Phục hồi dữ liệu xóa nhầm trên Windows, Linux và Mac OS

Không chỉ dừng lại ở các tính năng hữu ích như: khắc phục lỗi Windows, quét virus Windows với đĩa CD antivirus có cơ sở dữ liệu virus cập nhật, hiệu chỉnh các phân vùng Windows… Ubuntu Live CD còn giúp bạn phục hồi dữ liệu chẳng may bị xóa nhầm trên các hệ điều hành Windows, Linux và Mac OS. Bài viết này xin chia sẻ cùng bạn các bước phục hồi dữ liệu với Ubuntu Live CD 10.04.

1. Chuẩn bị

Sau khi download Ubuntu Live CD 10.04 (hoặc các phiên bản trước đó) tại địa chỉ www.ubuntu.com, bạn ghi file iso ra đĩa CD. Tiếp theo, trên máy tính bị xóa nhầm dữ liệu, bạn khởi động từ đĩa Ubuntu Live CD. Khi màn hình chính của Ubuntu xuất hiện, bạn vào menu System > Administration > Synaptic Package Manager. Trong cửa sổ Synaptic Package Manager, bạn vào menu Settings > Repositories và đánh dấu chọn mục Community-maintained Open Source software (universe). Sau đó, bạn bấm các nút Close Reload để cập nhật danh sách phần mềm mới cho Ubuntu.

Khi danh sách phần mềm đã được cập nhật, bạn gõ testdisk vào mục Quick search ở góc trên bên phải và đánh dấu chọn vào dòng cùng tên hiển thị ở khung ngay bên dưới.

Testdisk là gói phần mềm với hai công cụ chính là: TestDisk với chức năng phục hồi các phân vùng bị mất (recover lost partitions) và sửa chữa boot sectors, và PhotoRec với chức năng phục hồi rất nhiều loại file trên đa số các file system khác nhau. Tiếp theo, bạn bấm nút Apply để cài đặt Testdisk vào hệ thống.

2. Phục hồi dữ liệu

Sau khi cài đặt Testdisk xong, bạn thực hiện các bước như sau để phục hồi dữ liệu bị xóa nhầm (hay các phân vùng đã bị format):

– Mở cửa sổ dòng lệnh bằng cách vào menu Applications > Accessories > Terminal.

– Khởi động tiện ích PhotoRec:

$ sudo -i
[Điền mật khẩu quản trị hệ thống]
# photorec

– Tại dòng Select a media, bạn chọn ổ đĩa cần phục hồi dữ liệu (dựa vào nhãn đĩa hay dung lượng tương ứng). Sau khi chọn xong, bấm phím Enter.

– Tại dòng Select the partition table type, bạn chọn loại phân vùng phù hợp. Nếu là các phân vùng của Windows như NTFS, FAT hay phân vùng của Linux như Ext2, Ext3, bạn chọn mục Intel và bấm phím Enter.

– Ngay sau đó, danh sách các phân vùng tương ứng với ổ đĩa đã chọn sẽ xuất hiện. Nếu muốn phục hồi tất cả các file trên một phân vùng nào đó, bạn chọn phân vùng đó, chọn Search và bấm phím Enter.

Tuy nhiên, nhiều khi bạn chỉ muốn phục hồi một số loại file cụ thể, chẳng hạn chỉ các file pdf, doc, jpg, gif… khi đó, bạn nên chọn File Opt và bấm phím Enter. Bằng cách này, tốc độ phục hồi sẽ diễn ra nhanh chóng hơn.

– Tiếp theo, bạn bấm phím s để bỏ tất cả các chọn lựa mặc định. Sau đó, bạn tìm các loại file cần phục hồi, chẳng hạn: pdf, doc, jpg, gif, png.. và bấm phím Space để lần lượt chọn các loại file đó. Sau khi chọn xong, bạn bấm phím b để lưu các chọn lựa vừa thực hiện.

– Đến đây, bạn bấm phím Enter để quay trở lại màn hình với danh sách các phân vùng. Ở đây, bạn tiến hành chọn lựa phân vùng muốn phục hồi. Nếu muốn phục hồi toàn bộ ổ đĩa, bạn chọn No partition, sau đó chọn Search và bấm phím Enter.

– Tiếp theo, bạn chọn file system là ext2/ext3 với Linux hay Other (FAT/NTFS…) với Windows

– Ở bước chọn lựa vị trí lưu trữ các file phục hồi, bạn chọn một vị trí phù hợp. Lưu ý rằng, PhotoRec không cho phép bạn lưu trữ các file trên chính ổ đĩa hay phân vùng đang tiến hành phục hồi. Do đó, nếu phục hồi toàn bộ ổ đĩa, bạn có thể gắn đĩa USB vào và chỉ định đường dẫn đến USB (tại thư mục /media). Một cách khác, bạn có thể chỉ định một thư mục đã được chia sẻ qua mạng. Sau khi chỉ định vị trí lưu trữ xong, bấm phím Y.

Sau bước này, tiến trình phục hồi sẽ diễn ra. Tùy theo kích thước dữ liệu, số lượng file cần phục hồi và thiết bị phần cứng mà thời gian phục hồi sẽ diễn ra nhanh hay chậm. Khi hoàn thành, PhotoRec sẽ thông báo kết quả về số lượng file đã phục hồi và vị trí lưu trữ chúng. Đến đây, bạn đã thu được các file mình mong muốn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các tiện ích khác như: Foremost Scalpel. Tuy nhiên, hai tiện ích này lại không có giao diện tương tác cho bạn chọn lựa như với PhotoRec. Thay vào đó, bạn sẽ phải sử dụng các dòng lệnh. Hơn nữa, với Scalpel, bạn còn phải cấu hình trước khi thực hiện lệnh phục hồi dữ liệu.

3. Phục hồi các phân vùng

Trong một số trường hợp, bạn không thể sử dụng PhotoRec để phục hồi dữ liệu vì các phân vùng không xuất hiện. Lý do rất có thể là do bảng phân vùng gặp sự cố. Khi đó, bạn cần phải tiến hành phục hồi các phân vùng trước khi thực hiện thao tác phục hồi dữ liệu. Để phục hồi các phân vùng, bạn mở cửa sổ dòng lệnh và gõ:

# testdisk

Trong màn hình Testdisk xuất hiện, bạn bấm phím Enter. Ngay sau đó, danh sách các ổ đĩa sẽ xuất hiện. Ở bước này, bạn chọn ổ đĩa cần phục hồi các phân vùng. Tiếp theo, bạn chọn Intel (tương ứng với các phân vùng Windows và Linux) và bấm phím Enter. Kế đến, bạn chọn Analyse.

Tại dòng The following partition can't be recovered (nếu có), bạn xem qua thông tin về phân vùng mà Testdisk không thể phục hồi và bấm nút Continue. Tiếp theo, Testdisk sẽ hiển thị các phân vùng có thể phục hồi. Tại đây, bạn bấm phím Enter. Lưu ý rằng, nếu Testdisk không tìm được đầy đủ các phân vùng cần thiết trên ổ đĩa, bạn có thể chọn Deeper Search. Đến đây, bạn chọn Write và bấm phím Enter để phục hồi các phân vùng.

Sau khi hoàn thành, Testdisk yêu cầu khởi động lại hệ thống. Lúc này, tất cả các phân vùng đã xuất hiện trở lại, bạn đã có thể dùng PhotoRec đã nêu ở bước 2 để phục hồi dữ liệu.

Vậy với Ubuntu Live CD, bạn có khá nhiều chọn lựa để phục hồi dữ liệu trên đa hệ điều hành.

M.N (Theo Quantrimang)