Tỷ phú khởi nghiệp từ 250 USD vay của vợ

Bước vào tuổi 60 Narayana Murthy, nhà sáng lập của Tập đoàn Infosys, đã quyết định “rửa tay gác kiếm”. Từ 250 USD vay khởi nghiệp, đến khi Murthy rời khỏi chức vụ, Infosys Technologies đã trở thành tập đoàn phần mềm lớn thứ hai Ấn Độ, có 58.000 nhân viên ở hơn 20 nước trên thế giới.

Cuộc đời của ông, hiện thân cho “điều kỳ diệu kinh tế Ấn Độ” là bài học sáng giá cho nhiều doanh nhân trẻ. Narayana Murthy đại diện cho một tầng lớp trung những người Ấn Độ 20 năm qua đã dùng khối óc và tinh thần kinh doanh của mình để xây dựng những doanh nghiệp huyền thoại.

Cùng với sáu kỹ sư, trong đó có giám đốc điều hành hiện nay của tập đoàn là Nandan Nilekani, Murthy đã xây dựng Infosys với chỉ 250 USD vay của các bà vợ. 25 năm sau, khi Murthy ra đi, Infosys đã trở thành tập đoàn Ấn chuyên các dịch vụ tư vấn và outsourcing, vốn đầu tư 21 tỷ USD. Lãi ròng của Infosys trong tài khóa 2005-2006 kết thúc ngày 31/3 vừa qua, theo US GAAP, đã tăng 32,5% – tới 555 triệu USD so với 419 triệu USD năm trước.

Khác với nhiều nhà lập trình khác lên đường tới Mỹ lập nghiệp, Murthy quyết định thử thời vận tại chính quê nhà và đi tới chỗ ký hợp đồng đầu tiên của công ty trên xe gắn máy. “Hệ thống các giá trị mà tôi theo đuổi khi thành lập công ty là của cha mẹ tôi trao lại. Cha tôi có những quan niệm rất rõ ràng về sự trung thực, khí khái và đạo đức công việc. Còn mẹ tôi dạy tôi hy sinh (thời gian và tiền bạc) cho mọi người”, ông nói. Murthy lớn lên trong một gia đình nhà giáo ở làng quê.

Từ xuất thân nghèo khó, ông trở thành một nhà tư bản có quan điểm xã hội. Cuối năm 1970 ông theo đuổi những quan điểm cánh tả và du lịch khắp châu Âu. Một trong những đóng góp lớn nhất của ông cho công nghiệp Ấn là đặt ra cho cộng đồng doanh nhân cuộc thảo luận về đạo đức nghề nghiệp, về hệ thống các giá trị và sự minh bạch của công ty.

Trong những cuộc thảo luận vào thời đó, Murthy đã chỉ ra cảm giác thiếu an toàn trong số các lãnh đạo công ty, về sự bất định của ngày mai khiến họ phải “vơ vét tất cả những gì họ có thể kiếm được hôm nay nhằm bảo đảm con cái, cháu chắt họ an toàn trong mười thế hệ tới”. “Đó cũng là vấn đề của lòng tham. Nếu chúng ta không biết chia sẻ với các cổ đông, nhân viên, khách hàng và Chính phủ của mình, tất cả chúng ta sẽ không có tương lai”, ông nhấn mạnh. Từ những luận điểm này, Infosys hình thành bộ quy tắc điều hành của mình.

Trở thành tỷ phú, ông tiếp tục sống đơn giản và chia sẻ với nhân viên mình bằng phương tiện cổ phiếu đăng ký trên thị trường NASDAQ. Không chỉ các “công nhân cổ cồn” mà cả những nhân viên kỹ thuật, điện tử, kể cả tài xế cũng có cổ phiếu của công ty, trong khi số cổ phiếu thuộc về ông Murthy vào khoảng 500.000 USD. Cho đến năm 2001, ít nhất mỗi tuần một lần ông đi xe buýt tới các cơ sở của tập đoàn, và như mọi nhân viên, vẫn xếp hàng chờ lấy thức ăn tại các nhà ăn công ty.

Ở một đất nước mà giới doanh gia có truyền thống cha truyền con nối, Murthy đã chủ động rời chức vụ ở tuổi 60. Tuy nhiên, ông vẫn chưa từ bỏ hẳn đam mê kinh doanh. Murthy nói ông sẽ tiếp tục làm việc với các đại học doanh thương hàng đầu Ấn và thế giới để “được bận rộn sau khi về hưu”.

Murthy hiện đứng thứ 645 trong bảng xếp hạng của Forbes, với tài sản 1,2 tỷ USD, sau khi rời chức vẫn tiếp tục cố vấn tinh thần cho tập đoàn do ông sáng lập, trong khi quyền điều hành đã được ông chuyển cho Nandan Nilekani.