Đầu năm 2010, Bộ Tài chính Ấn Độ cho hay, theo dự đoán của cơ quan này, kinh tế Ấn Độ có thể sẽ vượt qua những tác động tiêu cực mà cuộc khủng hoảng toàn cầu gây ra và đạt mức tăng trưởng khoảng 8,75% trong năm tài chính sắp tới.
Theo dự báo mà báo cáo Khảo sát kinh tế thường niên, một trong những tài liệu chính sách quan trọng bậc nhất của New Delhi đưa ra, nền kinh tế lớn thứ ba Châu Á này sẽ sớm trở lại với quỹ đạo tăng trưởng mạnh mà Ấn Độ đã đạt được trước khi khủng hoảng tài chính thế giới xảy ra. Tăng trưởng kinh tế trong năm nay của quốc gia này dự đoán đạt 7,5%.
Các phân tích toàn diện về nền kinh tế Ấn Độ được đưa ra chỉ một ngày trước khi ngân sách quốc gia được công bố. Các chuyên gia kinh tế tin rằng, dự thảo ngân sách quốc gia lần này sẽ cho thấy những dấu hiệu về việc chính phủ Ấn Độ sẽ thu lại các biện pháp kích thích tài khóa trong bối cảnh các thị trường kinh tế mới nổi hồi phục mạnh mẽ, cũng như đưa ra những biện pháp cần thiết để thu hẹp thâm hụt ngân sách trong vòng 20 năm tới.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee cho biết, kinh tế Ấn Độ đã và đang dần thoát khỏi tình trạng suy giảm diễn ra trong hơn một năm qua khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu tác động tới nền kinh tế của quốc gia này. Quý bốn năm tài chính 2008-09, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ giảm từ con số gần 9% xuống 5,8%.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế vẫn cẩn trọng cảnh báo, việc kinh tế Ấn Độ phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng không nên khiến các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ có suy nghĩ rằng họ không cần làm gì hết. Các chuyên gia kinh tế này vẫn không ngừng yêu cầu chính phủ tiếp tục thực hiện các hành động cần thiết nhằm giảm thâm hụt ngân sách hiện đang ở mức 6,8% GDP cũng như thực hiện các cải cách về mọi lĩnh vực như tài chính, sức khỏe và giáo dục.
Nội dung Khảo sát kinh tế thương niên cho thấy, điều chính phủ Ấn Độ nên làm hiện nay là thực hiện cải thiện chi tiêu công, trong đó bao gồm cả các khoản trợ cấp cho người nghèo và áp dụng phương thức đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm kèm phiếu thưởng (coupon system) dành cho các hộ gia đình. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp giảm nợ công xuống khoảng 68% GDP vào thời điểm 2014,1025. Hiện tại, nợ công của Ấn Độ đang chiếm tới 80% GDP.
Khảo sát cũng đưa ra cảnh báo rằng, sự gia tăng giá cả thực phẩm sẽ gây ra nguy cơ lạm phát đối với một số lĩnh vực trong nền kinh tế nước này. Nguyên nhân của sự gia tăng, theo nhận định được đưa ra trong báo cáo, là do chính sách quản lý thực phẩm yếu kém dẫn tới sự gia tăng giá cả nhiều mặt hàng, đồng thời cho rằng, giá cả sẽ có xu hướng tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.