Hậu covid-19: “Khát” nhân lực công nghệ thông tin

Hậu covid-19: “Khát” nhân lực công nghệ thông tin

Đại dịch Covid-19 khiếnnhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp, điển hình là các ngành về bán lẻ, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ về giáo dục, dệt may… Bên cạnh đó cũng có những ngành không những không bị ảnh hưởng, thậm chí dịch bệnh đã tạo ra cú hích cho các doanh nghiệp phát triển do nhu cầu tăng vọt nhất các ngành liên quan đến công nghệ thông tin như thương mại điện tử, ngân hàng số, giáo dục trực tuyến, bảo hiểm…

Báo cáo của trang tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp VietnamWorks cho thấy, trong 10 năm (từ năm 2010 đến nay) nhu cầu tuyển dụng của ngành công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam đã tăng gấp 4 lần. Đặc biệt, 5 năm gần đây, khi nhu cầu thị trường công nghệ ngày càng phát triển, các công ty, doanh nghiệp luôn cần các ứng dụng công nghệ mới vào hệ thống quản lý, sản xuất kinh doanh, thì ngành CNTT thực sự trở thành ngành “hot”.

Còn theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và một số đơn vị tuyển dụng trực tuyến, trong bối cảnh nền kinh tế xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhiều ngành nghề bị tác động dẫn đến lao động bị cắt giảm nhưng một số ngành liên quan đến công nghệ thông tin (CNTT) vẫn tăng nhu cầu tuyển dụng như thương mại điện tử, ngân hàng số, giáo dục trực tuyến, bảo hiểm….

Chuyên gia Hướng nghiệp, Nghề nghiệp và Khởi nghiệp Vũ Tuấn Anh lý giải, cũng giống như các cuộc khủng hoảng đã qua trong quá khứ, đại dịch Covid-19 sẽ tác động xấu tới một số ngành nghề và ngược lại, cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề khác. Trong rủi ro luôn luôn có cơ hội mới dành cho những ai có khả năng thay đổi để đáp ứng, trong đó có các ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin. Sau những tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dù ở quy mô lớn hay nhỏ đều đã nhận thức một cách sâu sắc về mối liên hệ mật thiết giữa khả năng hoạt động theo hình thức online trong mọi khía cạnh như vận hành, marketing, khả năng làm việc từ xa tại nhà,… với tỷ lệ “sống sót” của doanh nghiệp sau biến cố. Trong bối cảnh đó, mọi nhà quản lý đều mong muốn đẩy mạnh tiến trình số hóa (chuyển đổi số) cho doanh nghiệp của mình. Đây là một trong những yếu tố quan trọng khiến cho nhu cầu nhân lực ngành CNTT nói chung và lập trình nói riêng tăng rất cao trong thời gian tới.

“Có thể khẳng định, sức nóng của ngành lập trình sẽ ngày càng tăng theo chiều hướng bền vững, bởi lẽ công cuộc số hóa không thể thành công nếu thiếu sự tham gia của các chuyên viên lập trình. Mặt khác, chính phủ cũng sẽ có những giải pháp quyết liệt nhằm giảm bớt đội ngũ nhân lực cồng kềnh đang làm việc tại các cơ sở hành chính công. Một minh chứng rõ ràng của hướng đi này là việc thúc đẩy người dân sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia từ năm 2019. Điều này cũng kéo theo nhu cầu rất lớn về nhân lực ngành CNTT nói chung và lập trình nói riêng trong cả tương lai ngắn và dài hạn.”, ông Vũ Tuấn Anh nói.

 

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, quan sát nhu cầu tuyển dụng trên sàn giao dịch việc làm Hà Nội cho thấy, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài liên quan đến công nghệ như Samsung, LG… đăng ký tuyển nhiều kỹ sư công nghệ thông tin cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu lao động. Đây là giai đoạn các doanh nghiệp giữ nhân sự và đào tạo lại để hồi phục khi dịch COVID-19 dân được khống chế.

Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc Khu vực miền Bắc của Navigos Group cho biết,  giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp CNTT nên xúc tiến hoạt động tuyển dụng, đào tạo lại vì nguồn cung lao động dồi dào hơn và chuẩn bị cho kế hoạch phát triển sau khi dịch bệnh. Nếu doanh nghiệp chọn cách tạm hoãn các hoạt động tuyển dụng, thì có thể phải đối mặt với cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài khi nhu cầu bùng nổ trở lại.

Hiện một số doanh nghiệp công nghệ thông tin đang thúc đẩy việc đào tạo nhân lực CNTT dài hạn. Đơn cử như  FPT Software mở học viện đào tạo nhân lực CNTT với mục tiêu cung cấp 2.500 nhân sự đáp ứng nhu cầu thị trường nhân lực trong giai đoạn 2020 – 2021;  Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cũng tăng cường tổ chức các buổi giới thiệu chương trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp tới các hội viên. Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, lĩnh vực CNTT có tiềm năng phát triển mạnh mẽ sau khi dịch COVID-19 được khống chế. Hiệp hội phối hợp với CLB startup về CNTT tổ chức những khóa đào tạo ngắn hạn để hỗ trợ về nhân lực cho ứng dụng và triển khai CNTT tại doanh nghiệp.

Theo baodansinh.vn