hoá hệ thống của mình để tiến hành kiểm tra cơ bản đối với huấn luận viên, trọng tài và các vận động viên tình nguyện, họ đã thuê MAQ Software thực hiện. Công ty này được thành lập tại Redmond vào năm 2000, nhưng 3/4 số nhân viên đang làm việc tại Mumbai.
Các nhà lập trình của MAQ đã xây dựng một cơ sở dữ liệu cho phép kiểm tra một danh sách dài các huấn luyện viên để đối chiếu với cơ sở dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu bang Washington. Trong quá khứ, các danh sách của Trung tâm này thường được in ra, copy rồi gửi tới 39 liên đoàn bóng đá địa phương. Các quan chức tại đó sẽ đối chiếu bằng tay với danh sách của chính mình.
Rajeev Agarwal, người đồng sáng lập ra MAQ. |
MAQ cũng bổ sung thêm một dịch vụ tin học hoá mới, cho phép Liên đoàn đăng tải tỷ số, điểm của các đội cũng như vị trí của họ trên website chính thức của Liên đoàn. Tất cả được thực hiện với một tốn phí "khiêm tốn" đến mức các quan chức Liên đoàn ai nấy đều sững sờ. Hệ quả là Liên đoàn không phải áp dụng chính sách đánh thuế thành viên thật nặng để bù đắp chi phí nữa. "Chúng tôi đã có những bản hợp đồng sản phẩm tuyệt vời, họ đã giao cho chúng tôi những sản phẩm cực kỳ chuyên nghiệp." – Jake Henak, giám đốc công nghệ của Liên đoàn, thốt lên.
Bản hợp đồng nói trên có thể được quy cho gia công thô. MAQ Software trả cho các kỹ sư của mình một khoản lương thấp hơn nhiều so với các đồng nghiệp có tên trong Liên đoàn Lập trình Hoa Kỳ của họ. Mức lương của họ là từ 10.000-20.000 USD/năm, ít hơn rất nhiều so với con số 50.000-90.000 USD của những nhà lập trình làm việc tại Redmond.
Với Rajeev Agarwal, đồng sáng lập ra MAQ thì triết lý kinh doanh của công ty ông rất đơn giản: "Hồi đầu, chúng tôi bắt đầu tuyển dụng nhân viên tại khu vực Seattle. Họ đòi lương tới hơn 100.000 USD mà thậm chí còn không có cả bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành. Vào thời điểm đó, tôi hiểu mình nên tìm đến Ấn Độ."
Cơn sốt Mumbai
Những văn phòng tường kính của MAQ tại Mumbai giống như những ốc đảo lặng lẽ ngay giữa thủ đô tài chính đông đúc, tất bật đến quay cuồng của Ấn Độ. Thường được biết đến với tên gọi Bombay, Mumbai đang là đầu tàu kinh tế, chèo lái làn sóng thịnh vượng mới cho quốc gia Nam Á này. Đó là sự hoà trộn của Tokyo, Los Angeles và New York, được nhồi nhét bên trong lớp vỏ của một thành phố nằm trên bán đảo nhìn ra biển Ả Rập. Dân số Mumbai lên tới 11,9 triệu người, bao gồm cả các nhà giao dịch chứng khoán, các minh tinh điện ảnh, bên cạnh vô số người cùng đinh đi tìm vận may và 40.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm.
Cũng tại đây, Agarwal, 39 tuổi, đã mang MAQ, cùng với 3.000 công ty công nghệ khác tại Ấn Độ chuyên xuất khẩu phần mềm và dịch vụ, tới tay những ông chủ Mỹ nóng lòng muốn tiết kiệm tiền nhờ gia công thô. Agarwal dự đoán có tới 70% những công ty lớn tại Mỹ đã quyết định thuê hãng ngoài đảm trách một phần trong hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) cho họ.
