Cryptolocker đã và đang gây nên một làn sóng virus “tống tiền”người dùng một cách tinh vi và độc hại.
Cryptolocker là đại diện của kỹ thuật tạo mã độc mà nhiều thập kỉ nay, giới tội phạm mạng muốn lan truyền một cách rộng rãi. Hoạt động như một “kẻ tống tiền” chuyên nghiệp, sau khi thâm nhập thành công máy tính của người dùng, Cryptolocker mã hóa toàn bộ các tập tin dữ liệu từ hình ảnh, video, tập tin định dạng pdf… Yêu cầu tiền chuộc sẽ được gửi tới “khổ chủ” sớm nhất với giá trị khoảng 300 USD hoặc 0,5 Bitcoin để giải mã các tập tin.
Trước Cryptolocker, Trojan AIDS, CryZip, Skowor và Arhiveus… dù đã phần nào nổi tiếng khi chiếm quyền điều khiển các tập tin của máy tính nhưng bản chất, những virus này chưa thể thành công hoàn toàn như “mong đợi” bởi khả năng vẫn dừng lại ở việc phá mật mã đơn thuần. Vì vậy, tác giả của Cryptolocker phải là những bộ não không chỉ thành thạo về mật mã mà còn có tầm nhìn và kế hoạch chi tiết cho cách thức tấn công. Công thức “chuẩn” của Cryptolocker giúp nó luôn đi trước 1 bước, cập nhật và dẫn đầu cuộc chơi. Các chuyên gia bảo mật dường như “phát điên” khi mỗi lần họ tưởng như đã “phá” được vòng vây Cryptolocker, nó lại được nâng cấp và “cao thủ” hơn trước.
Thành công của Cryptolocker cũng có sự đóng góp quan trọng của Bitcoin. Từ khi loại tiền ảo nổi tiếng này xuất hiện và hoạt động khá mạnh mẽ, các khoản tiền chuộc trở nên dễ lưu thông và thật sự khó kiểm soát.
Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây trên 1.500 người sử dụng máy tính ở Vương quốc Anh, 3,4% số người được hỏi cho biết rằng họ đã bị virus Cryptolocker tấn công hoặc đe dọa. Và chắc hẳn, “cha đẻ” của Cryptolocker đang sở hữu số tài sản không nhỏ khi , 41% số nạn nhân tuyên bố đã trả tiền để chuộc dữ liệu của mình.
Hiện tại, giới bảo mật chỉ có thể khuyên người dùng bảo vệ dữ liệu của mình bằng cách thường xuyên sao lưu dữ liệu quan trọng bằng những công cụ offline như ổ cứng. Các thiết bị này hiện là bức tường chắc chắn nhất trước khả năng tấn công của Cryptolocker.
Dương Linh
Theo Mashable