Một sự thật rất nguy hiểm là nhiều Doanh nghiệp nhỏ và người dùng cá nhân thường không để ý đến những vụ mất mát dữ liệu quy mô lớn đăng tải trên báo chí và cho rằng đó không phải là vấn đề đáng lo lắng.
Nhưng trên thực tế, không chỉ các tập đoàn lớn mới là mục tiêu của các vụ tấn công có chủ địch, mà doanh nghiệp cỡ nhỏ cũng gặp phải những vụ mất mát dữ liệu với lượng dữ liệu không hề thua kém. Một cuộc thăm dò mới đây về mức độ nhận thức đe dọa bảo mật trong các DN vừa và nhỏ năm 2011 của Symantec đã cho thấy, hơn một nửa số DN nghĩ rằng vì họ là một công ty nhỏ nên họ “nằm ngoài diện phủ sóng” của tội phạm mạng. Với tư tưởng đó, nhiều công ty đã không thực hiện những biện pháp phòng ngừa cơ bản để bảo vệ tài sản thông tin của mình. Theo các chuyên gia, quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Không một mục tiêu nào là quá nhỏ bé trong mắt hacker. Một doanh nghiệp nhỏ nhưng luôn đi đầu về sáng tạo trong lĩnh vực của mình, hoặc chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tới các công ty/tổ chức mà hacker quan tâm… thì vẫn có thể bị tấn công như thường. Thông tin cá nhân của hàng triệu người dùng Việt Nam đã bị rao bán tràn lan trên mạng trong thời gian qua là một dẫn chứng rõ ràng nhất. Sớm thành lập Cục An toàn thông tin Mới đây nhất, tại Hội nghị Tổng kết 2011 của Bộ Thông tin & Truyền thông, các chuyên gia đã nêu lên nhiều hình thức tấn công mới xuất hiện tại Việt Nam mà mức độ tinh vi đủ để người nghe phải giật mình. Thậm chí, các chuyên gia đã có thể thực hiện thử những vụ tấn công nhằm vào máy ATM để rút tiền mà không cần tới thẻ. Theo ông Vũ Quốc Thành, Tổng thư ký Hiệp hội An toàn thông tin thì có những phương pháp ăn cắp dữ liệu trước đây chỉ mới nghe nói thì trong năm 2011 đã được hacker đem ra áp dụng. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ TT&TT sớm thành lập Cục An toàn thông tin, đồng thời xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực chuyên sâu về an ninh mạng ở tầm cỡ quốc gia, thậm chí là quốc tế.
“Một quốc gia gần 100 triệu dân như nước ta sẽ cần vài chục nghìn nhân lực làm về an ninh mạng. Cần đảm bảo trong 10 năm tới, chúng ta có thể làm chủ không gian mạng quốc gia để không bị tấn công. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn cả về kinh tế, chính trị lẫn quốc phòng", Phó Thủ tướng khẳng định.
(Theo VietNamNet) |