“Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ sắp qua mặt Trung Quốc”

Ấn Độ có khả năng sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong vòng 12 tháng tới, tờ The Australian dẫn các báo cáo mới nhất cho biết.

 

Theo The Australian, GDP của Trung Quốc có khả năng tăng trưởng từ 8,3 – 8,8% trong năm tới, trong khi Ấn Độ có thể đạt mức tăng trưởng GDP 9% trong năm tài khóa từ 4/2011 – 3/2012, nhờ những cải cách về thuế sắp đưa vào thực hiện.

Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng hai con số trong phần lớn thập kỷ qua, nhưng bắt đầu chậm lại do chính phủ nước này thắt chặt lại các biện pháp kích thích kinh tế và tìm cách kiềm chế giá bất động sản đang tăng mạnh.

Trong khi đó, Ấn Độ đang bắt đầu tăng tốc, mặc dù tỷ lệ lạm phát vẫn là một yếu tố rủi ro. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ sau cuộc họp ngày 27/7 đã tuyên bố tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, lên 5,75%. Ngân hàng này cũng nâng lãi suất huy động thêm 0,5% lên 4,5%, cao gấp 2 lần so với kỳ vọng của thị trường.

Theo một số chuyên gia kinh tế, từ tháng 4/2011, một luật thuế mới hiệu quả hơn sẽ chính thức có hiệu lực, giúp mang lại 1,5 – 2% cho tăng trưởng GDP của Ấn Độ. Nội dung điều chỉnh quan trọng của luật mới này là thuế hàng hóa và dịch vụ.

Thêm vào đó, từ trung tuần tháng 7, mùa mưa thuận lợi đã giúp nâng triển vọng ngành nông nghiệp của Ấn Độ. Mới đây, Ủy ban cố vấn kinh tế của Thủ tướng Manmohan Singh đã nâng dự báo tăng trưởng lên 8,5% trong năm tài khóa 2010 – 2011 và lên 9% trong năm tài khóa tiếp theo tính tới 31/3/2012.

Tổ chức Công đoàn Quốc tế hôm 28/7 cho rằng, Ấn Độ sắp trở thành quốc gia có số lượng người lao động tăng nhanh nhất toàn cầu. Trong 10 năm tới, Ấn Độ sẽ nâng số người lao động mới lên 110 triệu người, trở thành nước có nguồn lao động phong phú nhất thế giới. Đây là một lợi thế của Ấn Độ.

Báo cáo phân tích, số lượng nguồn lao động tăng mới trong 10 năm tới của Trung Quốc sẽ chỉ là 15 triệu người, kém xa con số 110 triệu người của Ấn Độ. Việc thiếu nguồn cung ứng người lao động này sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Theo số liệu do Ấn Độ công bố, hiện nay, 51% số người dân Ấn Độ nằm dưới độ tuổi 25, 66% số người nằm dưới độ tuổi 35. Các chuyên gia của Tổ chức Công đoàn Quốc tế cho rằng, ưu thế dân số trẻ của Ấn Độ ước tính có thể duy trì đến năm 2050.

Tuần trước, ngân hàng Citigroup của Mỹ đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2010 của Trung Quốc khoảng 1%, xuống 9,5% trong năm nay và xuống 8,8% trong năm 2011. Trưởng nhóm nghiên cứu Trung Quốc của Citigroup, Minggao Shen và nhà kinh tế học Ken Peng đã lưu ý lạm phát của nước này sẽ giảm nhẹ cùng với đà suy giảm của nền kinh tế.

Cùng thời điểm, tổ chức Roubini Global Economics (do nhà kinh tế học đoạt giải Nobel –Nouriel Roubini sáng lập), đã đưa ra những đánh giá riêng về hai nền kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc. Theo đó, Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng 8,6% trong năm 2010 – 2011 và 8,5% trong năm tính đến tháng 3/2012.

Với Trung Quốc, Roubini Global Economics dự báo tăng trưởng năm 2010 ở mức 10%, trước khi giảm mạnh xuống 8,3% trong năm 2011.

Arpitha Bykere, một chuyên gia phân tích cao cấp của tổ chức này, hôm 10/7, từng viết về Ấn Độ như sau: Sự hồi phục tiêu dùng cá nhân cùng với các dòng vốn sẽ giúp kinh tế Ấn Độ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2010 – 2011. Nhưng những yếu tố như sự cải tổ cấu trúc chậm chạp, tự do hóa kinh tế.. sẽ khiến nước này khó trở lại mức tăng trưởng từ 9-10% trong những năm tiếp theo.

Ấn Độ chưa từng đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm ở mức hai con số trong suốt 6 thập niên qua, kể từ khi giành được độc lập hồi cuối những năm 1940. Tuy nhiên, nước này từng tăng trưởng quý ở mức 11,3% trong giai đoạn 2003-2004 và hai quý đạt mức 10,2-10,3% trong giai đoạn 2006-2007.

Tổ chức dự báo khu vực IMA tỏ ra dè dặt hơn trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế Ấn Độ. Trong báo cáo công bố hồi trung tuần tháng 7, IMA dự báo Ấn Độ tăng trưởng 8,2% trong năm nay và 7,4% trong năm 2011. Trong khi, Trung Quốc đạt 9,8% trong năm nay và 9,4% trong năm tiếp theo.

IMA cho rằng, thách thức chính sách chủ yếu của Trung Quốc trong năm 2010 là hạ nhiệt giá địa ốc thành công, còn nguy cơ trọng tâm là giảm giá bất động sản “có thể gây ra làn sóng nợ khó đòi”. Về Ấn Độ, IMA cho rằng kinh tế 6 tháng tới sẽ tăng trưởng hơn, mặc dù tổ chức này coi việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây nâng triển vọng tăng trưởng 2010 lên 9,4% là “lạc quan một chút”.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất được công bố hôm 7/7, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng đối với Trung Quốc lên 10,5%, từ mức 10% trong tháng 4, nhưng hạ triển vọng năm 2011 từ 9,9% xuống 9,6%. Đối với Ấn Độ, IMF dự báo tăng trưởng năm 2010 ở mức 9,4%, tăng từ mức 8,8% đưa ra trong 3 tháng trước, và năm 2011 là 8,4%.

IMF cho rằng, Trung Quốc đang cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ trong xuất khẩu và nhu cầu nội địa trong năm nay. Tại Ấn Độ, tổ chức này nói rằng, họ dự tính tăng trưởng mạnh trong năm 2010, do lợi nhuận doanh nghiệp khả quan và các điều kiện tài chính thuận lợi giúp thúc đẩy hoạt động đầu tư.

Trong một diễn biến có liên quan, hôm 30/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương khẳng định, nước này đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Như vậy, kinh tế Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển”, ông Dịch nói. Hãng tin Reuters bình luận, thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc là 3.800 USD/người, chỉ bằng phần nhỏ nếu so với Nhật, Mỹ.

Theo VnEconomy.