Bằng cấp không giúp bạn sống sót trong thời 4.0

Apple, Google, Microsoft, Tesla,… đã bỏ yêu cầu bằng đại học trong tuyển dụng, điều đó không có nghĩa các tập đoàn sẽ tuyển những người kém hơn. Nếu bạn chọn ngành công nghệ thông tin, thứ giúp bạn sống sót trong cách mạng 4.0 không phải là bằng cấp, mà là tốc độ đổi mới theo làn sóng công nghệ.

10 năm cách mạng 4.0

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay Công nghiệp 4.0, là một khái niệm rất “đại chúng” – theo nghĩa thuật ngữ này trên báo chí vô cùng dày đặc. Nhưng trên thế giới cũng như ở Việt Nam, khó tìm được hai người đồng ý với nhau chính xác công nghiệp bốn chấm là thế nào?

Những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trước đó, thường được đánh dấu bằng những sự kiện cụ thể, chẳng hạn sự ra đời của động cơ hơi nước, động cơ đốt trong, mạch bán dẫn,… Nhưng không có sự kiện lớn nào đánh dấu cách mạng 4.0. Dân làm trí tuệ nhân tạo (AI) thường chọn năm 2012, với cột mốc là sự kiện mạng học sâu AlexNet giải quyết được bài toán nhận diện hình ảnh ở quy mô công nghiệp. Điều này khá hợp lý vì AI vốn là cốt lõi của cuộc cách mạng 4.0.

Vậy là Cách mạng 4.0 chuẩn bị mừng sinh nhật 10 năm ngày ra đời! Nhưng đó là 4.0 trong con mắt của ngành AI, nhiều ngành lại có quan điểm khác. Đối với người dân, 4.0 mơ hồ hơn nhiều, đa phần tin rằng đó là một thứ ở xa xôi, chưa liên quan nhiều đến Việt Nam.

Cơ hội từ COVID-19

Có lẽ 4.0 sẽ tiếp tục mơ hồ như vậy nếu không có … COVID-19. Người Việt giật mình trong đại dịch khi thấy hóa ra Việt Nam phụ thuộc toàn bộ vào giải pháp tin học của nước ngoài. Người Việt lên facebook trao đổi thông tin, động viên nhau qua mùa dịch; giải trí bằng youtube, tiktok; học trực tuyến bằng zoom, teams hay meet; và phường xã chia sẻ danh sách đi tiêm vaccine lưu trên sheets. Chúng ta cũng thấy thầy cô và học trò làm quen với học từ xa chẳng mấy khó khăn.

Trong dịch, ngành IT được xem như trụ cột để thế giới sống sót mà không cần quá nhiều tiếp xúc, và cũng là chìa khóa để các nền kinh tế vực dậy sau COVID-19. Lượng tiền đầu tư cho CNTT cũng như nhu cầu việc làm của ngành bùng nổ. Các chính phủ đã thấy cần phải quyết liệt tiến lên trong “bốn chấm”. Còn ở Việt Nam, khái niệm cụ thể hơn là chuyển đổi số được xem như mục tiêu của nhiều tổ chức, thậm chí của sự chuyển mình cả xã hội.

 

Nhận định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hưng về chuyển đổi số tại Việt

Rào cản lớn nhất của Việt Nam trên con tàu 4.0 lại nằm ở thứ ít ngờ tới: Giáo dục đại học; cho dù các trường ĐH của VN vẫn liên tục đổi mới và bắt đầu xuất hiện trên các bảng xếp hạng toàn cầu. Những thứ đang thống trị cuộc sống của người Việt, thuật toán gợi ý trên tiktok, công nghệ chuỗi khối, đồ ảo NFT,…, mới chỉ phổ biến 5 năm trở lại đây; xa xa một chút, người Việt cũng mới “chơi” facebook được hơn 10 năm. Nhưng một chương trình đại học cần bao nhiêu lâu để đổi mới? 10 năm!

Học nghề lên ngôi

Không phải vì giáo dục đại học chậm đổi mới, vấn đề là đổi mới một chương trình đào tạo rất khó. Đầu tiên phải có chương trình giảng dạy, điều chỉnh cách thức đánh giá chất lượng, hệ thống bài giảng, bài tập; tiếp đến phải có đội ngũ giảng dạy phù hợp; và cuối cùng là một môi trường thực tập tương ứng.

Với ngành nghề bùng nổ như CNTT, xây dựng được đội ngũ giảng viên chất lượng là vô cùng khó, vì nếu đủ trình độ, giảng viên sẽ được mời chào ở những vị trí đãi ngộ cao hơn nhiều trong các doanh nghiệp làm phần mềm. Một hệ quả khá đáng buồn là: Khoảng cách từ đào tạo đến thực tế ngày một lớn, do công nghệ thay đổi quá nhanh chóng.

 

Bằng đại học không giúp bạn sống sót trong thời 4.0

Các doanh nghiệp IT lớn giải quyết câu chuyện nhân lực thế nào? Họ chẳng cần bằng đại học nữa! Tesla đã loại bỏ yêu cầu bằng cấp từ 2020. Apple thậm chí còn làm trước đó nhiều năm. Dương Ngọc Thái một hacker có tiếng người Việt hiện đầu quân cho Google cũng chẳng hề tốt nghiệp đại học.

Doanh nghiệp IT ở Việt Nam cũng phải thay đổi mô hình: Tuyển dụng trực tiếp từng những nguồn đào tạo ngắn hạn, không quá 2 năm, chẳng hạn như các khóa của Funix hoặc chương trình lập trình viên quốc tế của Aptech. Những lập-trình-viên-không-bằng-đại-học này sẽ qua một khóa ngắn để thích ứng với môi trường và công nghệ của doanh nghiệp, và rồi ngay lập tức tham gia vào các dự án.

Nếu ứng viên có bằng đại học thì sao? Tốt thôi, nhưng cũng được đối xử y như không có bằng đại học. Doanh nghiệp cần khả năng đổi mới liên tục của ứng viên hơn là bằng cấp. Một giám đốc đào tạo fresher của FPT software nói “Trong vòng 2 năm, Angular cho ra 6 phiên bản, nếu sinh viên có được học môn này ở trường, thì khi ra trường kiến thức cũng đã cũ, không dùng được”.

Mô hình tuyển dụng mới dẫn đến sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp và đơn vị đào tạo, cung cấp nhiều cơ hội việc làm đảm bảo cho các bạn trẻ đam mê CNTT. Chương trình Aptech còn tự tin cam kết đầu ra với mức lương 10 triệu một tháng cho học viên. Nhiều doanh nghiệp như Samsung Việt Nam, Viettel, AvePoint… sẵn sàng cấp học bổng cho học viên ngay khi đang còn đi học.

Có thể nói, suy nghĩ về việc làm ngành IT ở Việt Nam đã tiệm cận với thế giới, đó là sự hướng tới chất lượng thật sự của những năng lực làm việc, thay vì sự cứng nhắc và phù phiếm của các loại bằng cấp, chứng chỉ.

Nguồn (tienphong.vn): https://tienphong.vn/bang-cap-khong-giup-ban-song-sot-trong-thoi-4-0-post1458869.tpo