Ứng dụng CNTT trong DN: CẦU hiếm có, CUNG khó tìm!

Tất cả được thể hiện rõ nét trong 5 phiên họp “Hội thảo hỗ trợ DN vừa và nhỏ (DN VVN) ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập & phát triển” diễn ra ngày 23/3/2006 vừa qua.


“Những con số biết nói” và “Hình ảnh của một cây cầu”…


Hội thảo hỗ trợ DN vừa và nhỏ (DNVVN) ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển có 5 phiên họp. Phiên đầu tiên, ông Nguyễn Trí Thanh, Viện Phát triển DN đã công bố kết quả điều tra đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT tại 2.233 DN Việt Nam: “Đó là kết quả không làm ai bất ngờ, là thực trạng ứng dụng CNTT trong các DN: còn rất hạn chế, đầu tư ít và không hợp lý”.


Có tới 91,9% DN không có website tự quảng bá mình trên Internet, 96,4% DN không sử dụng các dịch vụ tư vấn Internet, 24% không sử dụng bất kỳ dịch vụ nào, chỉ “tự cung tự cấp”. Đáng buồn hơn, có tới 97,3% DN không có bất kỳ ứng dụng thương mại điện tử nào…


Tuy rằng, cơ sở hạ tầng vốn được đầu tư khá tốt: 91% các DN đều có máy tính kết nối Internet, hơn 20% có từ 25 máy tính trở lên, nhưng lại xuất hiện sự mất cân đối trong việc đầu tư: các DN chủ yếu dành tiền đầu tư cho phần cứng, trang thiết bị (59,9%), quá ít cho đào tạo (4,8%) và phần mềm (10,9%).


Giải thích phần nào cho hiện trạng này, ông Nguyễn Văn Thảo – Phó tổng thư ký phòng thương mại và công nghiệp VN (VCCI), Viện trưởng viện Tin học DN cho biết: “Quá trình ứng dụng CNTT trong DN như một chiếc cầu. Có 2 mố cầu: DN cung cấp sản phẩm dịch vụ CNTT (phía cung) và DN sử dụng sản phẩm dịch vụ CNTT (Phía cầu) đều chưa có bước đi đúng và chưa gắn kết”. Đó là, nhiều DN sử dụng sản phẩm dịch vụ CNTT thiếu thông tin về lợi ích của ứng dụng CNTT và các loại sản phẩm dịch vụ CNTT. Họ cảm thấy có ít sự lựa chọn. Ngay cả khi DN có nhu cầu cũng không biết mua ở đâu cho đúng, cho tốt. Đầu tư không hợp lý, thiếu chiến lược…”Chẳng hạn như làm website nhưng không đầu tư cho thông tin, duy trì, quảng bá… nên hiệu quả không cao”, ông Thảo ví dụ.


Với các DN cung cấp sản phẩm, thì thông tin về nhu cầu khách hàng không có, thiếu kênh tiếp thị sản phẩm hợp lý, cách thức tiếp cận và kỹ năng marketing chưa tốt, chất lượng sản phẩm chưa cao, tư vấn, thiếu khách quan trung thực, làm dịch vụ hậu mãi chưa tốt…


Ngoài hai “mố cầu” trên, ông Thảo cũng cho rằng nhịp cầu nối liền cung cầu cũng có vấn đề: Các tổ chức tư vấn, hỗ trợ DN vừa ít về số lượng, vừa thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động nên chưa thực sự gắn kết được hai mố cầu để thúc đẩy DN dễ dàng tiếp cận trao đổi các sản phẩm dịch vụ CNTT.


Doanh nghiệp: “Chúng tôi cần nhìn thấy những thứ cụ thể!”


Cũng như nhiều lần trả lời phỏng vấn của VietNamNet trước đây về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thảo vẫn khẳng định: “Khó khăn lớn nhất vẫn là ý thức, đặc biệt là tầm nhìn của lãnh đạo DN trong việc ứng dụng CNTT. Từ đó mà phát sinh ra các trở ngại khác”. Tuy nhiên, về phía mình, một số đại diện DN không công nhận điều này. Giám đốc một công ty TNHH chuyên buôn bán phụ tùng xe máy cho rằng: “Hiện tại, đa số lãnh đạo DN vừa và nhỏ đều biết ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh sản xuất là tốt, vì ai cũng nói thế! Nhưng chúng tôi làm kinh tế, cái gì cũng phải tính toán chắc chắn, khác với đầu tư cho con em đi học”.