Ngành công nghiệp xuất khẩu phần mềm của Ấn Độ đã tăng trưởng từ mức gần như tay trắng trong cuối thập niên 1980 tới con số chín tỷ USD hồi năm ngoái, tăng 26% so với năm 2002. Sự bùng nổ về kinh tế này, đến lượt nó, lại thúc đẩy trở lại thị trường phần mềm nội địa. Tháng trước, MAQ đã ký được hợp đồng với khách hàng Ấn Độ đầu tiên của mình, một công ty dầu mỏ.
Sự bùng nổ của ngành công nghiệp công nghệ Ấn Độ cũng đồng nghĩa với việc tranh giành không khoan nhượng các nhà lập trình giỏi. Những sinh viên hàng đầu trong các trường đại học và cả những nhân viên đang làm việc trong các tập đoàn công nghệ lớn đều trở thành đối tượng mục tiêu của các hãng săn đầu người. Cơ hội việc làm lương cao, ổn định trong một môi trường được thiết kế theo mẫu Microsoft đang mở rộng trước mắt họ.
Khác với các công ty Ấn Độ kiểu cũ, MAQ phát thưởng cho nhân viên theo hiệu suất làm việc của họ chứ không phải theo thâm niên. Phụ nữ cũng nhận được cơ hội ngang bằng với các đồng nghiệp nam giới. MAQ chi trả cho các khoản đào tạo giáo dục thường niên, ưu tiên hàng đầu cho chất lượng cuộc sống của các nhân viên, cho phép họ nghỉ giữa giờ để tập yoga và thiền định. Với một nền "văn hoá doanh nghiệp" như vậy, công việc kinh doanh của MAQ thịnh vượng tới mức Agarwal đang có kế hoạch tăng số nhân viên tại Mumbai từ 45 lên 60 người trong năm nay. Số nhân viên tại Redmond cũng được tăng gấp đôi, từ 15 lên 30.
Không còn việc cho người Mỹ?
Giới kinh tế học và những người ủng hộ tự do thương mại cho rằng gia công thô cũng "trả công" xứng đáng cho kinh tế Mỹ: tầng lớp trung lưu ngày một đông đảo tại Ấn Độ sẽ mua thêm nhiều sản phẩm của Mỹ, còn người tiêu dùng Mỹ thì phải trả tiền ít hơn cho các hàng hoá và dịch vụ họ mua.
Nhưng thực tế không ngọt ngào như vậy với John McElhiney, một nhà kiểm định phần mềm tại Kirkland với sáu năm kinh nghiệm. John bị sa thải vào tháng 10/2002 sau cơn sốt dot-com và không thể nào tìm được công việc tương đương kể từ đó. John thậm chí đã đến cả Alaska tìm việc nhưng kết quả là phải bán cả tài sản của mình trên eBay để mua xăng quay về Seattle. Hiện tại, anh đang sống qua ngày với đồng lương làm việc cho một công ty viễn thông nhỏ. "Tôi không thấy chút ánh sáng cuối đường hầm nào cho những người đang ở địa vị như chúng tôi. Ánh sáng duy nhất là có được một công việc với mức lương bằng được 1/4 so với trước, trong một lĩnh vực hoàn toàn mới." – McElhiney nói.
Anh chỉ là một trong số 146.000 người mất việc trong các ngành công nghệ tại Mỹ từ năm 2001 đến 2002. Còn trong năm ngoái, 539.000 kỹ sư phần mềm và kỹ sư công nghệ cao đã bị sa thải. Tổng lực lượng lao động có việc đã giảm chỉ còn khoảng sáu triệu.
Các tổ chức thương mại tranh luận rằng phần lớn những công việc bị mất là do nền kinh tế yếu kém, công nghệ hiện đại hơn và năng suất nâng cao hơn chứ không phải do gia công thô.
Từ tiền triệu đến tiền xu
Áp lực phải cắt giảm chi phí, và sức hấp dẫn của các phần mềm giá rẻ đã thúc đẩy nhiều công ty khác tại Seattle tìm đến Ấn Độ.
