Tăng tỷ lệ đầu tư ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp

Doanh nghiệp ứng dụng CNTT? Còn ba rào cản…

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông (BCVT) Đỗ Trung Tá, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hoàng Tuấn Anh cùng hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, doanh nghiệp trong cả nước và nước ngoài đã tham dự hội thảo vào sáng nay ở Đà Nẵng.

Đây là hội thảo về ứng dụng CNTT-TT trong doanh nghiệp có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, do Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, Bộ BC-VT và UBND TP. Đà Nẵng chủ trì, cùng sự phối hợp tổ chức của Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học-Công nghệ, Bộ Thương mại, Hội Tin học Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và nhỏ Hà Nội, Hội các Nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam…


Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng BCVT Đỗ Trung Tá khẳng định: “Một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị 58 là các doanh nghiệp, trước hết là các Tổng công ty 90-91, cần đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT, xem đó là động lực quan trọng cho tăng cường năng lực cạnh tranh, khả năng hội nhập của mỗi doanh nghiệp và của cả nền kinh tế khi nước ta bước vào hội nhập kinh tế thế giới. Nhiều điển hình là các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có nhu cầu hội nhập cao như BCVT, thuế, hải quan, ngân hàng, hàng không, dầu khí, điện lực, dệt may, đóng tàu, vận tải biển, xây lắp, xây dựng… Nhiều doanh nghiệp đã tăng nhanh số lượng bạn hàng cả trong, ngoài nước cũng như hợp đồng kinh tế nhờ thông qua giao dịch trên mạng. Đầu tư hàng năm cho CNTT-TT thuộc khu vực các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với đầu tư từ Nhà nước và dịch vụ của người dân”.


Tuy nhiên, Bộ trưởng Đỗ Trung Tá cũng nêu rõ: So với mong muốn và yêu cầu mà Chính phủ đặt ra cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT đang còn nhiều vấn đề đặt ra đáng để suy nghĩ: “Thứ nhất, vẫn còn vấn đề nhận thức chưa đầy đủ về vai trò động lực của CNTT-TT trong hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi muốn nâng cao chất lượng sức cạnh tranh và khả năng hội nhập thì doanh nghiệp không thể không áp dụng CNTT-TT. Chúng ta có thể đơn cử những website đơn giản song rất hiệu quả trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng cũng mới chỉ có chưa đầy 10% doanh nghiệp áp dụng. Thứ hai, việc chuẩn bị đầu tư và đầu tư từ khâu quy hoạch, tài chính, nhân lực đến đánh giá đầu tư sau ứng dụng CNTT-TT… vào các hoạt động của doanh nghiệp còn chưa đến nơi đến chốn, manh mún. Đầu tư trung bình cho CNTT hàng năm từ các doanh nghiệp còn thấp, cỡ chỉ bằng 0,1% doanh số; nặng về phần cứng, thiếu các hệ thống thông tin cần thiết cho quản lý và hiện đại hoá sản xuất. Có doanh nghiệp xem vấn đề này vẫn còn là phong trào, dẫn tới hoạt động kém hiệu quả. Thứ ba, chúng ta vẫn còn thiếu các cơ chế chính sách đồng bộ của Nhà nước và của các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho việc đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và sản phẩm CNTT-TT phục vụ doanh nghiệp”.
Theo Bộ trưởng Đỗ Trung Tá, những vấn đề cơ bản trên đây đang là rào cản trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng CNTT-TT trong các doanh nghiệp, làm mất cơ hội đi tắt đón đầu của doanh nghiệp để tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường vốn chứa đựng sự cạnh tranh khốc liệt nhưng tất yếu khi chúng ta dần bước vào hội nhập kinh tế quốc tế.


Chính vì vậy, hội thảo lần này tập trung vào các vấn đề: Tình hình quán triệt Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị trong khu vực doanh nghiệp; nhu cầu ứng dụng CNTT-TT trong các hoạt động của doanh nghiệp; khả năng đầu tư trong lĩnh vực CNTT-TT của doanh nghiệp; khả năng về công nghệ và các sản phẩm của các tổ chức nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT của Việt Nam trước nhu cầu của trong nước; các vấn đề về cơ chế chính sách cụ thể của Nhà nước, Bộ, ngành chủ quản và khu vực các doanh nghiệp liên quan nhằm đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT-TT cho có hiệu quả hơn…

Bốn định hướng lớn

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, chủ đề của hội thảo lần này là hết sức thời sự và quan trọng, đang được dư luận trong nước quan tâm. Hội thảo lần này là một hoạt động lớn thể hiện sự quyết tâm cao của Chính phủ nhằm đưa Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về vấn đề phát triển và ứng dụng CNTT-TT vững chắc đi vào cuộc sống.


Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm lưu ý những hạn chế, bất cập còn tồn tại trên lĩnh vực này không chỉ làm mất đi cơ hội đi tắt đón đầu của các doanh nghiệp khi nước ta đang dần bước vào hội nhập kinh tế quốc tế mà quan trọng hơn là làm hạn chế sự tham gia của một lực lượng quan trọng, quyết định nhất – các doanh nghiệp – vào sự phát triển và ứng dụng CNTT của đất nước. “Để tháo gỡ những bất cập đó, Chính phủ và các doanh nghiệp phải cùng nỗ lực nhiều hơn nữa để tìm ra các giải pháp thúc đẩy ứng dụng CNTT!” – Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh.


Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã gợi ý bốn định hướng lớn cho sự nỗ lực của cả Chính phủ và doanh nghiệp trong thời gian tới để các đại biểu dự hội thảo cùng bàn bạc:
Trước hết, cần sớm có chiến lược và quy hoạch dài hạn và cụ thể từng giai đoạn về tài lực, vật lực và nhân lực về ứng dụng CNTT-TT đối với từng loại hình doanh nghiệp, từng doanh nghiệp gắn với chiến lược phát triển của mỗi ngành và đặc biệt quan trọng là gắn vào chất lượng phát triển CNTT-TT của đất nước.


Thứ hai: Phải sớm tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, cơ chế chính sách, chính sách khuyến mãi phù hợp với đặc thù trên lĩnh vực CNTT-TT, môi trường chuẩn hoá về an ninh an toàn thông tin cũng như môi trường hạ tầng kỹ thuật thông tin gồm viễn thông, internet…, phân cấp một bước để thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng và khai thác lợi thế của CNTT-TT.


Thứ ba: Cần có biện pháp, các chương trình tuyên truyền, khuyến khích có hiệu quả, làm nâng cao nhận thức về lợi ích thiết thực của lĩnh vực CNTT-TT vào hoạt động của các doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2010, đưa tỷ lệ ứng dụng và ứng dụng có hiệu quả CNTT-TT trong các doanh nghiệp nhà nước đạt 100% (hiện nay mới đạt 90%) và tỷ lệ đầu tư cho ứng dụng CNTT-TT hàng năm đạt 1%/ tổng doanh thu (theo điều tra tại trên 200 doanh nghiệp nhà nước, hiện nay chi phí cho đầu tư cho CNTT chỉ mới là con số rất nhỏ bé, từ 0,02 – 0,03%).


Thứ tư: Cần có biện pháp thu hút đầu tư trong nước và sự tham gia của Việt kiều ở nước ngoài cho các dự án ứng dụng CNTT-TT trong các doanh nghiệp. Đây là biện pháp quan trọng nhằm xây dựng nguồn vốn lớn, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều kinh nghiệm cho các dự án vốn có những đặc thù riêng của CNTT-TT.


Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nêu rõ: “Đây là lần thứ hai chúng ta tổ chức hội thảo quốc gia về CNTT-TT với chủ đề ứng dụng CNTT-TT trong các doanh nghiệp Vịêt Nam. Cuộc hội thảo này là cơ hội để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, nhu cầu đáp ứng CNTT-TT cũng như những khó khăn, bất cập và các giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy việc ứng dụng CNTT-TT. Đồng thời, làm sáng tỏ tiềm năng và khả năng của thị trường trong nước cho nền công nghiệp CNTT đang còn non trẻ của nước ta. Với quyết tâm đưa sự nghiệp phát triển và ứng dụng CNTT-TT của nước ta theo kịp trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới, Chính phủ sẽ ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu để triển khai trong thực tế chỉ đạo sắp tới”.


Cũng trong sáng nay đã khai mạc triển lãm giải pháp, sản phẩm dịch vụ phục vụ ứng dụng CNTT-TT trong doanh nghiệp tại Đà Nẵng. Cuộc hội thảo sẽ còn tiếp tục trong ngày 14/8.