Những cái tên “đình đám” của làng công nghệ Thế Giới lại có nguồn gốc thú vị đến bất ngờ.
1. Bluetooth
Trái ngược với những gì mọi người vẫn thường lầm tưởng, tên gọi Bluetooth hoàn toàn không liên quan gì đến màu xanh hay là những chiếc răng cả.
Theo đó, tên của kết nối Bluetooth được đặt theo Harald Bluetooth, một vị vua Viking của Đan Mạch vào giai đoạn từ năm 958 đến 970. Ông nổi tiếng là một người có khả năng gắn kết mọi người đồng thời góp công lớn vào việc thống nhất Đan Mạch và Na Uy.
Vào giữa những năm 1990, công nghệ kết nối không dây bắt đầu cần có một tiêu chuẩn hợp nhất bởi rất nhiều công ty đang phát triển loại kết nối này nhưng lại đi theo những hướng khác nhau và rõ ràng đây là một trở ngại để công nghệ kết nối này có thể phát triển.
Lúc bấy giờ, Jim Kardach, một kĩ sư làm việc ở mảng kết nối không dây cho Intel đã đứng ra làm một người thương thuyết giữa các công ty để tìm ra hướng giải quyết cho một chuẩn kết nối tầm gần, tốn ít năng lượng và đồng nhất trên toàn bộ ngành công nghiệp. Kardach có đọc một cuốn sách về những người Viking trong đó có nhắc đến Harald Bluetooth và ông lập tức nhận thấy vị vua này đúng là một biểu tượng của việc kết nối giữa các bên với nhau.
Về sau, rất nhiều công ty đã đồng ý để cùng thành lập Bluetooth Special Interest Group, khai sinh ra chuẩn kết nối Bluetooth mà chúng ta vẫn thấy cho đến tận hôm nay.
2. eBay
Thoạt nghe cái tên eBay chắc hẳn bạn sẽ đoán ngay chữ “e” là viết tắt của “electronic” nhằm diễn tả tính “điện tử” của dịch vụ này. Thế nhưng điều này hoàn toàn không chính xác!
Có thể bạn chưa biết, tiền thân của dịch vụ eBay có tên AuctionWeb và là một phần của một dự án cá nhân khá lớn vận hành bởi một cựu kĩ sư phần mềm làm việc cho Apple có tên Pierre Omidyar. Khi AuctionWeb phát triển với tốc độ lớn hơn mong đợi, Omidyar đã quyết định tách hẳn dịch vụ này ra thành một nhánh riêng và đặt tay cho nó là “Echo Bay”, theo tên của công tư tư vấn ông đang sở hữu, Tập đoàn Công nghệ Echo Bay. Rất tiếc, lúc bấy giờ tên miền “echobay.com” đã có chủ và Omidyar đành rút ngắn cái tên đã định thành “ebay.com”.
3. Google
Câu chuyện về gốc gác cái tên Google có lẽ sẽ khá quen thuộc đối với nhiều người. Cụ thể, tên của cỗ máy tìm kiếm lớn nhất hành tinh này là kết quả của… một lỗi chính tả.
Ban đầu, Larry Page định đặt tên cho Google là Googol, một thuật ngữ toán học để chỉ một số cấu thành từ 1 số 1 và 100 số 0 theo sau với ý nghĩa to lớn diễn tả nguồn thông tin vô tận mà Internet mang lại cho con người.
Dưới đây là toàn bộ câu chuyện giải thích lí do vì sau “Googol” lại biến thành “Google”:
“Sean Anderson (bạn học của Larry Page tại Đại học Stanford) và Larry lúc bấy giờ đang ở trong văn phòng, sử dụng bảng trắng và cố gắng nghĩ ra một cái tên thật tuyệt vời – một cái tên diễn tả được kho dữ liệu rộng lớn Internet ẩn chứa. Sean đề xuất tên “googolplex” nhưng Larry lại muốn cái tên này ở dạng ngắn gọn hơn “googol”. Tuy nhiên, Sean lại là một người thường xuyên sai lỗi chính tả và vì một lý do gì đó ông đã tìm thử tên miền google.com thay vì googol.com và tên miền này khả dụng. Mặc dù chỉ là một sự nhầm lẫn nhưng Larry lại tỏ ra khá hài lòng với cái tên cực kì tình cờ này. Vài giờ sau đó, ông chính thức đăng kí tên miền “google.com”.
4. Amazon
Đã bao giờ bạn thắc mắc về ý nghĩa cái tên của trang web vốn chỉ từ một nhà cung cấp sách biến thành một nhà sản xuất các thiết bị điện tử và bán lẻ mọi mặt hàng trên thế giới Amazon chưa?
Người sáng lập Amazon Jeff Bezos từng chia sẻ ban đầu ông đặt tên cho dịch vụ này là “Cadabra”, thế nhưng vị luật sư chịu trách nhiệm đăng ký cho công ty lại nghe nhầm thành “cadaver” (một từ với nghĩa chỉ “xác chết”, tử thi”), Bezos quyết định công ty của ông cần một cái tên mới thân thiện và tươi sáng hơn.
Trở về thời kì trước khi Google xuất hiện, việc xuất hiện trước sau trong những cuốn danh bạ luôn là một yếu tố được cân nhắc kĩ càng trong việc đặt tên thương hiệu, do đó, Bezos quyết định tên “đứa con” của ông phải được bắt đầu bằng chữ “A”. Sau một thời gian lục lọi từ điển để tìm cho dịch vụ của mình một cái tên thú vị bắt đầu với “A”, Bezos dừng lại ở “Amazon”, tên con sông có lưu vực lớn nhất thế giới với mong muốn Amazon cũng phát triển như vậy.