“Giá như có thật nhiều thông tin nói về những đánh giá, điều tra về việc ứng dụng CNTT trong một DN A cụ thể rằng: hết bao nhiêu tiền, làm những gì, yêu cầu nhân lực ra sao? thuê người và mua sản phẩm ở đâu? sau khi áp dụng, DN đã thu được lợi ích gì? hàng tháng giảm thiểu được thời gian làm thủ tục hành chính bao nhiêu? lợi nhuận tăng thế nào… Nếu chúng tôi thấy có lợi thực sự, không cần ai thúc đẩy, không cần ai tuyên truyền, DN chúng tôi sẽ tự động lao vào làm ngay”, nhiều DN cùng đề nghị.


Anh Phùng Văn Đông – GĐ công ty Đất Việt – một đơn vị cung cấp dịch vụ CNTT đồng tình với ý kiến của ông Thảo VCCI rằng, đơn vị của anh làm ra sản phẩm nhưng không có nhiều thông tin về thị trường và lép vế về thương hiệu cạnh tranh với các DN lớn. Khách hàng không biết về sản phẩm của các anh, mà thường mua ở các DN lớn, các DN này sau đó lại đặt hàng lại. Người bán và người mua phải qua trung gian nên quyền lợi giảm sút. “Chúng tôi cần một cầu nối”, anh Đông nói.


Rất sôi nổi, nhiều lãnh đạo DN khác cũng rất sốt sắng với việc phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động. Bà Vũ Mai Thu- Giám đốc công ty TNHH Tư vấn đầu tư hỗ trợ kinh doanh ICBA tâm sự: “Chúng tôi đến đây vì muốn tìm hiểu những thông tin thật cụ thể: muốn ứng dụng CNTT trong hoạt động DN thì nên lập kế hoạch ra sao? Qui mô, mức độ như thế nào là hợp lý? Muốn tìm nguồn nhân lực phục vụ việc này thì tìm ở đâu, muốn đào tạo nhân viên đáp ứng công việc CNTT thì nên tới chỗ nào?…


Sẽ có trung tâm “ảo” tư vấn trực tuyến cho doanh nghiệp!


Để giải quyết những vấn đề trên, ông Nguyễn Trí Thanh cho biết: hiện tại các cơ quan chức năng đang tiến hành một cuộc điều tra khảo sát lớn về chất lượng ứng dụng CNTT trong DN vừa và nhỏ. “Khi đó sẽ có rất nhiều case study (mô hình nghiên cứu thực tế) – người thật việc thật về lợi ích của ứng dụng CNTT trong hoạt động DN”.


Ông Nguyễn Văn Thảo thì đưa ra chủ trương cụ thể hơn nhằm giải quyết vấn đề nối liền cung cầu, trong đó VCCI đóng vai trò tư vấn, nối liền hai bên: VCCI sẽ kết hợp với các hiệp hội chuyên ngành (như: Hiệp hội xây dựng, Hiệp hội nông lâm thủy sản…) để xây dựng một trung tâm tư vấn “ảo” trên mạng, với một lời giới thiệu đầy hấp dẫn: “Chúng tôi sẽ xây dựng một Database là một ngân hàng câu hỏi khổng lồ liên quan đến tất cả các vấn đề mà một hoặc nhiều DN muốn ứng dụng CNTT trong hoạt động của mình, cũng như tiếp thị giới thiệu các sản phẩm dịch vụ CNTT. Ai muốn chỉ cần truy nhập vào mạng, đặt câu hỏi và trung tâm sẽ tự xử lý đưa ra câu trả lời lấy từ ngân hàng Database. Nếu ai không quen, có thể đến tất cả các cơ sở của VCCI, nhờ các nhân viên chuyên trách mà chúng tôi đặt tại đây đặt câu hỏi và lấy câu trả lời hộ”.


“Theo kế hoạch, trung tâm tư vấn ảo này sẽ ra đời đầu năm 2007, xong xét tình hình nhu cầu cấp bách của DN hiện nay, chúng tôi hứa sẽ cố gắng hoàn thành sớm vào cuối năm 2006.” Ông Thảo kết luận.