10 tuyệt chiêu giữ mắt luôn khoẻ khi dùng máy tính

Nếu bạn thường xuyên phải giải quyết công việc bên cạnh màn hình máy tính, 10 bí quyết sau có thể giúp bạn giữ mắt luôn khoẻ.


Hội chứng thị lực máy tính (Computer Vision Syndrome) xảy ra với những người thường xuyên làm việc trước màn hình máy tính mà không nghỉ ngơi thường xuyên. Các triệu chứng gồm đau đầu, mờ mắt, đau cổ, mắt bị mỏi và khó tập trung nhìn vào một điểm.
 
Theo bác sỹ Jeffrey R.Anshel, chuyên viên đo mắt quốc gia và là tác giả của nhiều quyển sách chăm sóc mắt, 10 bí quyết sau có thể giúp bạn phòng chống hội chứng thị lực máy tính.
 
1. Không đặt máy tính cạnh cửa sổ

 
Các nguồn ánh sáng chói là nguyên nhân lớn nhất làm mỏi mắt người dùng. Do vậy, bạn nên tránh đặt máy tính cạnh cửa sổ, vì sự khác biệt giữa độ sáng màn hình và ánh sáng ngoài trời sẽ làm mắt căng thẳng và khó chịu. Nếu có điều kiện, bạn nên lựa chọn màn hình chống chói để giảm bớt sự phản xạ khi có ánh nắng chiếu vào.
 
2. Điều chỉnh độ cao màn hình
 
Để mắt đạt độ thoải mái cao nhất, bạn nên đặt màn hình ở vị trí sao cho trung tâm màn hình nằm dưới tầm mắt của bạn từ 5-9 inch. Tức là khi ngồi thẳng và nhìn về trước, phần cạnh trên màn hình sẽ đập vào mắt bạn trước tiên.
 
3. Chớp mắt thường xuyên hơn
 
Nghiên cứu cho thấy khi nhìn vào màn hình máy tính hay một thiết bị công nghệ, mắt người dùng thường tập trung nhiều và chớp mắt ít hơn bình thường đến 3 lần. Không chớp mắt thường xuyên dẫn đến bề mặt mắt và kính áp tròng bị khô, gây cảm giác khó chịu và nhìn hình ảnh không còn rõ nét. Bạn nên đến dịch vụ chăm sóc mắt và tìm mua kính áp tròng giúp tăng độ ẩm.
 
4. Điều chỉnh độ sáng màn hình
 
Thiết lập độ sáng màn hình phù hợp sẽ giúp mắt đỡ mỏi mệt hơn. Bạn nên điều chỉnh sao cho độ sáng màn hình cân bằng với ánh sáng của môi trường xung quanh. Khi đọc tài liệu dài, bạn nên chọn đọc ở chế độ chữ trắng trên nền đen.
 
5. Nghỉ giải lao

 
Làm việc thường xuyên không ngơi nghỉ suốt nhiều giờ liền làm mắt mờ dần và rất mệt mỏi. Bạn nên nghỉ giải lao theo nguyên tắc 20/20/20. Tức là, cứ sau mỗi mỗi 20 phút, bạn phải nghỉ giải lao khoảng 20 giây, trong lúc nghỉ tập trung mắt nhìn vào những vật ở khoảng cách lớn hơn 20 feet (khoảng 6 mét). Bạn nên di chuyển mắt thường xuyên để nhìn vào nhiều vật ở nhiều vị trí khác nhau.
 
6. Không đặt màn hình quá gần
 
Nếu bạn ngồi trên ghế mà có thể chạm tay vào màn hình tức là màn hình đã đặt quá gần. Để chọn vị trí phù hợp đặt màn hình, bạn áp dụng “nguyên tắc thứ ba”. Theo nguyên tắc này, bạn cho hiển thị lên màn hình một tài liệu hay nội dung email bất kỳ và di chuyển người ra sau, cho đến khi thấy tài liệu mờ dần đi thì ngừng lại. Lúc này, bạn đo khoảng cách giữa nơi bạn đứng và màn hình rồi chia làm ba. Màn hình nên được đặt ở khoảng cách sau khi chia ba.
 
7. Khám mắt định kỳ
 
Nếu thường xuyên làm việc trước máy tính, bạn phải khám mắt định kỳ hàng năm. Khi gặp vấn đề về mắt, bạn nên đến tìm gặp các bác sỹ để tìm giải pháp chữa trị.
 
8. Điều chỉnh ánh sáng trong nhà phù hợp
 
Nếu có thể, bạn nên tránh làm việc dưới ánh sáng đèn huỳnh quang trên cao, có thể dùng đèn bàn hay đèn dưới sàn nhà để thay thế. Bạn có thể thực hiện mẹo nhỏ sau để điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp: dùng một tấm gương nhỏ đặt vào màn hình máy tính, nếu trong gương có các nguồn ánh sáng rọi vào thì bạn nên tìm nơi khác để đặt máy tính, hay tắt bớt các nguồn sáng đó đi.
 
9. Đưa các thiết bị số ra xa tầm mắt

 
Một vài nghiên cứu cho thấy khi nhìn vào nội dung trên các thiết bị kỹ thuật số làm mắt trở nên căng thẳng hơn so với nhìn vào một tờ báo in truyền thống. Do vậy, bạn nên đặt các thiết bị điện tử ra xa khỏi tầm mắt.
 
10. Dán tài liệu cần thiết lên màn hình
 
Nhiều người thường đặt máy tính ở cạnh bàn làm việc để dễ tìm kiếm tài liệu khi cần thiết. Tuy nhiên, để tra cứu tài liệu, bạn thường di chuyển toàn bộ cơ thể và tầm nhìn ra ngoài rồi lại nhìn vào màn hình gây mất tập trung. Do vậy, bạn nên dán tài liệu cần thiết lên màn hình máy tính, để mắt luôn giới hạn tầm nhìn trong phạm vi xung quanh màn hình.

Theo Vietnamnet.