Khi khách hàng mua giày tại Nordstrom, quầy thu ngân gửi thông tin về cuộc mua bán đến hệ thống máy tính do Ấn Độ phát triển. Kể từ năm 1994, hãng bán lẻ này đã "outsource" (gia công thô) phần việc phát triển hệ thống cho Infosys, một công ty tại Bangalore được mệnh danh là Microsoft của Ấn Độ.
Dự án lớn này bắt đầu khi Nordstrom cố gắng ngoi lên từ sau cơn suy thoái năm 2001. Hãng đã đóng cửa vài cửa hàng, sa thải 2.600 nhân viên để cắt giảm chi phí, song vẫn cần phải hiện đại hoá hệ thống tài chính. Infosys đã hứa sẽ thực hiện phần việc phức tạp này với một mức giá phải chăng, cố định. Infosys đã tuỳ biến phần mềm cho Nordstrom và giờ thì giúp đỡ cập nhật cùng quản lý hệ thống. Trung bình có khoảng 75 kỹ sư của Infosys đang làm việc tại các cơ sở của Nordstrom. Họ làm việc bên cạnh 550 kỹ sư công nghệ của hãng. "Với chúng tôi, Infosys là một mô hình bổ trợ. Họ không thay thế các vị trí hiện tại." – người phát ngôn của hãng tuyên bố.
Gia công thô – một khái niệm không mới
Gia công thô đang là một chủ đề nóng hổi của thời sự song thực ra hoạt động này cũng có tuổi đời lâu như bản thân máy tính vậy.
Đội ngũ nhân viên của MAQ tại Mumbai. |
Khi máy tính còn mới mẻ, kềnh càng, đắt đỏ và bí ẩn, các hãng đã phải thuê những công ty chuyên nghiệp như IBM xây dựng và chạy hệ thống thông tin cho họ. Nhưng khi máy tính trở thành mặt hàng máy tính để bàn (desktop) vào thập niên 1980, tầm tiền phải chăng, thân thiện với người dùng và phổ biến thì ngay cả những hãng nhỏ nhất cũng tự thiết lập được hệ thống mạng và đội ngũ nhân viên công nghệ của mình. Cuộc đua được tăng tốc vào những năm 1990, khi các công ty đua nhau tậu về những công nghệ mới nhất để tránh bị tụt hậu và cô lập. Giờ đây, tâm lý đó lại trở về với gia công thô.
Các công ty thường thích tập trung nguồn lực cho những thế mạnh hạt nhân của mình – là dịch vụ và sản phẩm chủ lực mà họ cung cấp – trong khi các nhiệm vụ phần mềm thường ngày được giao cho ai đó khác đảm trách. Tại các tập đoàn lớn, gia công thô chiếm tới 13% ngân sách chi cho CNTT hàng năm.
Ấn Độ nổi lên như nhà cung cấp dịch vụ công nghệ hàng đầu từ cuối thập niên 1990, thời điểm mà các hãng trên thế giới đổ xô đi cập nhật hệ thống máy tính để đối phó với nguy cơ Y2K.
Gần đây, những người khổng lồ như IBM và HP bắt đầu rao giảng về một mô hình điện toán mới thúc đẩy gia công thô trong những năm sắp tới. Với tên gọi điện toán tiện ích hay điện toán theo-yêu-cầu, mô hình này về cơ bản cung cấp sức mạnh CNTT giống với cách người ta… bán điện: các doanh nghiệp chạy hệ thống CNTT, thuê nhân viên công nghệ từ các trung tâm máy tính trên toàn thế giới, người sử dụng đăng ký thuê bao dịch vụ thông qua doanh nghiệp và trả tiền theo mức độ sử dụng.
Tính trên toàn cầu, các công ty và chính phủ đã chi tới 76 tỷ USD cho gia công thô trong năm ngoái. Còn ngành công nghiệp gia công thô dịch vụ công nghệ sẽ liên tục tăng trưởng 7%/năm từ nay cho đến 2008, mở rộng sang các khu vực khác của châu Á và Đông Âu.
Cầm Thi (Theo Seattle Times)