Gần đây, khái niệm “Internet of Things” được khá nhiều bài phân tích công nghệ nhắc đến cũng như coi đây là xu hướng phát triển mới và ưu việt. Vậy như thế nào là “Internet of Things”?
Internet of Things (IoT) là một viễn cảnh trong đó mọi vật, mọi con vật hoặc con người được cung cấp các định danh và khả năng tự động truyền tải dữ liệu qua một mạng lưới mà không cần sự tương tác giữa con người-với-con người hoặc con người-với-máy tính. IoT tiến hoá từ sự hội tụ của các công nghệ không dây, hệ thống vi cơ điện tử (MEMS) và Internet.
“Thing” – sự vật – trong Internet of Things, có thể là một con người với màn hình cấy ghép tim, một động vật trang trại với bộ tiếp sóng chip sinh học, một chiếc xe ô tô tích hợp các cảm biến để cảnh báo lái xe khi lốp quá non – hoặc bất kỳ đồ vật nào do tự nhiên sinh ra hoặc do con người sản xuất ra mà có thể được gán với một địa chỉ IP và được cung cấp khả năng truyền tải dữ liệu qua mạng lưới.
Gần đây, Internet of Things được liên kết chặt chẽ với các giao tiếp máy móc-với-máy móc (machine-to-machine – M2M) trong sản xuất và các cơ sở năng lượng, dầu khí, điện. Các sản phẩm có khả năng giao tiếp M2M thường được xem là các sản phẩm thông minh.
Sự gia tăng mạnh mẽ của IPv6 trong không gian địa chỉ là một yếu tố quan trọng trong phát triển Internet of Things. Theo Steve Leibson, người tự nhận là “hướng dẫn viên của Bảo tàng Lịch sử Máy tính”, mở rộng không gian địa chỉ nghĩa là chúng ta có thể “gán một địa chỉ IPv6 đến mỗi một nguyên tử trên trái đất, và vẫn có đủ địa chỉ cho thêm hơn 100 trái đất nữa”.
Nói cách khác, con người có thể dễ dàng gán một địa chỉ IP vào một một “vật” trên hành tinh này. Tuy nhiên, sự gia tăng của số lượng các nút thông minh, cũng như số lượng dữ liệu mà các nút tạo ra, khiến người ta lo ngại về các vấn đề riêng tư, an ninh và chủ quyền dữ liệu.
Mặc dù đến tận năm 1999, khái niệm Internet of Things mới ra đời, song Internet of Things đã phát triển từ nhiều thập kỷ. Chẳng hạn, các thiết bị Internet đầu tiên là một chiếc máy bán nước giải khát Coke tự động tại trường Đại học Carnegie Melon (Mỹ) vào đầu những năm 1980. Các nhà lập trình có thể kết nối máy qua Internet, kiểm tra tình trạng của máy và xác định trong máy còn Coca Cola nữa không, để quyết định bổ sung thêm vào máy.
Kevin Ashton, đồng sáng lập và là giám đốc điều hành của Trung tâm Auto-ID tại Viện công nghệ Massachusetts, đã đề cập đến Internet of Things lần đầu tiên tại buổi thuyết trình ở công ty Procter & Gamble. Và đây là các Ashton đã giải thích về tiềm năng của Internet of Things:
“Ngày nay máy tính, và Internet, hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào con người mới có thông tin. Gần như tất cả trong số khoảng 50 petabyte (1 petabyte là 1.024 terabyte) dữ liệu trên Internet lần đầu tiên được con người nắm và tạo ra bằng cách đánh máy, nhấn nút ghi âm, chụp ảnh hoặc quét mã vạch.
Vấn đề là, con người rất hạn chế về thời gian, sự chú ý và chính xác – nghĩa là con người không được tốt lắm trong việc lưu giữ dữ liệu về mọi thứ trong thế giới. Nếu chúng ta có những chiếc máy tính biết mọi thứ – sử dụng được dữ liệu chúng thu thập mà không cần sự giúp đỡ của con người – thì chúng ta sẽ có thể theo dõi và đếm mọi thứ, điều này sẽ giúp giảm rất lớn sự lãng phí, thất bại và chi phí. Chúng ta sẽ biết khi nào mọi thứ cần thay thế, sửa chữa hoặc phục hồi và liệu chúng còn có thể còn tiếp tục hoạt động hay hoạt động tốt nhất nữa không”.
Dương Linh
Theo Hoàng Lan- VnReview