Năm 2012 – Những sự kiện đáng nhớ của Microsoft

Windows 8, Surface, Windows Phone 8 chắc chắn không thể vắng mặt nếu như nhắc tới các sự kiện tiêu biểu của Microsoft năm 2012 vừa qua.

Windows 8, Microsoft, Surface, Xbox, Apple, Google

1. Windows 8

Nền tảng Windows 8 đã bán được 40 triệu bản sau một tháng ra mắt, bất chấp khen chê trái chiều. Microsoft đặt cược lớn trong phiên bản hệ điều hành máy tính mới này. Tính năng trung tâm trong Windows 8 là người dùng có thể điều hướng bằng cách chạm vào màn hình thiết bị, giúp Microsoft không bị tụt hậu trong một thế giới mà máy tính bảng, smartphone đang nổi lên.

Microsoft mạo hiểm khi nền tảng mới có giao diện khác hoàn toàn các thế hệ Windows đi trước. Dù người dùng có thể quay về phiên bản desktop quen thuộc nếu muốn, Microsoft vẫn khuyến khích họ chấp nhận giao diện dạng gạch (tile) trên toàn bộ dòng sản phẩm của mình.

Thành công của Windows 8 không thể chỉ đánh giá thông qua số bản đã bán được. Thước đo thực sự cho thành công của nó là Microsoft có thể mang tới mẫu máy tính bảng tốt cho thị trường và kìm hãm tốc độ của Apple, Google hay không. Có lẽ vài tháng tới, ván bài mới ngã ngũ.

2. Máy tính bảng Surface

Kể từ khi tung ra MS-DOS năm 1981, Microsoft luôn dựa vào các đối tác phần cứng để đưa hệ điều hành của mình đến với mọi người. Vài năm gần đây, những công ty này đang dần đánh mất thị phần vào tay các thiết kế sáng tạo của Apple. Vì thế, cuối cùng Microsoft cũng nhảy vào kinh doanh phần cứng. Surface – mẫu máy tính bảng xuất hiện cùng ngày với Windows 8 – là tablet màn hình cảm ứng với thiết kế hiện đại, giao diện Windows hoàn toàn mới. Khác với iPad, thiết bị còn đi kèm vỏ bao kiêm bàn phím cho việc nhập nội dung dễ dàng hơn.

Tất nhiên, Microsoft cũng từng sản xuất phần cứng trước đó: máy chơi game Xbox, chuột, bàn phím hay những điện thoại đã “chết yểu” như Kin One, Kin Two. Tuy nhiên, Surface phản ánh sự thay đổi triệt để trong suy nghĩ của công ty có trụ sở tại Redmond. Ban lãnh đạo Microsoft đã quyết định đối đầu trực tiếp với chính các đối tác lâu năm vì hãng nhận ra mình đang bị Apple bỏ rơi và không có nền móng vững chắc tại thị trường then chốt mới – thị trường tablet.

3. Sự ra đi của Steven Sinofsky

Chỉ 3 tuần sau khi Windows 8 và Surface ra mắt, “cha đẻ” của Windows 8 đã rời Microsoft. Việc Steve Sinofsky – người dành gần như toàn bộ sự nghiệp cho Microsoft, một trợ lí kĩ thuật cho Bill Gates, lãnh đạo mảng Office và Windows – thôi việc gây sốc cho toàn bộ giới công nghệ.

Trong nội bộ Microsoft, Sinofsky nổi tiếng như một nhân vật đầy mâu thuẫn: Ông vừa có nhiều người hâm mộ, đặc biệt là những người cùng nhóm vì lịch trình làm việc rõ ràng, luôn cho ra sản phẩm chất lượng đúng thời hạn; mặt khác, ông lại bị những người ngoài bộ phận Windows 8 “chướng mắt”. Với CEO Steve Ballmer, đây quả là tình huống “khó nhằn”. Theo thời gian, Microsoft dựa nhiều hơn vào tính cộng tác giữa các bộ phận để giới thiệu nhiều phần mềm, dịch vụ, phần cứng cùng lúc. Để có thể chống lại Applevà Google, công ty cần mọi lãnh đạo phải hợp tác trơn tru. Vì thế, ngay khi Windows 8 lên kệ, Sinofsky đã phải ra đi.

4. Windows Phone 8

Dù thị phần “thậm thụt”, Windows Phone của Microsoft vẫn thu được vô số sự chú ý. Microsoft cần Windows Phone 8 thành công nếu muốn tạo ra hệ sinh thái thiết bị, nội dung đủ mạnh như đối thủ Apple, Google.

Chỉ vài ngày sau lễ công bố Windows 8, Windows Phone 8 cũng có sự kiện riêng của mình nơi siêu sao màn ảnh Jessica Alba sánh đôi trên sân khấu cùng Steve Ballmer. Microsoft dựa vào Nokia, Samsung, HTC và những hãng khác để giúp mở rộng đường tiến vào thị trường đang bị Apple, Google thống trị. Hãng cũng cần tới các lập trình viên – đối tượng đã viết ứng dụng “phải có” cho nền tảng đối thủ – phục vụ cho mình.

Đây là “ca khó” của Microsoft. Hiện tại, theo hãng nghiên cứu IDC, nền tảng Windows Phone chỉ chiếm chưa tới 3% thị phần smartphone toàn cầu. Dù lạc quan về Windows Phone, IDC không kì vọng nền tảng có thể trở thành mối đe dọa thực sự cho Apple hay Google.

5. Office

Bộ ứng dụng văn phòng Office vẫn là nguồn thu nhập ổn định cho Microsoft. Tuy nhiên, năm nay Microsoft quyết định tung ra Office 365 – dịch vụ cho phép khách hàng trả phí hàng tháng để sử dụng Word, Excel, PowerPoint cũng như phần mềm máy chủ như chương trình email Exchange, phần mềm cộng tác SharePoint… Dịch vụ mới cạnh tranh với một số đối thủ, đáng chú ý là Google Apps cho Doanh nghiệp của Google – sản phẩm đang được các doanh nghiệp quan tâm tới chương trình làm việc trực tuyến chào đón. Ngoài ra, còn có bằng chứng cho thấy Microsoft đang chuẩn bị ra mắt Office cho các nền tảng di động trên iPhone, iPad, Android.

Microsoft nhắm vào doanh nghiệp vừa và nhỏ với Office 365, định giá sản phẩm đủ để không “ăn” mất phần doanh số Office. Tới thời điểm này, nước cờ của gã khổng lồ vẫn tỏ ra hiệu quả. Tại cuộc họp cổ đông thường niên tháng 11/2012, Ballmer lưu ý Office 365 đang trên đường trở thành một trong những mảng kinh doanh phát triển nhanh nhất của Microsoft Office.