Bitcoin được “chào đón” ra sao tại các nước châu Á?

Bitcoin đang ngày càng nổi tiếng và đưa dòng chảy giá trị của mình đến nhiều đất nước trên thế giới. Được chào đón hay bị nghiêm cấm mạnh mẽ tại các nước châu Á, bài viết dưới đây sẽ giới thiệu hành trình “chào đón” của Bitcoin tại một vài quốc gia nổi tiếng.

Bitcoin được "chào đón" ra sao tại các nước châu Á?-1

Bitcoin, loại tiền ảo ra đời năm 2009, bắt đầu gây được sự chú ý sau khi sàn giao dịch Bitcoin tại châu Á xuất hiện năm 2011. Tuy nhiên, cơn sốt Bitcoin thực sự đạt đỉnh vào nửa cuối năm 2013 khi nó được các các tay buôn bán trên website Silkroad sử dụng để bán ma túy và hàng hóa bất hợp pháp khác. Quãng đường Bitcoin đã đi tuy không dài song khá nhiều thăng trầm. Do là một loại tiền điện tử, mỗi nước trên thế giới lại có phản ứng khác nhau trước Bitcoin.

Trung Quốc

Đất nước đông dân nhất thế giới là một trong những nhân tố quan trọng góp phần đẩy giá Bitcoin “lên đỉnh” vào cuối năm 2013. Tháng 4/2013, một tổ chức từ thiện Trung Quốc bắt đầu chấp nhận Bitcoin để cứu trợ nạn nhân của trận động đất tại Tứ Xuyên. Từ đó, Bitcoin nhận được sự quan tâm của cả báo giới lẫn công chúng nước này. Cuối cùng, Trung Quốc trở thành quê hương của sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới.

Bitcoin đạt mốc giá trị cao nhất vào thời điểm tháng 11/2013 với mỗi đơn vị đáng giá 1.000 USD song nhanh chóng rớt giá còn 500 USD sau khi sàn giao dịch BTC China thông báo ngừng nhận ký gửi do áp lực từ chính phủ. Dù hiện tại Bitcoin không bị cấm thẳng thừng tại Trung Quốc, chính phủ nước này quyết định Bitcoin không thể được dùng như tiền hợp pháp, vì thế chúng chỉ được giao dịch như các khoản đầu tư.

Đầu tuần này, Taobao, chợ thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc, cũng cấm giao dịch Bitcoin trên website, thậm chí còn ngăn cản các thương gia bán công cụ và cẩm nang “đào” bitcoin.

Hồng Kông

Hồng Kông không kém cạnh Trung Quốc ở cơn sốt Bitcoin. Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) tuyên bố không quản Bitcoin. Hồng Kông chuẩn bị đón máy Bitcoin ATM thứ hai trên thế giới, sau Canada.

Ấn Độ

Chính phủ Ấn Độ chưa có phán quyết chính thức về Bitcoin song đưa ra lời cảnh báo về những nguy cơ tiềm năng. Sàn giao dịch Indian Bitcoin cũng tạm ngưng hoạt động sau cuộc bố ráp nhằm vào sàn giao dịch lớn nhất nước Buysellbitco.in. Ngày 30/12, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ thông báo không có ý định điều tiết Bitcoin.

Tuần này, Indian Bitcoin tuyên bố sẽ hoạt động trở lại. Nhà quản lý thuế đang nghiên cứu cách thức đánh thuế Bitcoin.

Bitcoin được "chào đón" ra sao tại các nước châu Á?-2

Indonesia

Dù Indonesia chỉ chiếm 1% lượng sử dụng Bitcoin toàn cầu, người dân dường như lại vô cùng quan tâm đến nó và các loại tiền ảo khác. Ngày 21/12, Ngân hàng Trung ương Indonesia phát đi thông báo không quản lý Bitcoin lẫn các nguy cơ liên quan. Theo báo Jakarta Globe, nhiều website nước này đang chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin.

Nhật Bản

Ngoài sàn giao dịch Bitcoin Mt.Gox, Nhật Bản khá trầm lắng trước chủ đề nóng bỏng này.

Philippines

Cũng như các nước khác trên thế giới, Phillipines cũng tồn tại một cộng đồng người dùng Bitcoin. Chính phủ Phillipines chưa đưa ra quyết định gì về Bitcoin song một vài tin đồn cho thấy nhà chức trách sẽ áp dụng quy tắc của các loại tiền ảo khác cho Bitcoin.

Singapore

Singapore có vẻ cởi mở hơn khi xét đến tiền ảo. Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) quyết định không can thiệp vào phản ứng của doanh nghiệp với Bitcoin. Ngoài ra, chính phủ Singapore mới đây đưa ra loại hình giao dịch liên quan đến Bitcoin là đối tượng chịu thuế.

Đài Loan

Hồi tháng 11/2013, Ngân hàng Trung ương Đài Loan chỉ phát biểu ngắn gọn sẽ “quan sát kỹ” Bitcoin. Đầu năm 2014, Ủy ban Giám sát Tài chính (FSC) và ngân hàng phát đi cảnh báo Bitcoin không được bảo vệ pháp lý, không được tổ chức tiền tệ nào đứng sau. FSC thông báo sẽ cấm máy Robocoin ATM sắp được lắp đặt tại thủ đô.

Thái Lan

Bitcoin bị xem là phi pháp tại Thái Lan hồi tháng 7/2013. Bất kỳ dịch vụ trao đổi tiền tệ nào tại Thái Lan đều cần phải có giấy phép từ Ngân hàng Thái Lan để xác định có phải tiền “thật” hay không. Vì khi đó, Bitcoin vẫn là thứ gì đó mới mẻ, chính sách chưa kịp điều chỉnh. Hiện tại, ngân hàng trung ương đang hợp tác với các bên hữu quan như Bộ CNTT hay Ủy ban Chứng khoán để xem xét. Trong thời gian chờ đợi, Bitcoin vẫn bị cấm.

Dương Linh
Theo ICTNews