PGS Trần Đình Thiên cho rằng, chúng ta đang loay hoay chưa dám từ bỏ những cái cũ kỹ. Còn TS Lê Trường Tùng đề xuất, cần tổ chức bình dân học vụ để mỗi người đều biết đọc – viết, biết tin học và tiếng Anh.
Ngày 11/8, tại hội thảo “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam trong môi trường công nghệ thông tin”, PGS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, CNTT phải là công cụ mới để tổ chức lại hệ thống giáo dục đi kèm những thiết chế giáo dục tương ứng.
“Chúng ta đang loay hoay chưa dám từ bỏ những cái gì cũ kỹ và đang nợ xã hội một cuộc cải cách về giáo dục”, ông Thiên trăn trở.
Cùng quan điểm, GS Lâm Quang Toản cũng chỉ ra, đối với phát triển giáo dục, CNTT có những ý nghĩa to lớn, giúp hình thành phương thức giáo dục mới, giáo dục mở thông qua trường học, lớp học “ảo” trên mạng. Ngoài ra, CNTT còn là phương tiện để đổi mới quản lý giáo dục, kho tư liệu lớn không biên giới, phương thức để hợp tác, hòa nhập giáo dục quốc tế.
PGS Trần Đình Thiên: “Chúng ta đang nợ xã hội một cuộc cải cách về giáo dục”. Ảnh: Hoàng Thùy.
Cho rằng “dân số đông phải trở thành nguồn lực phát triển chứ không phải là gánh nặng kinh tế xã hội”, Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng đề xuất kiến trúc lại hệ thống giáo dục cho phù hợp, xóa “vùng trũng” tiếng Anh, chú trọng vấn đề tài chính giáo dục và tận dụng ưu thế của CNTT để đổi mới giáo dục.
Vị Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập nhìn nhận, nếu như năm 1945 sắc lệnh về bình dân học vụ đã giúp toàn dân biết đọc, biết viết, thì hiện đã đến lúc ngành giáo dục cần tổ chức bình dân học vụ 2.0 để mỗi người đều có “ba biết”: biết đọc – viết, biết tin học và biết tiếng Anh. Bộ GD&ĐT cần quyết tâm phổ cập tiếng Anh cho học sinh phổ thông, làm sao để năm 2020 Việt Nam trở thành một trong 10 nước sử dụng tiếng Anh nhiều nhất.
Ông Tùng cũng cho rằng, đã đến lúc Việt Nam nghĩ đến khu dịch vụ giáo dục, nơi tập trung các trường đại học, dùng chung thư viện, sân tập… Ví dụ như thành lập khu tập trung giáo dục ở Thanh Hóa, cho các trường về mở phân hiệu. Điều này không chỉ tiết kiệm được các mặt bằng dùng chung mà còn thu hút được rất nhiều học sinh Thanh Hóa đến học, góp phần giữ được nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương, không làm chảy máu chất xám.
“Cấu trúc mới của nền giáo dục Việt Nam nên là 1 tiểu – 1 trung – 1 cao – 1 đại. Nghĩa là, cấp tiểu học (5 năm), cấp trung học (4 năm), bậc cao đẳng (3 năm) và bậc đại học. Nhà nước sẽ bao cấp 9 năm phổ thông cho học sinh, 15 tuổi các em có bằng phổ thông, sẽ vào đời sớm hơn, giảm chi phí xã hội và tăng được thời gian cống hiến của cá nhân”, ông Tùng đề xuất.
Về vai trò của Công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục, ông Tùng đánh giá đây là hai lĩnh vực có mối liên hệ mật thiết và hỗ trợ qua lại cho nhau. Điều này cũng được Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin Quách Tuấn Ngọc đồng tình. Chia sẻ về số tiền chi cho CNTT trong giáo dục còn ít, ông Ngọc cho rằng bàn về đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục, nhất thiết phải có một mục về CNTT. Đó là yếu tố để xây dựng một nền giáo dục hiện đại, hội nhập và quốc tế hóa.
Chủ trì hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng ghi nhận ý kiến sâu sắc của các đại biểu về mong muốn CNTT sẽ trở thành một nội dung trong Nghị quyết về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam tới đây. Ông nhận định, CNTT có vai trò vô cùng quan trọng, giúp khai mở giáo dục, nhưng ngược lại, giáo dục cũng phải đưa CNTT vào giảng dạy một cách bài bản.
Phát triển giáo dục điện tử, CNTT trong giáo dục chính là chuyển từ nền giáo dục truyền thụ sang nền giáo dục hiện đại, hội nhập quốc tế. CNTT hỗ trợ người thầy giảng dạy tốt hơn, nhưng nó chỉ thay thế được người thầy tồi, chứ không không thể thay thế được người thầy giỏi, bởi học trò bên cạnh học kiến thức thì còn học nhân cách sống.
Theo VnExpress.