Vài nét về Tổng thống mới của Ấn Độ

Tổng thống thứ 13 của Ấn Độ, Pranab Mukherjee, đã tuyên thệ nhậm chức vào hôm 25/7 đã tạo ra một thuận lợi cho đảng Quốc đại của bà Sonia Gandhi trên đường củng cố lực lượng chuẩn bị cho kỳ tổng tuyển cử vào năm 2014.

 

Tân Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee tuyên thệ nhậm chức.

Ông Pranab Mukherjee ứng cử viên tổng thống Ấn Độ với tư cách đại diện cho liên minh cầm quyền Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA) do đảng Quốc đại của bà Sonia Gandhi dẫn đầu. Ông giành chiến thắng trong cuộc bầu chọn ở Quốc hội hôm 19/7 trước đối thủ thuộc liên minh đối lập – Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA). Như vậy chiếc ghế Tổng thống đã  nằm trong tay một trong những đồng minh của đảng Quốc đại.

Trước khi bước chân vào chính trị, ông Mukherjee từng là một giáo sư chuyên về khoa học chính trị tại Trường cao đẳng Vidyanagar và từng viết vài quyển sách về chính trị học và tình hình chính trị quốc gia. Năm nay 77 tuổi, Mukherjee là một chính khách kỳ cựu trên chính trường Ấn Độ cũng như trong đảng Quốc đại.

Ông tham gia chính trường từ năm 1969, từng là thành viên lâu năm của đảng Quốc đại và là người rất mực trung thành với gia đình Gandhi sau khi được bà Indira Gandhi bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Phát triển công nghiệp vào năm 1973. Sau đó, Mukherjee tiếp tục được bà Indira Gandhi giao cho giữ chức Phó thủ lĩnh đảng Quốc đại trong Quốc hội vào năm 1978 và đứng đầu đảng Quốc đại trong Thượng viện Ấn Độ (Rajya Sabha) vào năm 1980.

Sự nghiệp chính trị của Mukherjee đã bị gián đoạn nghiêm trọng khi bà Indira Gandhi bị ám sát và con trai bà là ông Rajiv Gandhi lên thay, cho loại bỏ tất cả những người nào ông cho là “có tham vọng” tranh giành ghế thủ tướng với nhà Gandhi. Vậy là Mukherjee lui về bang nhà Tây Bengal. Ông đã cho thành lập đảng Rashtriya Samajwadi Congress (RSC – Quốc đại Xã hội chủ nghĩa). Tuy nhiên, khi thời cơ “phục hận” chưa đến thì Mukherjee đã giảng hòa với Rajiv Gandhi, hai bên cùng nhân nhượng và Mukherjee sáp nhập đảng RSC vào đảng Quốc đại Ấn Độ.

Sau giai đoạn này, Mukherjee trở lại và nắm các chức vụ khác nhau trong chính phủ như Bộ trưởng Ngoại giao (lần thứ nhất), năm 1995-1996, thời ông Narasimha Rao làm Thủ tướng, rồi Bộ trưởng Quốc phòng (2004-2006) và Bộ trưởng Ngoại giao (lần thứ hai) dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh, từ 2006 đến nay. 

Với bề dày thành tích và quá trình hoạt động trên chính trường như thế, việc ông Mukherjee giành chiến thắng và trở thành Tổng thống Ấn Độ không quá bất ngờ đối với giới quan sát, đơn giản vì ông hoàn toàn xứng đáng. Không những thế, đằng sau chiến thắng của ông Mukherjee là sự hậu thuẫn rất mạnh của đảng Quốc đại do bà Sonia Gandhi dẫn dắt và các đảng phái trong UPA. Ngoài ra, Mukherjee còn nhận được sự ủng hộ của đảng Cộng sản Ấn Độ (Mácxít, CPI-M) cũng như đảng Samajwadi (SP) và đảng Bahujan Samajwadi (BSP). Ngay cả đảng “khó tính” như Trinamool Congress cũng quay sang bỏ phiếu cho ông. Đặc biệt là Mukherjee còn thu hút được cả các thành viên của liên minh đối lập NDA.

Kết quả của sự lôi kéo các đảng phái đối lập bỏ phiếu cho Mukherjee cho thấy năng lực vận động xây dựng liên minh, thu hút lôi kéo đồng minh của bà Chủ tịch đảng Quốc đại Sonia Gandhi vẫn còn chưa lu mờ. Bà có khả năng lôi kéo cả những đối thủ truyền kiếp và hầu hết các đảng phái khác nhau ủng hộ người của UPA. Mục đích của bà Sonia Gandhi không dừng lại ở việc giành ghế tổng thống cho ông Mukherjee, mà xa hơn, bà muốn xây dựng một thế mạnh vững chắc trước kỳ tổng tuyển cử tới.

Mukherjee ngồi vào ghế Tổng thống là đảng Quốc đại có thêm một đồng minh, đồng thời cũng giúp đảng Quốc đại vượt qua một trở ngại lớn; tình hình sẽ rất xấu cho đảng Quốc đại nếu người chiến thắng là người của NDA chứ không phải ông Mukherjee. Tuy nhiên, do phe đối lập không thể xây dựng được một liên minh đoàn kết chắc chắn, và trong nội bộ liên minh này đang chia rẽ sâu sắc, cho nên việc ứng cử viên đảng này thất bại cũng là điều dễ hiểu.

Theo giới phân tích, vấn đề lớn mà đảng Quốc đại Ấn Độ đang phải đối mặt không phải là việc thắng hay bại trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua mà là tình hình cử tri ủng hộ đảng này đang sa sút do những vấn đề trong điều hành đất nước, do tình hình kinh tế khó khăn kéo dài chưa được giải quyết.

Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo một số chuyên gia là do thành phần chính khách lớn tuổi vẫn còn ngự trị trên các chức vụ trong chính quyền, khiến cho giới trẻ không có nhiều cơ hội thử thách để tự chứng minh bản thân, từ đó làm cho năng lực điều hành đất nước thiếu sức sống mới, thiếu sự sáng tạo cần thiết để xử lý thành công một số vấn đề khó khăn hiện nay. Một khi đảng Quốc đại bộc lộ sơ hở, yếu kém ở một số nơi, thì các đảng phái địa phương cấp bang – lực lượng thứ ba vô cùng quan trọng trong hệ thống chính trị Ấn Độ – sẽ có cơ hội vùng lên và gây khó khăn không nhỏ cho đảng Quốc đại trên đường khôi phục lòng tin với cử tri và giành lại sức mạnh vốn có cách đây vài năm.

Theo Công An Nhân Dân.