Thêm một điểm khá thú vị về Amazon nữa mà bạn có thể thấy trên logo của hãng, đó là sự xuất hiện của một mũi tên chỉ từ a đến z, ám chỉ việc dịch vụ này sẽ đáp ứng đủ mọi như cầu mua sắm của bạn.
5. Nintendo
Mặc dù không phải là những cỗ máy chơi game đầu tiên xuất hiện thị trường, thế nhưng, Nintendo Entertainment System là một trong những cái tên thành công nhất trên thị trường lúc bấy giờ.
Nintendo bắt đầu từ năm 1889 là một công ty sản xuất những quân bài thủ công làm từ vỏ cây dâu để sử dụng trong một trò chơi có tên Hanafuda, một trò chơi liên quan đến xác suất may rủi, khá giống với trò đánh cược bây giờ. “Nintendo” trong tiếng Nhật có thể dịch ra là “leave luck to heaven” (tạm dịch: đặt vận may vào bàn tay số phận), cụm từ được sử dụng thường xuyên trong trò Hanafuda kể trên.
Bắt đầu từ việc sản xuất những bộ bài, công ty kể trên đã rất nỗ lực và cuối cùng đã tìm được đường thâm thập vào thị trường trò chơi và họ cũng quyết định lấy tên là Nintendo để kỉ niệm nguồn gốc ban đầu của mình.
6. Nokia
Nokia bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình trong một lĩnh vực không hề liên quan đến công nghệ một chút nào – một nhà máy giấy. Khi việc kinh doanh phát triển mạnh mẽ và nhà máy thứ hai bắt đầu được xây dựng tại thị trấn Nokia (khá gần Helsinki), công ty sản xuất giấy này đã quyết định lấy luôn cái tên Nokia làm tên cho công ty mình.
Trải qua một vài thập kỉ, Nokia đã thử qua rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau và cuối cùng chính thức trở thành một công ty công nghệ viễn thông vào cuối những năm 1960. Vào những năm 80 thế kỉ trước, Nokia trở thành một trong những nhà sản xuất điện thoại di động đầu tiên trên thế giới với những chiếc điện thoại khá to và nặng như Mobira Cityman 900. Từ đây, kỉ nguyên các thiết bị di động Nokia bắt đầu, tuy nhiên, khi những chiếc smartphone bắt đầu xuất hiện, Nokia lại tỏ ra hụt hơi nhanh chóng và không bắt kịp tốc độ phát triển.
7. Sony
Vào những năm tháng đầu tiên đi vào hoạt động, công ty chủ sở hữu của rất nhiều sản phẩm ấn tượng như Walkman, Playstation, điện thoại Sony Ericsson… có tên là Tokyo Tsushin Kogyo (tạm dịch: Công ty Kĩ thuật Viễn thông Tokyo).
Lúc đó, ban quản trị công ty đã quyết định rằng họ cần một cái tên mới thay cho cái tên thuần chất Nhật Bản hiện tại nếu muốn thành công ở những thị trường lớn như Châu Âu hay Hoa Kỳ, đặc biệt là trong bối cảnh lúc bấy giờ những thị trường này đều coi hàng hóa sản xuất tại Nhật là loại hàng hóa rẻ tiền và có chất lượng không đáng tin cậy. Kết quả là cái tên Sony đã ra đời, nó là sự kết hợp giữa từ La-tinh “sonus” (có nghĩa là âm thanh) và “sonny-boy” (từ tiếng lóng Mỹ để chỉ một bé trai).
Sản phẩm đầu tiên được bán ra dưới tên thương hiệu Sony là chiếc đài TR-55 vào năm 1955, đây cũng là chiếc đài có tính di động cao đều tiên được bán ra ở Nhật.
8. Yahoo!
Yahoo! ban đầu chỉ đơn thuần là một sở thích được phát triển bởi hai sinh viên đang theo học bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford David Filo và Jerry Yang khi họ tiến hành xây dựng một danh sách các trang web mình yêu thích. Khi danh sách này ngày một phát triển, hai người nhận ra rằng có thể biến sở thích này thành một dịch vụ hữu ích cho cộng đồng.
Đầu tiên hai nhà sáng lập đặt tên cho dịch vụ của mình là “Jerry and David’s Guid to the World Wide Web”, sau đó họ tìm đến một cái tên ngắn hơn, dễ nhớ và ít mang tính cá nhân hơn là “Yahoo!”. Dẫu vậy, tên dịch vụ này không bắt nguồn từ một tiếng reo “Yahoo!” đầy sảng khoái mà nó là viết tắt của của “Yet Another Hierarchical Officious Oracle” (tạm dịch: hướng dẫn không chính thức theo danh mục).
9. Apple
Theo Walter Isaacson, tác giả cuốn tiểu sử nổi tiếng Steve Jobs, hành trình tìm ra cái tên Apple cũng khá thú vị.
Khi Jobs và Wozniak đang tìm một cái tên cho công ty họ đang ấp ủ, Jobs đã có một chuyến tới thăm một trang trại trồng táo. Ngay lập tức, ông đề xuất cái tên “Apple Computer” mà Jobs có giải thích với Walter rằng nó “nghe rất vui nhộn, đầy sức sống và thân thiện”. Steve Jobs cũng nói thêm việc đặt tên công ty là Apple cũng sẽ giúp “táo cắn dở” đứng trước Atari trong danh bạ điện thoại. Bạn thấy đó, một lần nữa danh bạ điện thoại lại đóng vai trò một trong những nhân tố quyết định đến việc đặt tên công ty.
Dương Linh
( Theo TTVN )