Internet cho người già: Thách thức mới của châu Á

Internet cần thiết để hội nhập xã hội và nâng cao chất lượng sống

Từ Hồng Kông cho tới Singapore, các chính phủ khắp châu Á đang ở giữa trận chiến khó khăn để giải quyết các nhu cầu cho người cao tuổi. Ngoài đầu tư cho hoạt động chăm sóc y tế và hưu trí cho người già, nhiều quốc gia đã bắt đầu quan tâm tới vấn đề mới: Liệu mạng Internet đã sẵn sàng phục vụ cho các cư dân mạng cao tuổi?

Chính phủ nhiều nước đang thúc giục các tổ chức nhà nước cũng như công ty tư nhân tăng cường sử dụng những kỹ thuật đem lại khả năng truy cập web cho người già – những đối tượng thường có vấn đề về thị giác, thính giác, khiếm khuyết về tâm thần hoặc thể chất.

Khi Internet ngày càng trở nên quan trọng để hội nhập xã hội và để thực hiện các công việc cơ bản như giao dịch ngân hàng, mua sắm…, chính phủ các nước bắt đầu đầu tư để đảm bảo tất cả người dân đều có thể sử dụng Internet.

internet-cho-nguoi-gia-thach-thuc-moi-cua-chau-a-hanoi-aptech

 

Ông Kingsley Wong, người làm việc tại Ban Thông tin của thành phố Hồng Kông, cho biết Hồng Kông hiện có khoảng một triệu người già và 300.000 người khuyết tật. Chính quyền Hồng Kông cho biết họ coi khả năng truy cập web là một nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống. Ví dụ, nếu được thực hiện đúng cách, các trang web có thể giúp những người khó đi lại và di chuyển có thể tự đáp ứng các nhu cầu cá nhân hàng ngày mà không cần ra khỏi nhà. Tuy nhiên, phần lớn dân số còn gặp khó khăn trong việc truy cập nhiều trang web. Trong một số trường hợp, cần phải thay đổi thiết kế của những trang web này.

Ông Wong giải thích rằng nhiều người già có thị lực kém yêu cầu kích thước phông chữ to cũng như độ tương phản lớn giữa chữ và màu nền. Những người thường xuyên dùng các công cụ đọc màn hình (chuyển văn bản thành tiếng nói) có thể gặp hiện tượng âm thanh không rõ ràng, hoặc nhiều video và tranh ảnh trên trang web không đi kèm phần diễn giải bằng chữ. Những người gặp khó khăn trong việc sử dụng chuột máy tính muốn các trang web cho phép điều hướng bằng nút trên bàn phím.

Một trang web phải đáp ứng được các yêu cầu vừa nêu trên thì mới đạt tiêu chuẩn “web accessibility” của Chính phủ Hồng Kông. Ngoài yêu cầu tất cả các trang web của chính phủ phải phù hợp với tiêu chuẩn “web accessibility”, Hồng Kông còn trao thưởng cho các trang web tư nhân đáp ứng được tiêu chuẩn này. Họ cũng thường xuyên có thuyết trình về kỹ thuật thiết kế trang web dễ truy cập. Chính phủ Hồng Kông đã hợp tác với các doanh nghiệp địa phương để tư vấn miễn phí về cách thiết kế một trang web thân thiện hơn với người già và người khuyết tật. Theo pháp lệnh ngăn chặn phân biệt đối xử với người tàn tật, các công ty có trách nhiệm pháp lý tại Hồng Kông phải đảm bảo là tất cả mọi người dân đều có thể truy cập dịch vụ của họ, cụ thể là thông tin và các dịch vụ được cung cấp qua website.

Vấn đề không của riêng Hồng Kông

Hồng Kông không phải chính phủ duy nhất phải đối mặt với thách thức giúp người già truy cập Internet. Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (ESCAP), tính tới năm 2050, cứ 4 người dân tại châu Á-Thái Bình Dương thì có một người rơi vào độ tuổi 60 trở lên.

Tại Singpapore, chính phủ nước này đã ban hành hướng dẫn về tăng khả năng truy cập nội dung web. Năm 2010, hãng tư vấn Spire đã tiến hàng một nghiên cứu cho thấy chỉ 5% trong số 100 website hàng đầu của Singpapore đáp ứng được các hướng dẫn về trang web dễ tiếp cận.

Chính phủ Đài Loan cũng có một trang web riêng hướng dẫn về việc tăng khả năng truy cập các trang web, lưu ý rằng “trong khi tỷ lệ người khuyết tật trong xã hội ngày càng tăng, các tổ chức ít quan tâm tới nhu cầu của họ trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện các dự án web”.

Tại Mỹ, một hội ủng hộ người Mỹ khuyết tật đã kiện các cửa hàng có trang web không dễ truy cập đối với người khuyết tật, làm dấy lên một cuộc tranh luận về việc các cửa hàng có nghĩa vụ pháp lý phải thiết kế trang web thân thiện với người khuyết tật hay không.

Dương Linh
( Theo ICTNews )